Gấu nước là loài động vật có thể sống mà không cần nước trong 10 năm, chịu được nhiệt độ từ âm 272 độ C đến 150 độ C.
Có nhiều lý do giải thích vì sao gián lại sống dai. Chúng có thể chịu được nhiệt độ khắc nghiệt và thậm chí có thể sống sót trong 45 phút không cần không khí. Ngoài ra, trong khi một vụ nổ hạt nhân có thể tiêu diệt chúng thì gián có thể sống sót trong điều kiện phóng xạ lâu hơn con người từ 6 - 15 lần.
Sứa bất tử là loài sinh vật có khả năng lão hóa ngược. Về cơ bản, khi những con sứa này bị thương hoặc bị lấy đi một bộ phận cơ thể, chúng có thể tự hồi phục với một trạng thái trẻ hơn.
Được phát hiện trong một mỏ vàng ở Nam Phi vào năm 2011, giun quỷ sống ở độ sâu 3.600 mét. Nhưng điều đáng nói ở đây là chúng đã sống ở đó trong khoảng 3.000 - 12.000 năm.
Sâu Pompeii được phát hiện trong những miệng phun thủy nhiệt ở Thái Bình Dương với nhiệt độ có thể lên tới 80 độ C. Đó là chưa kể các loại khí độc được phun ra trong môi trường này.
Mặc dù không phải là động vật nhưng vi khuẩn đơn bào Strain 121 có thể sống sót ở nhiệt độ 130 độ C. Các nhà khoa học đã đặt chúng trong nồi hấp được sử dụng để tiệt trùng y tế nhằm thử khả năng chống chịu của chúng. Đáng kinh ngạc là trong khoảng 10 tiếng, chúng vẫn sống sót.
Mặc dù cũng không được coi là động vật nhưng loài sinh vật ưa cực (extremophile) được phát hiện năm 2010 gần hồ Mono ở California có thể ăn những thứ như phốt pho và thạch tín. Chúng khiến NASA hy vọng có thể tìm thấy những tổ chức sống tương tự ở các hành tinh khác.
Nhện nhảy Himalaya được tìm thấy ở độ cao 6.705 mét trên núi Everest. Chúng có tới 4 mắt để quan sát con mồi và nhảy lên chúng.
Chim cánh cụt hoàng đế có thể lặn sâu hơn bất kỳ loài chim nào trên thế giới. Chúng cũng có thể chống chịu trước cái lạnh âm 24 độ C.
Không giống như các loài động vật có vú khác ở Bắc Cực, chuột Lemming Bắc cực không ngủ đông. Thay vào đó chúng chống chịu trước mùa đông lạnh giá bằng cách hoạt động thông qua việc xây dựng những đường hầm trong tuyết để tìm thức ăn.
Kiều Anh/VOV.VN Theo: Stars Insider