Những lập luận khoa học, sắc bén của Tổng Bí thư là kim chỉ nam để các đại biểu Quốc hội thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình
Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc. Là đại biểu Quốc hội được tham gia trong nhiệm kỳ Khóa XI, XII, tôi rất ấn tượng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư khi đồng chí làm Chủ tịch Quốc hội Khóa XI, XII (từ tháng 6.2006 đến đầu tháng 7.2011) với việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội Việt Nam; phát huy vai trò, chức năng của Quốc hội trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước, mang tính tổng thể, toàn diện.
Qua 6 năm làm Chủ tịch tại hai nhiệm kỳ của Quốc hội, hơn 2 năm làm Chủ tịch nước và ba nhiệm kỳ liên tiếp làm Tổng Bí thư của Đảng, với chức năng, nhiệm vụ người đứng đầu, cùng với tập thể Đảng đoàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban và các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đóng góp to lớn trong việc cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, để lại dấu ấn rất đậm nét như sau:
Thứ nhất, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được đổi mới về quy trình, bảo đảm tăng cả về số lượng và chất lượng, góp phần thể chế hóa kịp thời, đúng đắn đường lối của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước. Đặc biệt lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Nhân dân đồng tình ủng hộ cao.
Đồng chí đã chỉ rõ: Hệ thống pháp luật phải đảm bảo cho Nhà nước vận hành trôi chảy, vừa tiếp nhận, phát triển những giá trị đã được khẳng định của văn minh nhân loại, vừa phải phù hợp với những giá trị tốt đẹp của Việt Nam, vừa phù hợp với yêu cầu của chế độ ta, đất nước ta trong giai đoạn phát triển mới.
Thứ hai, công tác giám sát được tăng cường với sự kết hợp nhiều phương thức tổng hợp, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Việc Quốc hội Khóa XII giám sát giải quyết các kiến nghị của cử tri là một điểm mới, song lại hiệu quả, thiết thực, góp phần xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn. Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: “XHCN mà Nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do Nhân dân làm chủ”. Khi đề cập đến quyền đoàn kết dân tộc, đồng chí chỉ rõ: “Các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển”.
Thứ ba, việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các công trình, dự án quốc gia ngày càng có chất lượng hơn, bám sát và đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn. Hoạt động đối ngoại đạt nhiều hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao vị thế của đất nước Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế. Tổ chức bộ máy được củng cố, kiện toàn, từng bước ổn định, cơ bản đáp ứng yêu cầu của hoạt động thực tiễn, phương thức và chế độ làm việc từng bước được cải thiện theo hướng phát huy dân chủ, tăng tính chủ động, sáng tạo, phối hợp tốt hơn giữa các đơn vị, cơ quan hữu quan.
Thứ tư, các kỳ họp Quốc hội đã thực sự trở thành sự kiện chính trị cuốn hút và những phiên họp thảo luận về các dự án luật, tình hình kinh tế - xã hội, chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi, tâm huyết. Hoạt động của Quốc hội đã làm sâu sắc hơn nhận thức về xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần tăng cường sự gắn kết giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo ra một hình ảnh về sự năng động, dân chủ trong hệ thống chính trị XHCN ở nước ta.
Đọc toàn bộ cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi thấy tư tưởng chỉ đạo của đồng chí về Quốc hội và về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong những năm qua được thể hiện rất rõ nét và có hệ thống.
Những lập luận khoa học và sắc bén của đồng chí Tổng Bí thư trong cuốn sách chính là kim chỉ nam để các đại biểu Quốc hội thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, đóng góp nhiều hơn nữa công sức, trí tuệ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.