Những loại vũ khí phương Tây viện trợ Ukraine có thể sử dụng tấn công lãnh thổ Nga
Tuần qua, sau khi nhận được sự 'bật đèn xanh' từ Mỹ và các quốc gia phương Tây, quân đội Ukraine đã bắt đầu sử dụng vũ khí viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga, trong đó vụ tấn công gần nhất là bằng pháo phản lực HIMARS nhằm vào thành phố Belgorod. Đây là động thái nguy hiểm có khả năng leo thang xung đột.
Vậy Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) hiện có những loại vũ khí do Mỹ và phương Tây viện trợ nào có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga?
Tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS
Năm 2023, AFU được Mỹ cung cấp Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS). Các tên lửa ATACMS Block 1 có tầm bắn 165km đã được phía Ukraine sử dụng tấn công sân bay ở Berdyansk, vùng Zaporozhye.
Đầu đạn tiêu chuẩn của tên lửa ATACMS có dạng đạn chùm chứa 950 đạn con M74 có khả năng tấn công. Với tầm sát thương khoảng 15m, đạn con M74 chứa các mảnh văng làm từ hợp kim siêu cứng vonfram đủ khả năng tiêu diệt các phương tiện chiến đấu hạng nhẹ, các kho tàng, sở chỉ huy và nơi tập trung quân.
Tới tháng 3-2024, Ukraine được nhận phiên bản ATACMS Block 1A với đầu đạn chùm nhẹ hơn để tăng tầm bắn lên 300km. Với tầm bắn này, Ukraine có đủ khả năng tấn công tới tận vùng Voronezh. Trong trung tuần tháng 5-2024, tên lửa này đã được sử dụng để tấn công kho dầu tại thành phố Lugansk.
Tên lửa ATACMS được bảo quản trong container vận chuyển kiêm ống phóng. Module chiến đấu này được thiết kế phù hợp lắp đặt trên pháo phản lực M270 và M142 HIMARS. Ngoài ra, các tổ hợp pháo phản lực trên cũng được AFU tích cực sử dụng tại vùng chiến sự và đã ghi nhận việc HIMARS được phía Ukraine sử dụng để tấn công thành phố Belgorod mới đây.
Tên lửa hành trình phóng từ trên không Storm Shadow và SCALP
Từ tháng 5-2023, AFU đã nhận các tên lửa hành trình Storm Shadow và SCALP của Anh và Pháp với tầm bắn khoảng 250km. Tên lửa tấn công tầm xa này mang đầu đạn BROACH (Bomb Royal Ordnance Augmented Charge) với khả năng xuyên phá hầm ngầm nằm sâu dưới lòng đất. Trọng lượng của đầu đạn của tên lửa Storm Shadow là 450kg.
Tên lửa không đối đất này được cập nhật thông tin về mục tiêu từ máy bay mang phóng trước hoặc sau khi rời bệ. Chính nhờ thiết kế đặc biệt trên, tên lửa hành trình của Anh và Pháp dù có chuẩn giao tiếp NATO, nhưng lại dễ dàng trang bị trên các máy bay tiêm kích-bom Su-24 với một vài sửa đổi.
Đầu tháng 5-2024, Cố vấn Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine, Yuri Sak cho biết, AFU đã được Anh đồng ý cho phép sử dụng tên lửa Storm Shadow tấn công lãnh thổ Nga.
Cùng với Storm Shadow, Ukraine cũng được cung cấp tên lửa SCALP-EG từ Pháp. Dòng tên lửa này chỉ khác Storm Shadow ở khả năng tích hợp lên máy bay vận tải quân sự. Tầm hoạt động của phiên bản SCALP-EG cung cấp cho Ukraine ước khoảng 250km. Tuy nhiên, SCALP-EG phiên bản đầy đủ có tầm bắn tới 500km và khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Cả tên lửa hành trình của Anh và Pháp đều hoạt động ở độ cao thấp dựa vào định vị vệ tinh và bản đồ số hóa. Ở giai đoạn tiếp cận, tên lửa leo cao lấy thế năng để bổ nhào tấn công mục tiêu. Quỹ đạo bay đặc biệt này khiến việc phát hiện và đánh chặn chúng khá khó khăn.
