Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Giảm xin - cho, quyền anh - quyền tôi
Cho rằng nếu làm theo tư duy cũ thì các dự án sẽ rất chậm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa.
Sáng 6-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi). Nêu ý kiến, các đại biểu Quốc hội ủng hộ chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhưng lưu ý phải “kiểm soát quyền lực”.
Phân cấp cho HĐND là hợp lý
Hai phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật là Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) và Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) ủng hộ chủ trương cũng như nhiều đề xuất sửa đổi liên quan đến đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tại dự thảo luật.
Tuy nhiên, cùng với việc giao quyền cho các cơ quan cấp dưới, đặc biệt là chính quyền địa phương, bà Nguyễn Phương Thủy đề nghị cần bổ sung các cơ chế, các giải pháp để bảo đảm yêu cầu về kiểm soát quyền lực. “Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, tăng tính công khai, minh bạch trong quyết định các nội dung về đầu tư cũng như tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan được giao thẩm quyền quyết định” - bà Thủy nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Trường Giang lưu ý việc phân cấp, phân quyền phải phù hợp với năng lực của cơ quan được phân cấp và phân cấp thì phải kèm theo phân bổ nguồn lực.
Góp ý cụ thể về chủ trương chuyển thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B, C sử dụng vốn ngân sách địa phương từ HĐND sang cho UBND các cấp, bà Thủy cho rằng quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nên giao hai cơ quan khác nhau thực hiện. Việc này theo bà, nhằm bảo đảm yêu cầu giám sát và kiểm soát quyền lực.
Theo bà Thủy, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, thay mặt người dân quyết định việc sử dụng ngân sách của địa phương, thực hiện quyền giám sát. “HĐND quyết định chủ trương đầu tư, sau đó chủ tịch UBND quyết định và tổ chức triển khai dự án đầu tư là một quy trình rất hợp lý” - bà Thủy nói.
Trước quan điểm cho rằng đưa ra HĐND sẽ kéo dài thời gian, bà Nguyễn Phương Thủy cho rằng đây chỉ là một cách giải thích và đã có giải pháp để khắc phục. Bà dẫn chứng từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 cho đến nay, HĐND TP Hà Nội tổ chức khoảng 20 kỳ họp (bình quân sáu kỳ họp/năm). Khi UBND có yêu cầu, HĐND đều sắp xếp, bố trí lịch họp để thực hiện thẩm quyền được giao chứ không chờ đến các kỳ họp định kỳ.
Mặt khác, khi đưa nội dung này ra xem xét, thảo luận và quyết định tại HĐND, việc chuẩn bị hồ sơ dự án sẽ phải cẩn trọng hơn, quy trình cũng như nội dung dự án đầu tư cũng bảo đảm tốt hơn...
Theo dự thảo luật, tiêu chí phân loại dự án nhóm B, nhóm C theo tổng mức đầu tư từ dưới 90 tỉ đến 4.600 tỉ đồng tùy theo lĩnh vực. Bà Thủy đề nghị không sửa nội dung quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương.
Tương tự, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhận định HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư là một cơ chế kiểm soát quyền lực, tạo nên sự độc lập giữa cơ quan quyết định chủ trương đầu tư với người phê duyệt dự án đầu tư, tránh những nguy cơ mắc phải sai phạm, giảm gánh nặng trách nhiệm cho người phê duyệt dự án.
Phân cấp mạnh hơn
Giải trình cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay Điều 17 luật hiện hành cho phép trong trường hợp cần thiết, HĐND có thể giao UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư. Trên thực tế đã có 43 tỉnh đã phân cấp, giao quyền. “Vừa rồi, Chính phủ rất cẩn thận, lấy ý kiến lại của 63 địa phương thì tất cả đều nhất trí 100%” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói.
Dù vậy, trước nhiều ý kiến không đồng tình phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C từ HĐND cho UBND các cấp, ông Dũng khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu, cùng cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ lưỡng, sau đó báo cáo Chính phủ và Quốc hội.
Nêu quan điểm chung khi sửa luật lần này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần thay đổi tư duy xây dựng pháp luật. “Trước đây, chúng ta chỉ tập trung vào quản lý, giờ phải vừa quản lý vừa kiến tạo cho phát triển” - ông Dũng nói và khẳng định quy định pháp luật phải tạo động lực, không gian mới, đồng thời khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho phát triển đất nước.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng lưu ý việc chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Dẫn kinh nghiệm một tỉnh của Trung Quốc làm được 2.000 km cao tốc trong ba năm, ông Nguyễn Chí Dũng nói khi hỏi lý do sao có thể làm được khối lượng lớn trong thời gian ngắn, giá rẻ như vậy, họ cho biết có ba yếu tố. Đó là phân cấp mạnh cho địa phương; dám vay và lập các công ty nhà nước để làm các dự án hạ tầng giao thông; sau khi làm xong thì chuyển nhượng quyền khai thác cho tư nhân và thu hồi vốn…
Khẳng định nếu tiếp tục làm theo tư duy cũ sẽ rất chậm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng cần phân cấp mạnh hơn. Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tập trung giữ vai trò kiểm soát, kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; giảm xin - cho, giảm quyền anh, quyền tôi, giảm đùn đẩy, né tránh.
“Nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công lần này đều là những vấn đề cốt lõi, vướng mắc, cấp bách trong thực tiễn” - ông Dũng nói thêm.
Chuyển từ “tiền kiểm sang hậu kiểm”
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (một luật sửa bốn luật).
Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho rằng Nghị định 138/2024 mà Chính phủ mới ban hành là “tin vui lớn với các địa phương trong cả nước và nhiều bộ, ngành; là kết quả của những tranh luận “nóng”, thậm chí “rất nóng” suốt bốn kỳ họp Quốc hội”. Với nghị định này, hàng ngàn và có thể là hàng chục ngàn cán bộ, công chức, viên chức khi phân bổ, sử dụng kinh phí chi thường xuyên không còn phải sợ sai, sợ trách nhiệm vì không còn quy định “khiến họ phải sợ sai”.
Tuy vậy, ông Hậu cho rằng chuyện đấu thầu tới đây sẽ khiến nhiều người lại sợ sai, sợ trách nhiệm vì những nhiệm vụ có nguồn vốn chi thường xuyên tổng trị giá 100 triệu đồng phải đấu thầu.
“Một đại biểu ở cơ quan Trung ương nói với tôi rằng “bó lắm anh ạ”, không chỉ trong mua thiết bị hay xây lắp đâu. Chúng tôi tổ chức một hội thảo chuyên ngành, kinh phí trên 100 triệu đồng cũng phải đấu thầu” - ông Hậu nói và đề xuất nâng mức phải tổ chức đấu thầu với các công việc sử dụng chi thường xuyên lên bằng với đầu tư công. Cụ thể, gói thầu tư vấn có giá trị trên 500 triệu đồng, gói thầu mua sắm, xây lắp, dịch vụ phi tư vấn trên 1 tỉ đồng…
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết bộ sẽ báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét sửa đổi luật theo hướng nâng hạn mức chỉ định thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, hàng hóa.
Còn về tinh thần chung, việc xây dựng pháp luật là để vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, bám sát thực tiễn, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ngoài ra, sửa luật cũng phải đặt trọng tâm vào phân cấp, phân quyền; đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ông Dũng cũng nhắc lại câu chuyện UAE xây dựng Dubai diện tích 600 ha, 500 tòa nhà, trị giá 20 tỉ USD chỉ trong năm năm làm ví dụ.
Theo ông, các tiêu chí xây dựng của UAE đều đã rất minh bạch, doanh nghiệp và người dân “cứ thế mà làm”. Mô hình TP được Quốc vương UAE thẩm định trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Vì mọi thứ đã rõ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc sửa luật lần này phải hướng đến “hậu kiểm” thực sự. Đó là các quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện… phải rất rõ ràng và công khai cho dân và doanh nghiệp, các nhà đầu tư thực thi.
“Họ muốn làm gì thì căn cứ vào đó, không cần phải xin phép ai và họ phải chịu trách nhiệm. Phải phân định được trách nhiệm, vai trò của Nhà nước và quyền tự do tuân thủ các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật minh bạch đã được ban hành” - ông Dũng nói.
****
Chỉ tập trung sửa những vấn đề cấp bách, cần thiết
Dự án “một luật sửa bốn luật” lần này nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần rà soát kỹ, tập trung sửa đổi những vấn đề thực sự cấp bách, cần thiết, tránh sa vào những nội dung chưa được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, nếu không có thể sẽ tạo ra những vướng mắc mới.
Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của dự án Luật, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội xem xét, thông qua nhiều dự án Luật khác, trong đó có quy định về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư, đấu thầu...
Chẳng hạn, Luật Địa chất và Khoáng sản có quy định về quy hoạch khoáng sản, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản; Luật Điện lực được trình tại kỳ họp lần này cũng có nhiều quy định liên quan đến quy hoạch, đầu tư. Qua rà soát năm chính sách đặc thù mà Luật Điện lực dự kiến quy định thì tôi thấy có tính đặc thù, khác với các quy định chung về quy hoạch, đầu tư...
Tuy nhiên, việc xử lý các quy định cụ thể có liên quan của các luật chưa được chú trọng, nhất là trong mối quan hệ giữa Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư với các luật cụ thể cần có chính sách đặc thù trong các lĩnh vực như khoáng sản, điện lực...
Tôi đề nghị các cơ quan chủ trì phối hợp chặt chẽ để rà soát, có phương án xử lý cụ thể các quy định nêu trên. Qua đó, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tạo được cơ chế phù hợp với từng lĩnh vực để giải quyết những vướng mắc hiện nay.
ĐBQH ĐỖ ĐỨC HIỂN (đoàn TP.HCM)
Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-truong-nguyen-chi-dung-giam-xin-cho-quyen-anh-quyen-toi-post818617.html