Những lĩnh vực được khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài

Điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo, nông nghiệp hiệu quả cao, kinh tế số… sẽ là những lĩnh vực Việt Nam khuyến khích đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Công nhân lao động sản xuất (Ảnh chụp tại Công ty Dụng cụ AN MI). Ảnh: Khắc Kiên

Công nhân lao động sản xuất (Ảnh chụp tại Công ty Dụng cụ AN MI). Ảnh: Khắc Kiên

Hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc

Chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam (FDI) sẽ tiếp tục xu hướng thu hút có chọn lọc nhằm nâng cao năng lực sản xuất, tăng tính lan tỏa giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước. Hạn chế các tác động tiêu cực tới môi trường, giảm việc sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên và năng lượng, thâm dụng lao động và ít tạo ra giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học công nghệ thấp…

Về định hướng thu hút FDI trong năm 2024 và thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tập trung vào chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường. Ưu tiên sẽ được đưa ra cho các dự án có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao và có sự liên kết với DN trong nước, từ đó tạo ra tác động lan tỏa và kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Hiện các lĩnh vực được khuyến khích đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới bao gồm: điện, điện tử, bán dẫn; năng lượng tái tạo, nông nghiệp hiệu quả cao; kinh tế số, chuyển đổi số;đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; và trung tâm tài chính.

Năm 2023, vốn đầu tư FDI mới tăng mạnh cả về vốn đầu tư (tăng 62,2%) cũng như số dự án đầu tư mới (tăng 56,6%), cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mới.

Về chất lượng dự án đầu tư nước ngoài, theo đánh giá cũng có sự cải thiện, phần lớn các dự án tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 64,2%). Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực điện tử, sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ tiên tiến…

Năm 2024 là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng sẽ dốc toàn lực cho năm chuẩn bị về đích này. Đây có thể là những thuận lợi mang tính chủ quan, nhưng cũng là áp lực lớn cho hoạt động kinh tế của đất nước. Trong bối cảnh thế giới nhiều bất định, Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đây là nền tảng quan trọng để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng.

Rà soát lại toàn bộ các chính sách tài chính

Bên cạnh đó, yêu cầu đảm bảo bền vững nguồn thu ngân sách cũng đòi hỏi phải rà soát lại toàn bộ các chính sách tài chính, tronag đó có các ưu đãi về thuế, phí, đất đai trong thu hút đầu tư. Vì vậy, số giải pháp hoàn thiện chính sách tài chính phù hợp với định hướng thu hút vốn FDI trong thời gian tới.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nêu rõ: động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024, bao gồm: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp đà tăng trưởng tích cực; hiệu quả của chiến lược phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vừa đảm bảo nguồn cung và an ninh lương thực vừa phát triển nông nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy sản bền vững.

Đầu tư công, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng. Thu hút FDI được dự báo tiếp tục là điểm sáng, Việt Nam vẫn là một trong những lựa chọn ưu tiên của dòng vốn FDI. Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục mở rộng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, từ đó tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, kích thích tăng trưởng.

Theo đánh giá từ Bộ KH&ĐT, nhiều tập đoàn, DN lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor,... Nvidia (Hoa Kỳ) cam kết đưa Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của Tập đoàn; Hana Micron (Hàn Quốc) khánh thành giai đoạn 2 và nâng tổng mức đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỷ USD; LG Innotech (Hải Phòng) đã đầu tư mở rộng dự án thêm 1 tỷ USD trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm điện tử.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cơ hội thu hút đầu tư FDI trong năm 2024 đang mở ra như năm 2008, thời điểm Việt Nam vừa tham gia WTO. Các yếu tố như cuộc chiến kiểm soát công nghệ lõi, công nghệ chip… đang mở ra cơ hội cho Việt Nam trong thu hút FDI công nghệ cao. Tuy vậy, Việt Nam cần có giải pháp tạo lợi thế cạnh tranh khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, đồng thời cải cách môi trường kinh doanh thông thoáng và tiện lợi hơn.

Bên cạnh đó, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần phải làm tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Bộ KH&ĐT cũng cam kết tiếp tục xây dựng các kế hoạch và giải pháp mang tính đột phá để thu hút FDI một cách hiệu quả và bền vững, từ đó góp phần vào việc đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư tiềm năng, an toàn và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Nguyễn Vũ - Hải Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhung-linh-vuc-duoc-khuyen-khich-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-370966.html