Những lớp học đặc biệt trong các nhà máy ở Bình Dương
Trong vài năm trở lại đây, số lượng nhà trẻ công lập và dân lập trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu dân cư có đông công nhân lao động sinh sống ngày càng tăng, phần nào đáp ứng đủ nhu cầu về học tập và vui chơi cho các em.
Mẹ tăng ca, con cũng tăng ca theo
Đã từ lâu, hình ảnh mẹ cùng con vào ca, rồi tan ca tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã khá thân thuộc với nhiều người. Các doanh nghiệp này xây nhà trẻ, trường mầm non không vì lợi nhuận, mà mục đích là phục vụ cho chính nhu cầu của người lao động của mình, giúp họ yên tâm lao động sản xuất.
Mỗi ngày của mẹ con chị Nguyễn Thị Ngọc, công nhân Công ty TNHH Yazaki EDS là bắt đầu dậy từ 5 giờ sáng, vệ sinh cá nhân xong xuôi, chị Ngọc đèo con gái cùng đi làm với mình. Khi tới công ty, chị đưa con vào trường học sát bên cạnh, rồi chạy vào xưởng cho kịp ca buổi sáng của mình (ca sáng từ 6 giờ- 14 giờ). Lúc nghĩ giữa ca, chị lại tranh thủ chạy ra thăm con, hỏi thăm cô giáo về tình hình của con, hết giờ làm, hai mẹ con chị lại dìu dắt nhau ra về, cùng chuẩn bị bữa cơm chiều cho cả gia đình.
Chị Ngọc cho biết, từ lúc công ty mở trường mầm non ngay trong khuôn viên rất tiện lợi cho anh chị em công nhân trong việc đưa đón con. Chính vì với mục đích mở trường phục vụ công nhân nên trường mầm non này giữ trẻ linh động với giờ tăng ca của công nhân. Trường bắt đầu nhận trẻ từ 5 giờ 30 phút sáng và trả trẻ 23 giờ khuya.
Hay tại Công ty TNHH Shyang Hungcheng (Thuận An), có một ngôi trường mang tên Trường Mầm non Vinh Hỷ cũng được xây dựng ngay một bên công ty để tiện cho NLĐ gửi gắm con em. Trường có khoảng 200 em học sinh đang theo học ở các lớp gồm: nhóm trẻ, lớp mầm, lớp chồi và lớp lá, ngoài việc học trong lớp, các em còn được ra ngoài sân trường tham gia các hoạt động vui chơi.
Do đặc thù của trường là chỉ phục vụ con CNLĐ, nên giáo viên trong trường phải linh động giờ dạy của mình theo ca kíp của công nhân, hôm nào CNLĐ tăng ca thì họ phải ở lại giữ các cháu, chờ đến khi NLĐ tan ca thì họ mới được về.
Chị Hoa, một công nhân có con gửi ở đây chia sẻ, bản thân mình cảm thấy may mắn khi làm việc tại công ty, ngoài các chế độ phúc lợi đều tốt, thì việc công ty mở nhà trẻ ngay tại chỗ làm là điều hiếm thấy, chính điều này đã tạo thuận lợi cho anh chị em công nhân trong việc đưa đón con đi học, nhiều khi con bệnh cũng chạy qua thăm con rất tiện. Đôi ngũ giáo viên ở đây rất nhiệt tình và yêu trẻ, các cô xem chúng tôi như là đồng nghiệp trong công ty nên rất hòa nhã và cởi mở. Thực sự tôi rất cảm ơn giám đốc công ty và BCH Công đoàn.
Bình Dương khuyến khích doanh nghiệp xây nhà trẻ cho con CNLĐ
Theo số liệu từ Sở GD&ĐT Bình Dương, trên toàn tỉnh có khoảng 140 ngàn trẻ, với trên 330 trường mầm non và mẫu giáo, 526 nhóm trẻ tư thục. Có trên 20 doanh nghiệp tổ chức hoạt động giáo dục mầm non phi lợi nhuận phục vụ con công nhân làm việc tại công ty.Những ngôi trường này đang phát huy hiệu quả khá rõ rệt, khi được đông đảo NLĐ tin tưởng và gửi gắm con em mình theo học.
Trong các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhiều doanh nghiệp đã ngỏ ý mong muốn lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện để họ được xây nhà trẻ ngay tại công ty. Đại diện Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh luôn hoan nghênh và tạo điều kiện hết sức để doanh nghiệp mở nhà trẻ. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với NLĐ, khi mà doanh nghiệp ngày càng quan tâm, chăm lo họ nhiều hơn.
Trao đổi với phóng viên, bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnhhttps://congly.vn/dau-tu/binh-duong-nam-2020-se-dich-chuyen-khu-cong-nghiep-len-phia-bac-313262.htmlcho biết, hiện nay LĐLĐ tỉnh Bình Dương đang khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp về vấn đề này để có những đề xuất với địa phương cũng như trung ương các chính sách ưu tiên, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp xây trường mầm non phục vụ con công nhân một cách tốt nhất.