Những loại pháo hạm trên các tàu chiến mới của Hải quân Nga
Hải pháo A-192M 130mm Armat mới đã được đưa vào sản xuất hàng loạt ở Nga. Nó được thiết kế để trang bị cho các khinh hạm đa năng Dự án 22350 lớp Đô đốc Gorshkov đang được xây dựng.
Vũ khí đa năng
A-192M là pháo tự động cỡ nòng lớn tiên tiến nhất trong Hải quân Nga. Ví dụ, tàu khu trục "Đô đốc Gorshkov" và tàu cùng lớp "Đô đốc Kasatonov" được trang bị vũ khí này. Đến nay, ba pháo hạm A-192M đã được sản xuất, và có các hợp đồng về việc sản xuất ba khẩu pháo nữa.
Trước đây, hạm đội chỉ được trang bị các pháo hạm AK-130 cỡ nòng 130mm. Nhưng, pháo hạm loại này chỉ phù hợp để trang bị cho các tàu chiến khá lớn - tàu tuần dương tên lửa, tàu chống ngầm cỡ lớn và tàu khu trục. Đối với các tàu nhỏ hơn, AK-130 không phù hợp cả về trọng lượng (gần 90 tấn) và kích thước.
Đó là lý do tại sao các chuyên gia đã phát triển pháo nòng đơn A-192M trên cơ sở khẩu pháo của Liên Xô. Tốc độ bắn đã giảm, nhưng, trọng lượng cũng giảm gần 4 lần (25 tấn nếu không có đạn). Hệ thống đưa đạn hoàn toàn tự động và có khả năng đưa tất cả 478 quả đạn pháo tới tháp mà không cần sự can thiệp của con người. Điều này giúp đơn giản hóa đáng kể việc vận hành và tăng hiệu quả chiến đấu.
A-192M là pháo hạm đa năng dùng để chống lại các mục tiêu trên biển, trên mặt đất và trên không. Pháo có thể bắn xa đến 18km với mục tiêu bay, đến 23km với mục tiêu trên biển. Pháo có góc xoay ngang 1800, góc nâng hạ từ -150 đến +800. Đạn pháo cũng giống như của AK-130. Khi bắn vào mục tiêu trên không, pháo có thể bắn hạ quả tên lửa chống hạm trong bán kính 8m tính từ điểm nổ, và phương tiện bay - trong bán kính 15m. Các chuyên gia sẽ phát triển các loại đạn mới, bao gồm cả đạn dẫn đường, điều đó sẽ giúp mở rộng khả năng chiến đấu. Tháp pháo A-192M được đóng theo công nghệ tàng hình để giảm tín hiệu radar phản xạ khỏi bề mặt pháo. Vận hành chỉ cần 5 người.
Pháo hạm Puma - con mắt nhìn thấu tất cả
Hệ thống điều khiển hỏa lực của pháo hạm Puma mới nhất chịu trách nhiệm về độ chính xác. Nó phát hiện các mục tiêu ở khoảng cách lên đến 60km và đồng thời theo dõi 4 mục tiêu. Nhân tiện, một hệ thống tương tự được sử dụng trong pháo cỡ 100mm (A-190) trên các tàu chiến có lượng choán nước dưới 2.000 tấn: tàu hộ tống và tàu tên lửa cỡ nhỏ.
Còn quá sớm để các pháo hạm "về hưu"
Theo quan điểm chiến thuật, pháo hạm không còn là loại vũ khí chủ lực trong các trận hải chiến. Ngày nay, trong thời đại các tên lửa cực siêu thanh và tên lửa chống hạm tầm xa, một số chuyên gia coi những khẩu pháo hải quân cỡ lớn không hơn gì sự tôn vinh truyền thống. Suy cho cùng, khoảng cách trong trận hải chiến hiện đại không phải hàng chục, mà là hàng trăm km. Ngoài ra, các tên lửa bây giờ có độ chính xác cao hơn nhiều. Tuy nhiên, có cả quan điểm khác.
Chuyên gia quân sự Alexei Leonkov nói: "Tôi không đồng ý với quan điểm rằng, các pháo hạm có cỡ nòng lớn phải "về hưu". Số lượng tên lửa trang bị trong kho vũ khí trên tàu không phải là vô tận, và không biết số lượng này có đủ cho một trận chiến kéo dài hay không. Tàu chiến phóng tất cả các tên lửa vào hải đội đối phương - sau đó phải làm gì? Phải phất cờ trắng đầu hàng?".
Rõ ràng, pháo hạm cỡ lớn trong một thời gian dài sẽ vẫn là "lời nói sau cùng" trong trận hải chiến. Ngoài ra, pháo hạm có thể thực hiện các nhiệm vụ vừa phòng không vừa hỗ trợ hỏa lực cho các binh đoàn đang hoạt động trên bờ biển. Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ đang tích cực nghiên cứu về các loại hải pháo. Hướng phát triển là tăng tốc độ bắn và chế tạo đạn có vận tốc lớn nhằm đánh trúng mục tiêu siêu thanh, thậm chí cực siêu thanh.
Hiện nay các tàu khu trục và tuần dương hạm của Mỹ được trang bị hải pháo Mark 45 cỡ nòng 127mm đã được đưa vào trang bị từ năm 1971 và liên tục được nâng cấp. Năm 2018, trong một cuộc tập trận, trên khu trục hạm Dewey của Mỹ, kíp pháo thủ đã thử nghiệm trên hệ thống pháo hạm Mark 45 Mod 4 một loại đạn phi chuẩn HPV. Đạn dẫn đường siêu tốc (HVP) có khả năng đạt tốc độ lên tới Mach 3 (3.580 km/giờ) và tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách lên tới 56 km.
Vì vậy, còn quá sớm để các pháo hạm "về hưu".