Những lời thở than trong ngõ phố cổ...

Phố cổ Hà Nội sầm uất, sôi động, rực rỡ đèn màu từ sáng sớm tới đêm khuya. Nhưng đan xen giữa những căn nhà mặt tiền là nhiều con ngõ nhỏ. Từ mặt phố, chỉ cần rẽ bước vào ngõ bé xíu và sâu hun hút sẽ thấy cuộc sống đảo ngược hoàn toàn. Ở đó, những căn nhà siêu bé tưởng đã hết vai trò lịch sử nhưng vẫn oằn mình gánh cuộc sống của biết bao phận người với những tiếng thở than…

Gồng gánh người suốt ngày đêm, cái nhà cũng mệt mỏi

Quận Hoàn Kiếm có diện tích hơn 5 km2, là quận nhỏ nhất thủ đô nhưng theo thống kê có đến hơn… 1.000 ngõ, ngách. Ngõ nhỏ nén bên trong nhiều căn nhà nhỏ, mỗi căn nhà nhỏ lại nén nhiều người trong đó. Chỉ nghĩ thôi đã thấy nghẹt thở.

Một trong nhiều ngõ hẹp trên phố Thuốc Bắc.

Một trong nhiều ngõ hẹp trên phố Thuốc Bắc.

Ngõ Phất Lộc, phố Hàng Buồm là nơi có những căn nhà siêu bé trong ngách sâu. Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy có khách sạn đèn điện sáng choang ở đầu ngõ, nhưng ngay sát vách lại là ngách tối om. Dò dẫm đi vào ngách rộng chừng nửa mét, chúng tôi phải bật đèn điện thoại để soi đường. Không nhìn thấy gì thì còn đỡ sợ, nhưng khi đã nhìn thấy thì lập tức rùng mình. Những mảng tường bở bục, những búi dây điện rối rắm và mùi tanh nồng, ẩm thấp sộc lên, cảm giác như địa đạo nằm sâu dưới lòng đất.

Vào sâu tầm hơn chục mét thì lờ mờ thấy bà Nguyễn Thúy Nga đang lúi húi nấu ăn. "Nhà" bà Nga rộng chừng... 6 m2, thành ra chỉ có thể nằm ngủ, còn mọi sinh hoạt, nấu nướng đều tận dụng những khoảng hẹp bên ngoài. Vài mét vuông ấy mà có đến 4 người thuộc 3 thế hệ chung sống, đó là người mẹ già 92 tuổi, người em trai ốm đau và hai mẹ con bà Nga.

Năm nay 56 tuổi, bà Nga sinh ra lớn lên ở ngách này. "Trước đây hai bố mẹ tôi cùng 11 người con cũng chỉ sống trong 6 m2 này. Tối đến cả nhà nằm san sát nhau để ngủ. Đi ra đi vào không khéo là dẫm phải nhau. Giờ thì các anh chị tôi đều xây dựng gia đình và dọn ra ở nơi khác, giãn bớt người rồi đấy", bà Nga kể.

Đi qua nhà bà Nga, càng len lỏi vào trong thì càng thấy có nhiều người ở. Không thể tưởng tượng được là có đến hàng chục gia đình sống trong một ngách. Đặc điểm chung của những căn nhà này là bé như hộp diêm và chật cứng đồ đạc cũ. Theo bà Nga thì khu nhà này có từ trước ngày giải phóng thủ đô, đã cải tạo nhiều lần nhưng không chống đỡ nổi sự xuống cấp theo thời gian. Cả ngách đều dùng chung nhà tắm và nhà vệ sinh có từ thời xa lắc xa lơ. Nhón chân vào đây, chúng tôi thấy chột dạ bởi lỡ không may xảy ra cháy nổ thì không biết người dân thoát ra ngoài bằng cách nào.

Ở đây, mua sắm đồ đạc là việc xa xỉ, bởi người dân không có tiền và cũng chẳng có chỗ để. Có nhà mua tủ lạnh mà phải đo đạc từ ngoài ngõ đến ngách và đến cửa nhà xem có lọt không. "Khu nhà ọp ẹp, quá tải rồi, mua thêm một chiếc áo, chiếc chăn là thêm chật. Tôi cũng mong muốn được ở căn nhà rộng hơn, nhưng không có tiền nên lực bất tòng tâm", bà Nga than thở.

Nhà ông Hoan trong ngách sâu nơi ngõ Phất Lộc, phố Hàng Buồm cũ kĩ và ẩm thấp.

Nhà ông Hoan trong ngách sâu nơi ngõ Phất Lộc, phố Hàng Buồm cũ kĩ và ẩm thấp.

Cách nhà bà Nga một đoạn là nhà ông Nguyễn Đình Ngọc Hoan. Muốn lên được nhà ông Hoan nằm chênh vênh trên cao phải men theo cầu thang ngoài trời cũ và siêu nhỏ, rồi tiếp tục leo lên cầu thang gỗ dựng đứng trong nhà. Ông Hoan bảo: "Tôi theo bố mẹ từ phố Mã Mây chuyển ra đây từ năm 17 tuổi. Nhà chật nên suốt thời thanh niên tôi chả dám nghĩ đến chuyện lấy vợ. May mà các cụ cơi nới được cái gác xép nên năm 42 tuổi tôi mới mạnh dạn lấy vợ đấy. Lần đầu vợ tôi đến nhà, tôi nín thở lo lắng. Đến khi cô ấy gật đầu đồng ý mà tôi nhẹ cả người. 44 tuổi tôi mới có đứa con đầu lòng. Giờ bố mẹ tôi mất cả rồi. Nhà có 2 anh em trai. Gia đình người em 4 người ở dưới, còn gia đình tôi ở trên gác xép".

Ông Hoan kể rằng vợ chồng ông và 2 đứa con đã có những tháng ngày hạnh phúc trên cái "tổ chim" rộng hơn 20 m2 này. So với nhiều nhà dưới tầng 1 tối om thì nhà ông đúng là "thiên đường" vì chan hòa ánh sáng mặt trời. Ông cơi nới một khoảng hẹp để vừa nấu nướng vừa là nơi tắm giặt. Còn nhà vệ sinh thì phải dùng chung ở tầng 1. Giờ, vợ ông đã mất hơn một năm vì bạo bệnh, nhà chật mấy cũng thành trống trải. Chỉ cho chúng tôi vết nứt lớn chạy dọc tường nhà, ông bảo biết là nhà đã xuống cấp, ở rất nguy hiểm nhưng chẳng có điều kiện đi chỗ khác. Năm nay 59 tuổi, giờ ngoài làm thợ điện, ai thuê gì ông làm nấy, túc tắc nuôi cậu con trai học lớp 9 và cô con gái học lớp 3 đã quá sức rồi.

Theo ông Hoan thì cũng đã mấy lần bà con ở ngõ này nhận được giấy kê khai hiện trạng nhà và thăm dò nguyện vọng về nhà ở. Lúc đầu bà con khấp khởi lắm, cứ tưởng được ra ở chỗ rộng rãi đến nơi, nhưng nộp giấy xong thì mọi thông tin lại chìm vào im lặng. Ông gọi đây là khu nhà "hàng tồn", ở cũng không xong mà bán cũng chả được. "Cả một chùm gia đình chung một số nhà, tách ra kiểu gì để bán đây. Mà có bán cũng chả ai mua, ngoài chúng tôi ra thì ai chui vào hang mà ở nữa. Đành kệ, nhắm mắt sống đến hết đời thôi", ông Hoan nói những câu buồn não nề.

Chiều hè ông Hoan thường cho hai con ra "bể bơi sông Hồng" vùng vẫy vì "mình ở chật nên phải ra nơi thoáng đãng để cân bằng cô ạ. Mình cứ coi như đấy là không gian sống thứ 2 của mình đi. Với lại phải có lúc rời nhà, cho nhà thở và nghỉ ngơi, chứ cứ phải gồng gánh người suốt ngày đêm, cái nhà cũng mệt mỏi".

Ở ngõ Phất Lộc này, có những chuyện cười ra nước mắt. Có gia đình 5 người ở trong căn nhà... 4m2, đêm nào nằm ngủ cũng thừa cả chân ra cửa. Có nhà 16m2 nhưng có đến 4 cặp vợ chồng, đành quây thành 4 góc bằng ri đô, chỉ để một lối đi nhỏ ở giữa. Ở cảnh ấy, nhiều người đành tặc lưỡi: "Ăn tiêu thì nhiều chứ ở đáng bao nhiêu. Chỉ cần một chỗ ngủ thôi mà".

Không dám lấy vợ vì nhà chật

Nếu như không bước chân vào ngõ 63 phố Thuốc Bắc thì chúng tôi khó có thể tin giữa khu trung tâm thủ đô, sau những cửa hiệu sáng choang lại là không gian sống u tối đến vậy. Trong con ngõ chỉ đủ cho một người đi bộ, lờ mờ ánh sáng từ những bóng đèn thắp cả ngày là những căn phòng lồi lõm, chắp vá, những bức tường nham nhở, bong tróc. "Căn hộ" của hai bố con ông Chu Văn Cao ở ngõ này có lẽ xếp vào loại "có một không hai".

