Những lời giải hay cho bài toán khó trong xóa nhà tạm, nhà dột nát
Không ít khó khăn trong quá trình triển khai phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát đã được các địa phương khắc phục bằng những giải pháp linh hoạt, hiệu quả, với tinh thần 'muốn thì tìm cách, không muốn sẽ tìm lý do'.
Tại các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát gặp khó nhiều bề.
Nhưng những ngôi nhà khang trang vẫn đã và đang dần được hoàn thiện, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách khó khăn về nhà ở có điều kiện “an cư lạc nghiệp”.

Nhiều giải pháp đang được linh hoạt triển khai nhằm giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách khó khăn về nhà ở có điều kiện “an cư lạc nghiệp”. Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển
Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 200 ngôi nhà kiên cố đã được cơ bản hoàn thành trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang).
Một trong những bí quyết được Bí thư Huyện ủy Vàng Đình Chiến chia sẻ là mô hình tổ, đội thợ xây luân phiên giúp xây sửa nhà cho các hộ dân.
Trên thực tế, nhiều hộ gia đình ở Hoàng Su Phì không đủ nhân lực và kỹ thuật để tự xây nhà. Mô hình tổ, đội thợ xây giúp các hộ nghèo tiết kiệm chi phí thuê thợ và đảm bảo chất lượng công trình.
Cùng với đó, huyện còn huy động các lực lượng tại chỗ như công an xã, dân quân tự vệ hỗ trợ ngày công, giúp giảm gánh nặng tài chính cho người dân, đảm bảo tối đa số tiền được hỗ trợ sẽ dành cho việc xây, sửa nhà.
Hoặc huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn chế, đã tổ chức đấu giá “Bò vàng Hà Giang – Bò thịt chất lượng cao”, thu gần 100 triệu đồng góp vào quỹ xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương.
Tại phiên họp mới đây của Ban chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy biểu dương một số mô hình hay của các địa phương có thể lan tỏa, nhân rộng trong thời gian tới.
Chẳng hạn, các địa phương có điều kiện kinh tế như TPHCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Nai, Hải Dương… chủ động hỗ trợ các địa phương khó khăn có thêm nguồn kinh phí triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Theo quy định trước kia, mỗi hộ xây mới được hỗ trợ 40 triệu đồng/căn, mỗi hộ sửa chữa nhà được hỗ trợ 20 triệu đồng/căn. Song nhiều địa phương chủ động tăng mức hỗ trợ lên 50 triệu đồng hoặc 60 triệu đồng/căn xây mới, 30 triệu đồng/căn sửa chữa.
Một số địa phương làm theo hướng khoán: kinh phí thì tỉnh phân bổ chung, huyện chịu trách nhiệm lo về đất, xã chịu trách nhiệm lo về nhân công, nguồn lực chính là dân quân, du kích, công an, thanh niên…., hờ đó đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Lại có địa phương giao mỗi cán bộ tỉnh trực tiếp phụ trách triển khai chương trình xóa nhà tạm cho một xã nghèo.
Nhiều địa phương lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia với nguồn vốn trung ương hỗ trợ và nguồn vốn xã hội hóa, thành lập chung 1 đề án hỗ trợ nhà ở để HĐND phê duyệt, sau đó đối tượng thuộc chương trình nào thì nhận vốn hỗ trợ từ chương trình đó… Yên Bái là một trong những tỉnh triển khai cách này rất linh hoạt, hiệu quả.
“Những địa phương có khối lượng lớn nhà tạm, nhà dột nát cần xóa thì nên làm theo hướng này, trình hội đồng nhân dân tỉnh đề án kết hợp nhiều nguồn lực vào làm thì sẽ rất bài bản, hiệu quả”, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường nhận định.
Nếu các mô hình, cách làm hay tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng trên phạm vi cả nước, nhiều địa phương khác sẽ sớm tháo gỡ được những “nút thắt” trong quá trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, để các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở không bị “bỏ lại phía sau”.
Qua đó, các địa phương đều sẽ về đích trước hoặc đúng thời hạn mà Thủ tướng đã yêu cầu: 31/10 cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc.