Những loại vũ khí nào của Liên Xô và Nga được NATO coi là nguy hiểm nhất?

Mặc dù NATO cho rằng vũ khí của họ ưu việt hơn so với Liên Xô, nhưng họ vẫn lo ngại một số hệ thống vũ khí nhất định của Liên Xô.

 Theo Military Watch của Mỹ, các hệ thống tên lửa phòng không mặt đất của Nga thuộc hàng tốt nhất thế giới (Ảnh: Military Watch)

Theo Military Watch của Mỹ, các hệ thống tên lửa phòng không mặt đất của Nga thuộc hàng tốt nhất thế giới (Ảnh: Military Watch)

Tổ hợp tên lửa cao xạ (ZRK) S-75

ZRK S-75 (theo phân hạng của NATO SA-2 “Guideline”) có chức năng bảo vệ các mục tiêu công nghiệp, quân sự, hành chính quan trọng. Nó có khả năng đánh trúng các mục tiêu trên không của đối phương ở độ cao tầm trung và lớn. S-75 có các biến thể: “Desna”, “Dvina” và “Volkhov”, những hệ thống phòng không được sử dụng rộng rãi.

ZRK S-75 thần thánh.

ZRK S-75 có trận thử lửa đầu tiên trên bầu trời gần Bắc Kinh, ở đó người Trung Quốc đã bắn rơi máy bay trinh sát của không quân Đài Loan ở độ cao 20 km. Người Mỹ nhiều lần cố khám phá bí mật của ZRK nhưng không thể.

Ngày 1/5/1960, S-75 đã bắn rơi chiếc máy bay trinh sát U-2 của Mỹ trên bầu trời Sverlovsk, phi công Fransis Powers bị bắt. Sau này, vào lúc cao trào của khủng hoảng Caribbe tháng 10/1962, ZRK S-75 đã tiêu diệt chiếc U-2 trên bầu trời Cuba, phi công Rudolf Anderson thiệt mạng.

Biến thể của S-75 “Dvina” đã tham gia tích cực trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, sau khi được đưa vào trực chiến tháng 7/1965. Ở một trong những trận đánh đầu tiên, ZRK đã bắn rơi 3 máy bay ném bom –tiêm kích F-4 “Phantom” của Mỹ.

Theo các số liệu khác nhau, ZRK S-75 Liên Xô ở Việt Nam đã bắn rơi 1.300- 2.000 máy bay NATO, bao gồm cả máy bay ném bom hạng nặng B-52. Mỹ trong vòng 10 năm chiến tranh chưa lần nào tiêu được dù chỉ 1 tổ hợp S-75. “Dvina” cũng thể hiện không tồi trong thời gian chiến tranh tháng 10/1973: phòng không Ai Cập nhờ S-75 đã bắn rơi đến 44% máy bay của Israel.

Tăng T-72 “Ural”

Đó là xe tăng hạng nặng Xô Viết thế hệ thứ hai, được xuất khẩu sang hàng chục nước, một số nước trong đó đã sản xuất chúng theo thỏa thuận. Các đại diện của khối NATO thường xuyên gặp vấn đề với nó. Ý kiến của các nhà quân sự phương Tây về nó rất khác nhau, nhưng đều giống nhau ở một điểm - đó là một cỗ xe đáng nể.

T-72 được thử lửa trận đầu năm 1982 trong cuộc chiến tranh giữa Syria và Israel. Giới quan sát đã nhiều lần ghi nhận những trường hợp mà T-72 chỉ bằng một quả đạn phá/mảnh đã đánh bay tháp pháo của tăng “Mercav” của Israel. Ngược lại, “Ural” dù bị nhiều hư hỏng vẫn phô diễn sức sống kỳ lạ.

Xe tăng T-72.

Tim Marshall, phục vụ trong lực lượng tăng thiết giáp của NATO nhận xét rằng, trong thời gian chiến dịch “Bão táp sa mạc” (tháng 1-2/1991) anh ta và các đồng nghiệp rất sửng sốt bởi kết quả sử dụng T-72 của quân đội Iraq.

Một người Canada khác, Basil Donovan Warren, binh sĩ nạp đạn của tăng M1A1 Abrams, đã nói rằng đó không phải nỗi sợ hãi tăng của Liên Xô, mà là sự tôn trọng lành mạnh nhằm tập trung nỗ lực vào việc đối đầu với nó.

