Những lớp học hè đặc biệt của trẻ em Khmer ở Sóc Trăng
Hoạt động dạy và học chữ viết Khmer cho con em đồng bào dân tộc mỗi dịp hè về đang ngày càng phát triển ở Sóc Trăng, nơi có phần đông người Khmer sinh sống.
Trở lại Sóc Trăng những ngày đầu tháng 6, chúng tôi tới thị xã Vĩnh Châu - một trong những thị xã ven biển của tỉnh, có vị trí địa lý thuận lợi cả về giao thông lẫn phát triển kinh tế. Nơi đây, bà con dân tộc người Khmer sinh sống chiếm tới hơn 50% và luôn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa. Đặc biệt, các chùa ở Vĩnh Châu nói riêng và Sóc Trăng nói chung đã trở thành "cái nôi", "cây cầu" giúp gìn giữ và lan tỏa văn hóa, ngôn ngữ Khmer.
Như ở chùa Sê Rây Ta Mơn tại huyện Trần Đề, nơi đang chiêu sinh các lớp học tiếng Khmer vào dịp hè. Thượng tọa Trần Văn Tha, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, trụ trì chùa Sê Rây Ta Mơn cho biết: “Cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các cơ sở tôn giáo, chức sắc, chức việc ở thị xã hoạt động; góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống. Đặc biệt, trong việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ Khmer, chính quyền cũng đã hỗ trợ các kinh phí về giảng dạy và giúp các sư sãi trong chùa vận động bà con xung quanh cho phép con em mình được tham gia các lớp học tiếng Khmer vào dịp hè”.
Chỉ vào lớp học do sư Kim Chí Thanh đang đứng lớp, Thượng tọa Trần Văn Tha cho hay, các sư trong chùa đều tham gia giảng dạy tiếng Khmer ở 4 trình độ khác nhau, tùy theo nhu cầu của bà con và các em học sinh. Thông thường trước khi nghỉ hè 2-3 tháng, chùa sẽ thực hiện một “chiến dịch vận động”, cử người đến từng gia đình ở các ấp, thôn xung quanh, vận động, khuyên bảo bà con cho con em mình theo học tiếng Khmer.
“Ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn do bà con còn ngại ngùng, nhất là lo lắng về chi phí học. Sau biết các lớp học được miễn phí, con em mình được học chữ Khmer, lại được giảng dạy về đạo lý làm người, bà con phấn khởi lắm và càng ngày càng có nhiều người cho con em mình theo học trong chùa”, Thượng tọa Trần Văn Tha nói và cho biết thêm: “Như sư Kim Chí Thanh đó, trước đây cũng là học sinh của chùa. Sư Thanh theo học tiếng Khmer ở nhà chùa từ khi còn là một cậu bé. Dần dà, sư học cao hơn, học hết phổ thông, học đại học, sang cả Thái Lan học rồi lại quay trở về chùa tham gia giảng dạy”.
Lớp học hiện tại mà sư Thanh đang giảng dạy có khoảng 30 cháu, học tiếng Khmer ở trình độ thấp nhất. Các cháu đều mới tham gia lớp học được khoảng 1-2 tuần, có cháu lâu hơn thì được 1 tháng. Sư Thanh chia sẻ, với những học sinh mới học, nhà chùa sẽ dạy từ việc nhận biết chữ cái cho đến cách đánh vần. Lớp cao hơn thì học tập đọc, học viết; cao hơn nữa thì học các môn văn hóa như Toán, Văn, Lịch sử…. bằng tiếng Khmer… Song song với việc dạy tiếng Khmer, các sư còn dạy học sinh về văn hóa của người Khmer, cách đối nhân xử thế, giáo lý nhà Phật, lòng biết ơn… Qua đó, giúp các em nâng cao kiến thức, rèn luyện nhân cách để trở thành những người sống có ích cho gia đình và xã hội.
Em Lý Mạnh Hân (SN 2010) kể, nhà em ở ấp Đại Nôn thuộc xã Lưu Tú, huyện Trần Đề, tuy không quá gần, nhưng chiều nào em cũng đạp xe đến chùa để học chữ: “Con thấy học vui lắm, con biết thêm được nhiều điều về tiếng Khmer, lại có thêm bạn mới nữa ạ”. Cùng đi học trên tuyến đường với Hân còn có Kim Thị Khả Vy (SN 2011). Vy nói: “Con đến chùa từ 1 năm trước. Là bố mẹ đưa con đến, giới thiệu với các sư và xin cho con học. Trước con thấy khó nhưng giờ con giao tiếp bằng tiếng Khmer tốt hơn rồi. Ở đây con được học bao nhiêu điều hay”.
Tạm biệt chùa Sê Rây Ta Mơn, chúng tôi sang chùa Prey Chóp khi những tiếng đọc vần Khmer đang vang rộn cả một góc. Cậu bé Thạch Thanh Sang (12 tuổi) có nụ cười khá tươi cứ len lén nhìn chúng tôi giơ điện thoại lên chụp ảnh. Được nghỉ giải lao, cu cậu chỉ đứng một góc bẽn lẽn cười nhìn các bạn trêu nhau. Đến khi chúng tôi hỏi, Sang mới bộc bạch: “Em lên chùa học tiếng Khmer được 3-4 lần rồi. Hè năm nào bố mẹ cũng gửi em lên chùa học 1-2 tháng. Nhà em có 4 anh chị em nhưng em là chăm chỉ nhất, các chị em cũng lên nhưng ít hơn”.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Sóc Trăng Sơn Thanh Liêm cho hay, ngoài việc chú trọng gìn giữ, phát triển văn hóa Khmer, tỉnh Sóc Trăng cũng rất chăm lo đến việc bảo tồn ngôn ngữ Khmer. Đã thành thông lệ, cứ vào dịp nghỉ hè, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer tại Sóc Trăng nói riêng và Nam bộ nói chung lại tổ chức lớp dạy chữ viết Khmer cho con em đồng bào dân tộc. Hoạt động này ngày càng được phụ huynh và học sinh ở vùng đồng bào dân tộc đặc biệt quan tâm. Những năm gần đây, không chỉ có con em là đồng bào Khmer mà cả các em người dân tộc Kinh, Hoa cũng đến đăng ký học.
Được biết, với dân số 1,2 triệu người, Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer với khoảng 362.029 người, chiếm 30,18% dân số toàn tỉnhvà là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhiều nhất cả nước). Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 92 chùa Khmer. Các chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo của đồng bào Khmer mà còn là nơi giảng dạy giáo lý và chữ viết cho các tăng sinh và con em phật tử trong phum sóc. Việc các chùa tổ chức các lớp giảng dạy và bồi dưỡng chữ Khmer cho con em phật tử trong phum sóc góp phần rất lớn trong việc giữ gìn và phát huy chữ viết dân tộc; đồng thời, giúp cho con em đồng bào có được môi trường học tập lành mạnh và trau dồi thêm vốn kiến thức.