Những lời ca viết từ nắng gió công trường

Những vất vả, nhọc nhằn, hy sinh thầm lặng của người lao động ngành GTVT 'vượt nắng, thắng mưa', thi công '3 ca, 4 kíp', làm việc xuyên lễ, xuyên Tết… được các nhạc sĩ sử dụng như những chất liệu, ca từ của nhiều ca khúc đang được yêu mến.

Xúc động trước những hy sinh thầm lặng

Trong số các nhạc sĩ trẻ sáng tác về ngành giao thông, Lê Bảo Long là người có số lượng sáng tác thuộc top nhiều nhất, với khoảng 10 ca khúc. Trong đó, ca khúc mới nhất của anh là "Phu đường" vừa giành giải Nhì tại cuộc thi sáng tác "Bài ca giao thông đi cùng năm tháng" năm 2024.

Nhạc sĩ Bảo Long trong chuyến thực tế tại công trường thi công hầm.

Nhạc sĩ Bảo Long trong chuyến thực tế tại công trường thi công hầm.

Nhạc sĩ Bảo Long chia sẻ, sáng tác của anh được lấy cảm hứng từ bài thơ "Phu đường" trong tập thơ "Nhật ký trong tù" (sáng tác năm 1942) của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dưới góc nhìn thời hiện đại, những nỗi nhọc nhằn, sự hy sinh thầm lặng của những người làm đường vẫn khiến người ta phải rơi nước mắt: "Tôi kể anh nghe chuyện nghề phu đường/Cái nghề gắn nghiệp, buồn vui lắm anh ơi/Nắng gió, dầm mưa chẳng phút nghỉ ngơi/ Bụi ngập tràn... sâu lồng ngực, kẽ đá...". Bài hát ra đời là những góp nhặt của anh trong những chuyến thực tế, cùng ăn, cùng ngủ, cùng tâm sự với những người kỹ sư, công nhân.

"Vì sao lại có "Bụi ngập tràn... sâu lồng ngực, kẽ đá"? Ở những công trường, hầm thi công bụi bay mù mịt. Nhưng ở sâu trong lòng đất, bụi ấy chẳng thể bay đi xa, nó chỉ ở trong ấy và những người kỹ sư, công nhân hít thở trọn bầu không khí ấy, bụi nằm sâu trong lồng ngực", nhạc sĩ cho hay.

Thấu hiểu và đồng cảm

Anh kể, vẫn nhớ chuyến thực tế ở đoạn thi công hầm Hải Vân 2, lúc các công nhân bỏ lớp khẩu trang để trò chuyện, tim anh thắt lại khi thấy đôi mắt, mũi của họ phủ đen một lớp bụi.

"Rồi có những người để lại cả cuộc đời ở đó khi không may mắn gặp tai nạn trong lúc thi công. Trong những công trường quây tôn kín, cách biệt với bên ngoài, có ai được chứng kiến nỗi cực nhọc của họ đây", nhạc sĩ trải lòng.

Thế nhưng, theo nhạc sĩ Bảo Long, việc những người làm đường phải sống chung với khói bụi, dầm mưa dãi nắng, những bữa cơm chan mồ hôi, những phút nghỉ ngơi chốc lát trên công trường hay những bữa nhịn đói để đẩy nhanh tiến độ… vẫn chưa "thấm" bằng những hy sinh cá nhân của họ.

Có những buổi chiều buồn, các công nhân tâm sự với anh về nỗi nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con, nhớ bữa cơm gia đình. Khi tiến độ thi công được đẩy nhanh, có người cả năm chỉ về thăm nhà chốc lát được đôi lần; mẹ già đau yếu, vợ con vất vả cũng chẳng thể về sẻ chia ngay.

Nếu không làm nghề này, họ vẫn có thể làm tất cả những điều ấy mỗi ngày với gia đình, hay có những cuộc vui bên bạn bè.

"Tôi chắp bút viết "Phu đường" để muốn nói rằng, phía sau những con đường ấy là biết bao hy sinh, gian khó của những người làm nên nó. Chỉ có thấu hiểu thì mới có sự đồng cảm với những cống hiến thầm lặng của họ", nhạc sĩ Bảo Long tâm sự.