Mặc dù tính hiệu quả của tăng T-72 có giảm sút do kíp lái Iraq được chuẩn bị kém, nhưng người Mỹ sợ đến gần T-72 vì pháo 125mm của nó. “Abrams” cố gắng phát hỏa vào “Ural” ở khoảng cách giới hạn không dưới 2,5km. Tuy nhiên chiến thuật này không ổn: thứ nhất, với khoảng cách như vậy sức mạnh của phát đạn giảm, thứ hai là tăng khả năng nhầm xe tăng mình thành T-72.

MiG-15

Sự xuất hiện của MiG-15 trên bầu trời Triều Tiên tháng 12/1950 đối với người Mỹ là sự ngạc nhiên khó chịu. Theo các số liệu của Liên Xô, trong 5 trận không chiến đầu tiên các tiêm kích Liên Xô đã bắn rơi 10 máy bay B-29 (Superfortress) và 1 F-80 (Shooting Star), trong đó không mất một máy bay nào. Sự sợ hãi của NATO trước máy bay Liên Xô lớn đến nỗi suốt thời gian dài họ chỉ cất cánh máy bay ném bom hạng nặng của mình hoàn toàn vào ban đêm.

Mig-15 và F-86 được coi là đối thủ ngang tài ngang sức trên chiến trường. Ảnh: Military History

Lực lượng không quân Mỹ chịu tổn thất lớn vào ngày 12/4/1951. 48 máy bay ném bom B-29 có 76 tiêm kích yểm trợ tiến hành hủy diệt cây cầu bắc qua sông Áp Lục. 44 chiếc MiG xuất hiện chống lại cả bầy máy bay này. Các phi công Xô Viết đã sử dụng chiến thuật duy nhất có thể để giành chiến thắng trong cuộc chiến đấu với pháo đài bay - bổ nhào tấn công địch từ trên cao. Kết quả đã tiêu diệt 12 máy bay ném bom và 3 tiêm kích. Tổng cộng trong ba năm chiến tranh ở Triều Tiên, MiG đã bắn rơi 170 máy bay ném bom B-29.

Tàu ngầm K-162

Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô là một trong những nước đầu tiên tích cực chế tạo tàu ngầm, khi thấy được viễn cảnh của nó. Vào đầu cuộc khủng hoảng Caribbe, hạm đội tàu ngầm Liên Xô ước đạt gần 300 tàu động cơ điện- diezel là hạm đội lớn nhất thế giới. Lãnh đạo NATO thừa nhận rằng họ không đủ nguồn lực để cạnh tranh với Liên Xô trong lĩnh vực này.

Năm 1978, tàu ngầm K-162 được đổi tên thành K-222.

Mối nguy hiểm lớn nhất đối với hạm đội của NATO là tàu ngầm nguyên tử dự án 661 “Anchar”, có ký hiệu K-162 (từ năm 1978 là K-222). Ngày 18/12/1970, nó đã xác lập kỷ lục vận tốc 44,7 hải lý/ giờ (82,78km/giờ) ở độ sâu 100 m, mà đến tận bây giờ không một tàu nào đạt tới được. K-162 được trang bị 10 tên lửa chống tàu siêu thanh P-70 “Ametist”- đạn có cánh phóng “ướt” đầu tiên trên thế giới. Vì giá thành sản xuất đắt đỏ (2 tỉ rúp năm 1968) tàu ngầm nguyên tử được gọi là “Cá vàng”.

Tháng 10/1971, K-162 đã thực hiện chuyến đi nổi tiếng của mình khi truy đuổi tàu sân bay Mỹ USS Saratoga ở Bắc Đại Tây Dương. Tàu ngầm Nga đã nhanh chóng bị định vị, tuy nhiên, vì tính cơ động cao của K-162, thủy thủ Mỹ không thể xác định vị trí chính xác của nó. Họ cho rằng mình đang bị 3 tàu ngầm truy đuổi cùng lúc.

Nhóm tàu sân bay Mỹ không thể thoát khỏi K-162, đành quay lại hướng trước đó của mình. Sau khi thực hiện thêm một số hoạt động gần nhóm tàu Mỹ, “Cá vàng” đã rời khỏi vùng nước này. Các chuyên gia nhận định, khi cần nó có thể cho chìm xuống đáy biển cả nhóm tàu sân bay Mỹ. Chuyên gia hải quân Ian Ballantune cho biết, NATO sợ hãi khả năng của K-162 đến nỗi quyết định thả từ trên không những nam châm đặc biệt , chúng gắn chặt vào tàu ngầm làm cho nó có thể bị phát hiện dễ dàng hơn.