Đã 30 năm nay ông Chu Văn Cao sống lom khom trong căn nhà tối tăm.

Đã 30 năm nay ông Chu Văn Cao sống lom khom trong căn nhà tối tăm.

10 giờ sáng, chúng tôi gõ cửa, ông Cao ló đầu ra hỏi: "Mấy giờ rồi cô? Tôi ở trong này ngày cũng như đêm nên chả biết giờ giấc thế nào". Quả thật, nơi ông cụ gần 80 tuổi này sống gần 30 năm qua ánh sáng không thể lọt vào, gió không thổi tới, âm thanh phố xá hoàn toàn nín lặng. Chỉ cách mặt phố một đoạn nhưng là sự khác biệt của hai thế giới. Với chiều ngang 1m, chiều dài 2,5m và cao 1,4m, phải gọi đấy là một khối hộp chữ nhật chứ không phải một căn nhà. Người ngồi trong đó không dang nổi 2 tay, không thể đứng thẳng người. Thế mà ông Cao lom khom đã gần 30 năm.

Trong phòng, chỉ có chiếc quạt điện, cái ấm siêu tốc và chiếc đèn bàn được gọi là tài sản. Ở một góc tường, ông bố trí giá gỗ hai tầng để đựng sách báo và đồ lặt vặt. Chăn màn, vài bộ quần áo treo trên mắc nữa là hết chỗ. Bố con ông chỉ nằm hoặc ngồi, quỳ bò trong khoảng không ấy. Việc tắm giặt, sinh hoạt cá nhân thì phải ra nhà vệ sinh chung.

Không có chỗ đun nấu, thành ra hai bố con chẳng mấy khi có bữa cơm chung. Ông tuổi cao, sức khỏe yếu nên chỉ làm mấy việc lặt vặt hàng xóm thuê rồi tiện gì ăn đấy. Con trai ông đi làm ở ngoài cũng ăn cơm bụi. Nhà chỉ có thể về ngủ thôi. Cứ tối đến ông Cao lại ra phố ngồi vạ vật để nhường cho con có chỗ ngủ thoải mái hơn. Chả phải mình nhà ông, ở rất nhiều ngõ phố cổ, việc ông bà, bố mẹ, con cái lựa nhau có mặt ở nhà để ngủ chẳng phải là chuyện hiếm.

"Trước kia, căn nhà có diện tích hơn 10 m2 là của gia đình tôi. Năm 1993 do làm ăn thua lỗ, tôi phải bán tầng 1 đi trả nợ, chỉ giữ lại cái gác này để ở", ông Cao trải lòng. Ông bảo, dù chật thế nào thì vẫn phải sống lạc quan. Việc thú vị nhất ông làm trong ngày là ngồi trong nhà, bật chiếc đèn bàn lên để đọc báo. Bao nhiêu tin tức trong nước và thế giới khiến ông bớt cảm giác lạc lõng với cuộc sống ngoài kia. Ông bảo, ở chật nên người ta biết quý trọng những khoảng không gian dù là bé nhỏ. Chỉ cần một khoảng lõm ở tường cũng rất giá trị, có thể thành một khu bếp cho cả gia đình. Ở ngõ, nên người ta nhường nhịn nhau hơn. Để nhường đường cho nhau thì người này phải hóp bụng, nép người hết cỡ vào tường để người kia đi.

Mỗi khi trong ngõ có người rời cõi tạm, người nhà lại nhanh chóng gói ghém lại, hò nhau đưa ra nhà tang lễ. "Lúc đầu tôi nghĩ sao người thân mà phũ phàng với nhau thế, nhưng lâu dần thì tôi hiểu rằng hoàn cảnh khiến họ phải làm thế, không còn sự lựa chọn nào khác. Chuyện hiếu đã khổ. Chuyện hỷ cũng đau đầu. Dù có khó khăn cỡ nào thì cũng phải vay mượn để tổ chức cưới xin cho con ở trung tâm tiệc cưới hay thuê mặt bằng ở đâu đó", ông Cao chiêm nghiệm.

Điều ông trăn trở nhất là anh con trai đã ngoài 30 tuổi vẫn chưa lập gia đình. "Chỗ ở không có thì lấy vợ về ở đâu. Bởi thế, nhiều nhà trong ngõ phố lo nhất là khi sinh được con trai. Bởi nếu sinh con gái, đến khi con lớn thì "thuyền theo lái, gái theo chồng", không phải lo nhà ở. Chứ đẻ con trai thì không biết con lấy vợ thế nào", ông Cao khẽ nói, tiếng thở dài chìm trong ngõ tối…

Thái Hưng

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/nhung-loi-tho-than-trong-ngo-pho-co--i741678/