"Nghề tàn phá nhan sắc"

Còn với chàng kỹ sư, nhạc sĩ Trần Hùng, có lẽ nếu không có hơn 2 thập kỷ gắn bó với ngành giao thông, anh khó có thể viết bài hát xúc động về những con người gắn bó với ngành như "Khúc hát mở đường". Ca khúc cũng vừa giành giải Khuyến khích tại cuộc thi sáng tác "Bài ca giao thông đi cùng năm tháng" 2024.

Nhạc sĩ Trần Hùng (áo đen) đi hiện trường dự án.

Nhạc sĩ Trần Hùng (áo đen) đi hiện trường dự án.

Tâm sự về 25 năm công tác tại Cục Đường cao tốc Việt Nam, anh hóm hỉnh gọi công việc của mình là "nghề tàn phá nhan sắc". Bởi, đặc thù nghề xây dựng công trình giao thông luôn phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, dãi nắng dầm mưa, nguy hiểm luôn rình rập.

Có những chiếc cầu mọc lên đón những dòng người, dòng xe qua lại; có cả những đôi lứa nên duyên cũng là lúc những người đi xây cầu lại đi tiếp, mang niềm vui tới những vùng quê khác. Trải nghiệm qua nhiều vùng, tiếp xúc với nhiều người, với một trái tim đa cảm đã giúp cho đam mê nghệ thuật trong tôi thăng hoa.

Nhạc sĩ Trần Hùng

Cuộc sống hằng ngày chỉ toàn là sắt thép, xi măng và sỏi đá. Đối mặt áp lực, cường độ công việc cao, nếu không quyết tâm, đam mê, có lẽ anh và không ít đồng nghiệp đã bỏ dở giữa chừng mỗi khi cảm thấy đuối sức.

Thấy được niềm vui của người dân, sự phát triển của kinh tế xã hội, giao thương nhờ những con đường đã và đang hoàn thành, đó là niềm hạnh phúc của anh em kỹ sư, công nhân. Đó cũng chính là điều đã giúp anh và đồng nghiệp ngày càng trân trọng và gắn bó công việc này hơn.

Tuy nhiên, với anh kỹ sư luôn có tâm hồn lãng mạn như Trần Hùng, làm sao có thể chỉ yêu những con đường, những công trình đầy nắng và gió. Những con người "vẽ lên hình hài đất nước" mà anh gắn bó mỗi ngày cũng làm anh xao xuyến, xúc động.

"Tôi nhớ những chuyến công tác trong những năm tháng làm nghề khảo sát, thiết kế. Có kỹ sư, công nhân bị sốt rét rừng, điều kiện thiếu thốn đủ thứ, muốn chuyển ra viện nhưng phải đi mất mấy chục cây số, phương tiện không có vì chưa có đường.

Anh em luôn dặn lòng phải thương lấy nhau, chăm sóc nhau. Cảm xúc trào dâng mỗi khi nhớ lại đã khiến tôi bật thành lời ca", nhạc sĩ Trần Hùng nói về nguồn cảm hứng viết ca khúc "Khúc hát mở đường".

Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) vừa tổ chức lễ công bố và trao giải cuộc thi sáng tác "Bài ca giao thông đi cùng năm tháng" năm 2024.

Cuộc thi sáng tác nhằm tôn vinh giá trị cao đẹp của ngành Giao thông vận tải, đồng thời động viên, khích lệ lực lượng cán bộ, kỹ sư, người lao động đang làm việc trong lĩnh vực này.

Trong hàng trăm tác phẩm gửi về, ban giám khảo đã chọn 20 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Trong đó, 1 giải Nhất được trao cho tác phẩm Người Đèo Cả của nhạc sĩ Vũ Quốc Việt, 2 giải Nhì là tác phẩm Những con đường tiên phong mở lối (nhạc sĩ Trần Khắc Tiệp) và Phu đường (nhạc sĩ Lê Bảo Long).

Bạch Dương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhung-loi-ca-viet-tu-nang-gio-cong-truong-192240830135604862.htm