Phát hiện mới trong điều trị bệnh lao kháng thuốc

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 14/1, trường Đại học Sydney (Australia) thông báo các nhà nghiên cứu nước này đã phát hiện ra rằng thuốc kháng sinh Levofloxacin làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh lao kháng thuốc, đồng thời kết luận loại thuốc này an toàn và hiệu quả trong thử nghiệm lâm sàng.

Cụ thể, thử nghiệm lâm sàng được công bố trên Tạp chí Y khoa New England, cho thấy uống Levofloxacin 1 lần mỗi ngày trong 6 tháng làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh lao kháng thuốc (TB) và làm giảm gần một nửa nguy cơ mắc bệnh lao đa kháng thuốc ở người lớn và trẻ em.

Giáo sư Gregory Fox, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh lao của Hội đồng Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe (NHMRC) của Australia, người đã chỉ đạo nghiên cứu thử nghiệm về bệnh lao kháng thuốc VQUIN tại Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock thuộc Đại học Sydney hợp tác với Chương trình Phòng chống Lao quốc gia Việt Nam, cho biết bệnh lao đa kháng thuốc là một vấn đề lớn về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, ảnh hưởng đến hơn 400.000 người mỗi năm, hiệu quả điều trị thấp hơn đáng kể so với bệnh lao nhạy cảm với thuốc, tuy nhiên các nhà nghiên cứu Australia đã tìm ra cách chữa trị cho những người bị nhiễm lao giai đoạn đầu và giúp tránh lây nhiễm cho người khác.

Thử nghiệm VQUIN đã lựa chọn 2.041 thành viên gia đình của những người mắc bệnh lao kháng thuốc. Những người này bị nhiễm khuẩn sớm, chưa phát triển thành dạng lao kháng thuốc hoạt động. Nghiên cứu được tiến hành trên 10 tỉnh thành tại Việt Nam, một quốc gia có tỷ lệ lao kháng thuốc cao.

Kết quả cho thấy Levofloxacin làm giảm nguy cơ mắc bệnh lao đa kháng thuốc (MDR-TB) ở người lớn và thanh thiếu niên tới 45%. Các phát hiện trong thử nghiệm được kết hợp với thử nghiệm thứ 2 là TB-CHAMP diễn ra tại Nam Phi và liên quan đến phương pháp điều trị tương tự ở trẻ em. Cả hai nghiên cứu đều chứng minh rằng Levofloxacin có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh lao đa kháng thuốc ở gia đình và các thành viên khác trong hộ gia đình, hạn chế tác động toàn cầu của mầm bệnh nguy hiểm này.

Cho đến nay, bằng chứng về phương pháp điều trị dự phòng MDR-TB còn hạn chế vì chưa từng có thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên nào được tiến hành. Giáo sư Fox, cũng là trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu y khoa Woolcock, nhận định thử nghiệm VQUIN là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống lại bệnh lao kháng thuốc, làm thay đổi cách chúng ta chăm sóc những người có nguy cơ mắc bệnh này ở Australia và trên toàn cầu, đồng thời mang lại lợi ích lớn cho các gia đình và cộng đồng có nguy cơ mắc căn bệnh trên.

Trong khi đó, theo giáo sư Ben Marais, trưởng nhóm nghiên cứu của VQUIN TB-CHAMP thuộc Đại học Sydney, bệnh lao kháng đa thuốc là một trong những căn bệnh khó chữa nhất và trẻ em luôn là những bệnh nhân bị lơ là nhiều nhất. Với việc tìm ra phương thức bảo vệ những thành viên dễ bị tổn thương trong gia đình, các nhà nghiên cứu sẽ giúp gia đình các bệnh nhân phục hồi sau những tác động của bệnh lao kháng đa thuốc, mang lại lợi ích về sức khỏe, kinh tế và tinh thần cho người bệnh.

Trong thử nghiệm, 2.041 người lớn và trẻ em sống chung với người mắc MDR-TB trong gia đình đã được dùng Levofloxacin trong 6 tháng và được theo dõi trong 30 tháng. Nghiên cứu phát hiện ra rằng ở nhóm dùng Levofloxacin, chỉ có gần 45% trường hợp mắc bệnh lao so với nhóm dùng giả dược. Số ca mắc bệnh lao ở nhóm dùng giả dược thấp hơn dự kiến. Nhìn chung, Levofloxacin được phát hiện là an toàn và được dung nạp tốt ở người lớn và trẻ em.

Bệnh lao vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trên toàn cầu và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Thống kê cho thấy có khoảng 400.000 người mắc bệnh MDR-TB mỗi năm, đây là căn bệnh phức tạp và các loại thuốc điều trị hiện tại có nhiều tác dụng phụ. Việc điều trị rất tốn kém cho cả gia đình và các dịch vụ y tế.

PV

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phat-hien-moi-trong-dieu-tri-benh-lao-khang-thuoc-269023.htm