Đầu tiên trong danh sách các loại lựu đạn phổ biến của Mỹ ở Chiến tranh Việt Nam là lựu đạn MK-2, đây là loại lựu đạn mảnh được phát triển từ năm 1918, được dùng rộng rãi và là lựu đạn tiêu chuẩn của quân đội Mỹ trong thế chiến thứ 2. Từ năm 1952, quân đội Mỹ bắt đầu thay thế lựu đạn MK-2 bằng lựu đạn M-26.
Lựu đạn MK-2 cũng được dùng trong chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam, cho đến khi bắt đầu được thay thế hoàn toàn bằng lựu đạn M-67. Do trên thân lựu đạn có khía sọc nên được gọi là “lựu đạn trái thơm” hay “lựu đạn trái dứa”. Sử dụng cơ chế búa đập giống mỏ vịt nên còn được gọi là “lựu đạn mỏ vịt”.
Trọng lượng 595 gram, chiều dài 99 mm, đường kính 58 mm, sử dụng nhiều loại thuốc nổ như 52 gram TNT hoặc 66 gram Trojan hoặc 52 gram Grenit. Trọng lượng thuốc nổ 164 gram, cơ chế kích nổ dạng nắp chụp mỏ vịt, thời gian nổ 4-5,5 giây. Bán kính sát thương 15 m, bán kính nguy hiểm chết người 5 m.
Thứ hai là lựu đạn M-26, là lựu đạn mảnh tiêu chuẩn của quân đội Mỹ được phát triển từ năm 1952 và được dùng rộng rãi từ chiến tranh Triều Tiên cho tới chiến trường Việt Nam. Bên ngoài có dạng trái chanh, da láng bóng không khắc rãnh nên còn được gọi là “lựu đạn da láng” hay “lựu đạn trái chanh”.
Kể từ lựu đạn M-26, quân đội Mỹ bắt đầu sử dụng hỗn hợp nổ B, bao gồm thuốc nổ RDX và TNT. Hỗn hợp nổ B được đánh giá là an toàn hơn và bảo quản tốt hơn thuốc nổ TNT. M-26 là loại lựu đạn Mỹ dùng trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1965. Trên thân lựu đạn có thể có hoặc không vạch màu vàng. Đó là ký hiệu chứa chất nổ mạnh.
Trọng lượng của M-26 là 454 gram, chiều dài 99 mm, đường kính 57 mm. Trọng lượng thuốc nổ 164 gram, cơ chế kích nổ kíp hẹn giờ M-204A1, thời gian nổ 4-5,5 giây. Bán kính sát thương 15 m, bán kính nguy hiểm chết người 5 m. Một số biến thể của M-26 bao gồm lựu đạn M-26A1, lựu đạn M-26A2, lựu đạn M-30, lựu đạn M-61, lựu đạn M-62, lựu đạn M-50, lựu đạn M-56, lựu đạn M-57,...
Thứ ba là lựu đạn M-67, là phiên bản thay thế của lựu đạn M-26. Thoạt đầu có tên là lựu đạn M-33. Sau đó được thêm cần an toàn và được đổi thành lựu đạn M-67. Trên thân lựu đạn, ngoài móc an toàn còn có thêm 1 cần an toàn, để giữ cho lựu đạn không phát nổ, do hành quân trong rừng bị cành cây hay lá cây vướng vào.
M-67 có dạng tròn dài, quả cầu nên còn gọi là “lựu đạn quả bóng”. Lựu đạn M-67 bắt đầu được sử dụng ở miền Nam Việt Nam từ khoảng năm 1969 và vẫn sử dụng đến tận ngày nay. M-67 vẫn là lựu đạn tiêu chuẩn của quân đội Mỹ với phiên bản cải tiến là lựu đạn M-68. Giá một quả lựu đạn M-67 vào năm 2021 của quân đội Mỹ vào khoảng 45 USD.
Trọng lượng 400 gram, chiều dài 90 mm, đường kính 64 mm, sử dụng thuốc nổ hỗn hợp B. Trọng lượng thuốc nổ 180gr, cơ chế kích nổ kíp hẹn giờ M1213, theo cơ chế hóa chất gây cháy. Thời gian nổ 4 – 5,5 giây, bán kính sát thương 15 m, bán kính nguy hiểm chết người 5 m.
Cuối cùng là lựu đạn khói M-18, được phát triển từ năm 1942 và được dùng để tạo khói che dấu mục tiêu hoặc đánh dấu mục tiêu, làm dấu hiệu cho các đơn vị khác như máy bay, trực thăng phát hiện từ xa.
Ban đầu, phiên bản lựu đạn khói đầu tiên là lựu đạn khói M-16 với các màu đỏ, cam, vàng, lá, dương, tím, đen. Tuy nhiên, nhược điểm là thời gian tạo khói ngắn và được thay thế bằng lựu đạn khói M-18. Lựu đạn M-18 giới hạn chỉ còn 4 màu tiêu chuẩn đỏ, vàng, lá, tím.
Lựu đạn được chế tạo theo dạng hình trụ tròn. Phía trên có sơn màu mà sẽ tạo khói. Lúc đầu, lựu đạn có màu sơn xám nhạt, về sau là màu vàng chanh. Cấu tạo trên đầu có 4 lỗ thoát khói, dưới đáy có 1 lỗ thoát khói.
Trọng lượng 539 gram, chiều dài 146mm, đường kính 63 mm, có các màu khói đỏ, vàng, lá, tím. Trọng lượng thuốc tạo khói 329 gram, thời gian tạo khói 50-90 giây. Tầm ném khoảng 35 m với người bình thường. Cơ chế kích nổ kíp hẹn giờ M201A1.
Tiến Minh