Tên lửa R-36 “Satan”

Việc chế tạo tổ hợp tên lửa chiến lược thế hệ thứ ba R-36 (ở Nga là P-36) diễn ra từ cuối những năm 1960, tuy nhiên, mãi đến năm 1988 tổ hợp này mới được đưa vào trang bị. Hai biến thể của nó – P-36M và P-36M2 được NATO đặt tên “Satan” (tên trong nước là “Voevoda”) đã được xuất khẩu.

Việc chế tạo tổ hợp tên lửa chiến lược thế hệ thứ ba P-36 diễn ra từ cuối những năm 1960, tuy nhiên, mãi đến năm 1988 tổ hợp này mới được đưa vào trang bị.

Rõ ràng là tên gọi này gắn liền với các đặc tính của tên lửa đạn đạo liên lục địa Liên Xô: tầm xa lên tới 16.000 km, tổ hợp có khả năng bằng một tên lửa tiêu diệt đến 10 mục tiêu nằm trong diện tích gần đến 300.000 km vuông, thậm chí khi khu vực đã được bao phủ bởi hệ thống phòng thủ chống tên lửa của đối phương. Thực tế, từ bất cứ điểm nào của Liên Xô, “Satan” có thể đánh trúng mục tiêu bất kỳ trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Không có gì đáng ngạc nhiên rằng “Voevoda” đến tận bây giờ vẫn nằm trong trang bị của lực lượng tên lửa chức năng chiến lược của Liên bang Nga. Thời hạn phục vụ của P-36 kéo dài đến năm 2022.

Đặc nhiệm

Lần đầu tiên người Mỹ được làm quen với đặc nhiệm Liên Xô là ở Việt Nam. Các đại diện của Liên Xô và Mỹ đã thỏa thuận về phân định lãnh thổ, tuy nhiên đã xảy ra một trường hợp: tăng M551 “Sheridan” của Mỹ bị lạc và lọt vào vùng thuộc quyền kiểm soát của Liên Xô.

Mọi việc xảy ra trong nháy mắt: chiếc xe tăng đã nằm trong tay đặc nhiệm Liên Xô, còn kíp lái Mỹ thì được trở về nhà. Washington khi đó phản ứng gay gắt và yêu cầu cộng đồng quốc tế gây áp lực với Liên Xô, nhằm mục đích buộc các quân nhân Liên Xô rời khỏi Việt Nam. Họ hy vọng rằng tăng “Sheridan” sẽ được trả lại cho họ, tuy nhiên đã không đạt được điều đó: chiếc tăng cho đến giờ vẫn nằm ở một trong các bảo tàng địa phương.

Người Mỹ từng được thông tin về các chiến dịch của đặc nhiệm Liên Xô ở Afghanistan. Trong một trong các cuộc đụng độ nổi tiếng nhất, nhóm 23 chiến sĩ của phân đội đặc nhiệm “Kaskad” KGB đã chống lại lực lượng đông hơn gấp nhiều lần của modjakhed Pakistan. Cựu binh “Kaskad” Andrei Dmitrienco nhớ lại, trong trận đánh này đã tiêu diệt 372 tên khủng bố, còn các chiến sĩ đặc nhiệm mất đi 2 người đồng đội của mình.

Ở Afghanistan chiến sĩ các phân đội đặc nhiệm Liên Xô thường lắp đặt những vật cản khó nhận biết từ dây lò xo mảnh nhưng rất chắc chắn. Nếu đối thủ bước chân vào đó thì sẽ không thể rút chân ra được. Chiếc bẫy này đã nhiều lần cứu mọi người khỏi những cuộc tấn công bất ngờ. NATO lúc đó rất quan tâm đến công cụ này của người Nga và bày tỏ mong muốn sao chép lại cơ chế này.

Nhà báo Mỹ Edward Zhirade, từng có mặt trong cuộc chiến tranh Afghanistan, đã viết về các chiến sĩ Xô Viết thế này: “Các đội quân đặc nhiệm của Liên Xô hành động nhanh lẹ, lặng lẽ và hiệu quả”. Còn danh tiếng của các chiến sĩ đặc nhiệm đã vwơn tới tận Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan buộc phải thừa nhận: “Tôi không ngạc nhiên, nếu vào ngày thứ hai của chiến tranh tôi nhìn thấy trên ngưỡng cửa Nhà Trắng các chàng trai trong áo sọc màu xanh nước biển với mũ bê rê xanh da trời”.

Đoàn Phương

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nhung-loai-vu-khi-nao-cua-lien-xo-va-nga-duoc-nato-coi-la-nguy-hiem-nhat-post150802.html