Những lo âu của người dân cù lao trên sông Hậu
Thời gian qua, nhiều người dân sinh sống ở cồn Cò, ấp An Tấn, xã An Lạc Tây (Kế Sách) lo lắng khi tàu cao tốc Côn Đảo Express chạy tuyến Cần Thơ - Côn Đảo ngang đường thủy nội địa thuộc địa phận xã An Lạc Tây với tốc độ cao, gây sóng lớn tác động vào chân đê, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trên cồn.
An Tấn và An Công là 2 ấp cù lao trên sông Hậu thuộc địa bàn xã An Lạc Tây. Thời gian qua, nhiều hộ dân sinh sống ở 2 ấp này thấp thỏm lo âu khi tàu cao tốc Côn Đảo Express chạy tuyến Cần Thơ - Côn Đảo đi ngang gây sóng lớn. Ông Nguyễn Văn Mười ở cồn Cò cho biết: “Tôi sinh sống bằng nghề đặt lờ dưới sông đã hơn 20 năm, trung bình mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng. Thế nhưng, từ khi có tuyến tàu cao tốc chạy ngang thì ngư cụ hư hỏng nặng do tàu chạy tạo sóng mạnh đánh vào, thu nhập cũng giảm rất nhiều. Rất mong cơ quan có thẩm quyền có cách giải quyết để sớm chấm dứt tình trạng này”.
Không chỉ lo bị gây hư hỏng ngư cụ đánh bắt thủy sản, thời gian qua, nhiều hộ dân sinh sống trên các ấp cù lao của xã An Lạc Tây còn lo lắng khi nhiều đoạn đê ven sông Hậu cũng bị sạt lở, đặc biệt, những người vận chuyển hàng nông sản từ cù lao qua đất liền bằng xuồng cũng canh cánh nỗi lo vì đã có nhiều trường hợp tàu cao tốc Côn Đảo Express chạy ngang tạo sóng lớn gây chìm xuồng của nhiều người.
Trong báo cáo của UBND huyện Kế Sách gửi Sở Giao thông Vận tải cũng xác nhận vấn đề trên. Theo đó, kể từ khi tàu cao tốc Côn Đảo Express chạy tuyến Cần Thơ - Côn Đảo hoạt động đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân ở ấp An Tấn và ấp An Công. Cụ thể hơn, đã có 37 đoạn chân đê ở 2 ấp bị sạt lở với chiều dài ước tính hơn 1.500m, 34 vụ chìm xuồng, ghe, gây hư hỏng phương tiện, 11 trường hợp hộ dân đánh bắt trên sông bị cuốn trôi mất lưới, ngư cụ và một số công trình do Nhà nước đầu tư bằng kè rọ đá bị hư hỏng, có nguy cơ sạt lở, người dân phải tự gia cố đê bao để bảo vệ tài sản, một số hộ đã di dời nhà cửa và tài sản đến nơi an toàn. Ngoài ra, trên địa bàn xã đảo Phong Nẫm cũng ghi nhận nhiều tuyến đê bị sạt lở do hoạt động của tàu cao tốc Côn Đảo Express gây ra.
Vấn đề lo ngại trên cũng được các tổ đại biểu của huyện Kế Sách và huyện Cù Lao Dung kiến nghị đến Sở Giao thông Vận tải để có hướng khắc phục. Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải, tuyến tàu cao tốc Cần Thơ - Côn Đảo do Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc khai thác được cấp phép, quản lý của Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV (tuyến từ Cần Thơ đi Trần Đề) và Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ (tuyến từ Trần Đề đi Côn Đảo). Do đó, Sở Giao thông Vận tải đã tiếp thu thông tin và đề nghị Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV và Cảng vụ Cần Thơ tổ chức cuộc họp giữa các cơ quan liên quan với Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc về tình hình hoạt động của tuyến tàu cao tốc nêu trên nhằm đảm bảo các điều kiện an toàn giao thông đường thủy và phòng chống sạt lở.
Theo công văn giải trình của Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc (Kiên Giang) gửi Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sóc Trăng, tàu khởi hành từ Cần Thơ đi Trần Đề và ngược lại với thời gian khoảng 2 giờ, tốc độ trung bình khoảng 20 hải lý/giờ (tương đương 37km/giờ). Như vậy, theo từng đoạn mà thời gian hành trình trên thay đổi, tùy thuộc vào mật độ trên luồng, tốc độ từ 10 - 28 hải lý/giờ (tương đương 18,52 - 51,8 km/giờ) so với tốc độ thiết kế tàu chỉ hoạt động ở khoảng 70% công suất. Việc tàu của công ty tạo sóng là có nhưng với cường độ của sóng chỉ cao bằng 1/6 chiều chìm (mớn nước tàu 1,6m), khoảng cách lan truyền sóng tới bờ là rất nhỏ.
Đại tá Phạm Minh Khả - Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, do tàu cao tốc Côn Đảo Express chạy tuyến Cần Thơ - Côn Đảo hoạt động trên luồng hàng hải nên không thuộc thẩm quyền xử lý của giao thông địa phương. Chúng tôi sẽ có công văn gửi đến đơn vị khai thác trong quá trình di chuyển cần hạn chế tạo sóng, gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của người dân.
Theo mong mỏi của nhiều người dân sinh sống ở các ấp cù lao, cơ quan có thẩm quyền cần sớm có giải pháp để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa việc kinh doanh vận tải hành khách của doanh nghiệp và bảo vệ an toàn chân đê ven sông, đặc biệt là sự an toàn về tài sản, tính mạng của người và phương tiện tham gia giao thông trên sông Hậu cũng như việc mưu sinh của nhiều người dân bằng nghề đánh bắt thủy sản.