Bom dẫn đường đường kính nhỏ - SDB
Ngoài tên lửa, AFU còn được cung cấp bom dẫn đường đường kính nhỏ - SDB trang bị trên các máy bay chiến đấu thời Liên Xô.
Đặc biệt, SDB do Mỹ chế tạo được sử dụng để trang bị cho máy bay chiến đấu Mig-29 hoán cải. SDB mang đầu đạn nặng 93kg, có thể xuyên thủng tới 90cm bê tông cốt thép. SDB được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính có hiệu chỉnh vệ tinh. Khi được thả ở độ cao 10km, SDB có phạm vi lượn xa tới 100km.
Tuy nhiên, các máy bay chiến đấu Ukraine thường xuyên hoạt động sâu trong lãnh thổ nước này và ở độ cao thấp để giảm nguy cơ bị hệ thống phòng không Nga đánh chặn. Vì vậy, khó có thể tính toán ra tầm hoạt động tối đa của loại vũ khí này.
Các chuyên gia quân sự Nga đánh giá, SDB khi thả ở độ cao thích hợp ở vùng Sumy (Ukraine) có thể vươn tới Kurchatov (Nga), nơi đặt nhà máy điện hạt nhân Kursk.
Tên lửa chống bức xạ HARM
Một trong những loại vũ khí dẫn đường hàng không đầu tiên AFU nhận được từ Mỹ là tên lửa chống bức xạ siêu tốc (HARM). Các máy bay Mig-29 và Su-27 của Ukraine được trang bị những tên lửa này nhằm áp chế và vô hiệu hóa hệ thống phòng không của Nga trong vùng chiến sự. Không quân Ukraine đã sử dụng tên lửa sửa đổi AGM-88D Block 6, được trang bị công nghệ dẫn đường vệ tinh cho phép tấn công chính xác mục tiêu kể cả tắt radar chiếu xạ. Tầm bắn của tên lửa HARM khoảng 100km.
Đầu tháng 5-2024, Bộ Quốc phòng Nga thông tin, Ukraine đã cố gắng tấn công vùng Belgorod bằng UAV tự sát và tên lửa chống bức xạ.
Đạn dẫn đường chính xác cao AASM
Pháp đã cung cấp cho Ukraine các loại đạn không đối đất độ chính xác cao Armement Air-Sol Modulaire (AASM). Đây thực tế là một loại bom hàng không nặng 250kg được trang bị module dẫn đường lắp ở phần mũi và kết cấu cánh lái, động cơ ở phần đuôi. Tầm hoạt động của AASM vào khoảng 70km với độ chính xác cao nhờ định vị vệ tinh kết hợp quán tính.
Trong tháng 3-2024, các máy bay Mig-29 của Ukraine đã được trang bị AASM. AFU dự kiến sử dụng loại vũ khí chính xác này trên các máy bay F-16 sắp tiếp nhận trong thời gian tới.
Ngoài các mẫu vũ khí tầm xa được viện trợ, AFU đang tìm cách mua các loại tên lửa tấn công chính xác cao. Tạp chí Forbes thông tin Ukraine muốn đặt mua tên lửa hành trình chính xác cao AGM-158 JASSM do Mỹ sản xuất dành cho máy bay F-16. Tầm bắn của JASSM, phiên bản trang bị đầu đạn nặng 450kg là 370km.
Ukraine cũng hy vọng nhận được tên lửa hành trình phóng từ trên không KEPD-150/350 TAURUS của Đức-Thụy Điển hợp tác phát triển, bất chấp việc Berlin liên tục từ chối. Theo Thủ tướng Đức Olaf Scholz, quân đội Ukraine sẽ không thể tự lập trình tên lửa TAURUS nếu thiếu các chuyên gia Đức. Tuy nhiên, Berlin tuyên bố không gửi quân tới Ukraine do lo ngại leo thang xung đột với Nga.
“Theo quan điểm của tôi, việc chuyển giao loại vũ khí có tầm bắn 500km là một vấn đề lớn. Việc chuyển giao loại vũ khí như vậy chỉ hợp lý nếu chính quốc gia đó xác định và đặt ra mục tiêu cụ thể”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố.