Những lưu ý đặc biệt khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày mai

Trừ điểm, phân hạng giấy phép lái xe, tăng mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông…là những điểm người dân cần lưu ý khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày mai.

Kể từ ngày 1-1-2025, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGT ĐB) sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Người dân cần lưu ý những quy định của Luật để bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân.

 Chi tiết các mức phạt đối với người lái xe ô tô từ 2025. Ảnh: THY NHUNG

Chi tiết các mức phạt đối với người lái xe ô tô từ 2025. Ảnh: THY NHUNG

Giấy phép lái xe sẽ có 15 hạng

Tại Điều 57, Luật TTATGT ĐB, từ ngày 1-1-2025 giấy phép lái xe (GPLX) bao gồm 15 hạng. Mỗi hạng quy định về đối tượng được cấp, phương tiện tương ứng của hạng được cấp, dung tích xi-lanh hoặc có công suất động cơ điện của phương tiện.

Cụ thể: Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11 Kw; Hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh trên 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 11 kW và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1.

Hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1; Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500 kg, các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng B kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg.

Hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3.500 kg đến 7.500 kg, các loại xe ô tô tải quy định cho GPLX hạng C1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg, các loại xe quy định cho GPLX hạng B.

Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 7.500 kg, các loại xe ô tô tải quy định cho GPLX hạng C kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg, các loại xe quy định cho GPLX hạng B và hạng C1.

Hạng D1 cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 08 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) đến 16 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg, các loại xe quy định cho GPLX các hạng B, C1, C…

 Tại Điều 57, Luật TTATGT ĐB, từ ngày 1-1-2025 giấy phép lái xe bao gồm 15 hạng. Ảnh: QUỲNH ANH

Tại Điều 57, Luật TTATGT ĐB, từ ngày 1-1-2025 giấy phép lái xe bao gồm 15 hạng. Ảnh: QUỲNH ANH

Ngoài ra, tại Điều 58 quy định về việc mỗi GPLX có 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ. Dữ liệu về điểm trừ GPLX của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết. GPLX chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm thì người có GPLX không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Sau thời hạn ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có GPLX được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ theo quy định do lực lượng CSGT tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Tại Điều 62 của Luật quy định, GPLX được cấp trước ngày Luật TTATGT ĐB có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trên GPLX. Khuyến khích đổi GPLX không thời hạn được cấp trước ngày 1-7-2012 sang GPLX theo quy định của Luật này.

Quy định về nồng độ cồn

Nghị định 168/2024 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực từ 1-1-2025, quy định 3 mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn sau:

Điều khiển xe máy hoặc ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Theo đó, đối với ô tô: Tài xế vi phạm mức 1 bị xử phạt 6-8 triệu đồng và bị trừ 4 điểm bằng lái; mức 2 là 18-20 triệu đồng, bị trừ 10 điểm bằng lái; mức 3 là 30-40 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Như vậy, đối với ô tô, quy định mới giữ nguyên mức 1 và mức 3 nhưng điều chỉnh tăng mức 2 từ phạt 16-18 triệu đồng lên phạt mức 18-20 triệu đồng.

Đối với xe máy, mức 1 bị phạt tiền 2-3 triệu đồng và trừ 4 điểm bằng lái; mức 2 là 6-8 triệu đồng, trừ 10 điểm bằng lái; mức 3 bị phạt 8-10 triệu đồng, bị tước GPLX từ 22-24 tháng.

Như vậy, so với luật hiện hành, giữ nguyên mức 1, tăng mức 2 từ phạt 4-5 triệu đồng lên 6-8 triệu đồng; và mức 3 từ 6-8 triệu đồng lên 8-10 triệu đồng.

Đối với xe đạp, người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn cũng bị xử phạt từ 100-600 nghìn đồng, tùy mức vi phạm.

 So với luật hiện hành, người vi phạm nồng độ cồn sẽ giữ nguyên mức phạt 1, tăng mức 2 từ phạt 4-5 triệu đồng lên 6-8 triệu đồng; và mức 3 từ 6-8 triệu đồng lên 8-10 triệu đồng.

So với luật hiện hành, người vi phạm nồng độ cồn sẽ giữ nguyên mức phạt 1, tăng mức 2 từ phạt 4-5 triệu đồng lên 6-8 triệu đồng; và mức 3 từ 6-8 triệu đồng lên 8-10 triệu đồng.

Vượt đèn đỏ có thể bị phạt nặng

Cũng liên quan đến lĩnh vực TTATGT, Cục CSGT (C08, Bộ Công an) cho biết, từ ngày ngày 1-1-2025, Nghị định 168 quy định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT ĐB sẽ có hiệu lực, nhiều hành vi vi phạm có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng rất cao.

 Hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bị phạt từ 4-6 triệu đồng. Ảnh: PHI HÙNG

Hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bị phạt từ 4-6 triệu đồng. Ảnh: PHI HÙNG

Theo đó, đối với xe ô tô, với hành vi không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, người vi phạm bị phạt 4-6 triệu theo mức phạt hiện hành, và tăng lên 18-20 triệu đồng, theo mức phạt mới. Hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, mức phạt hiện hành 4-6 triệu đồng, còn mức phạt mới 18-20 triệu đồng.

Hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ bị phạt 4-6 triệu đồng (mức phạt hiện hành), còn mức phạt mới tăng lên 35-37 triệu đồng. Hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều", mức phạt hiện hành là 4-6 triệu đồng, còn mức phạt mới là 18-20 triệu đồng...

Đối với phương tiện xe máy, một số hành vi bị tăng mức xử phạt như: Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bị phạt 800.000-1 triệu đồng (mức phạt hiện hành), mức phạt mới sẽ là 4-6 triệu đồng.

Hành vi điều khiển xe mô tô đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng (mức phạt hiện hành), mức phạt mới sẽ là 4-6 triệu đồng. Hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, mức phạt hiện hành là 1-2 triệu đồng, mức phạt mới sẽ là 4-6 triệu đồng.

Hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng bị phạt từ 6-8 triệu đồng (mức phạt hiện hành), sẽ tăng lên 8-10 triệu đồng (mức phạt mới); Hành vi gây tai nạn giao thông không dừng ngay phương tiện, không giữ nguyên hiện trường, không trợ giúp người bị nạn, không ở lại hiện trường hoặc không đến trình báo ngay với cơ quan công an, UBND nơi gần nhất bị phạt 6-8 triệu đồng (mức phạt hiện hành), còn mức phạt mới là 8-10 triệu đồng...

"Để lập lại trật tự đòi hỏi việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, chế tài đủ tính răn đe, tương xứng với vi phạm, nhất là các hành vi cố ý xâm phạm"- đại diện Cục CSGT thông tin.

Tập huấn về Luật và các văn bản cho hơn 1.600 người

Trước đó, Cục CSGT phối hợp với các đơn vị tổ chức 4 lớp tập huấn chuyên sâu về Luật và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật TTATGTĐB cho hơn 1.600 lãnh đạo chỉ huy, cán bộ chiến sĩ CSGT của 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Thông qua lớp tập huấn, các học viên sẽ được tiếp thu các quy định mới để đảm bảo tiến hành quản lý nhà nước về TTATGTĐB hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, thuận lợi. Đồng thời, đây cũng là dịp để trao đổi, thảo luận, đưa ra cách làm hay, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp tích cực nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức về luật, trách nhiệm của lãnh đạo chỉ huy trong việc triển khai thi hành luật đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Lãnh đạo Cục CSGT nhấn mạnh, sự ra đời của Luật TTATGTĐB đã khơi thông được điểm nghẽn của vấn đề an toàn giao thông đường bộ.

Công an xã được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm

Ngoài Luật, Nghị định, Bộ Công an cũng ban hành nhiều Thông tư liên quan trong việc quản lý, thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng cũng như bảo đảm quyền lợi của người dân cũng như tính nghiêm minh của pháp luật. Những Thông tư này cũng sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2025.

Trong đó phải kể đến Thông tư số 72/2024 của Bộ Công an, quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của CSGT.

Trong đó, tại điều 10 của thông tư này nêu, sau khi kết thúc khám nghiệm phương tiện giao thông, nếu xác định người lái xe không có lỗi và không vi phạm các quy định khác của pháp luật, thì xe phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người lái xe. Nghiêm cấm việc giữ xe của các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại.

 Thông tư số 72/2024 của Bộ Công an, quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của CSGT. Ảnh: N.D

Thông tư số 72/2024 của Bộ Công an, quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của CSGT. Ảnh: N.D

Còn Thông tư số 73/2024 Bộ Công an quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT ĐB của CSGT.

Đáng chú ý, Thông tư này có quy định Công an xã được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã, đường thôn thuộc địa bàn quản lý; khi phát hiện người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ có các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định, thì được xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, Thông tư 73 cũng quy định về việc ngoài kiểm soát thông qua hệ thống camera trên tuyến giao thông, trong đô thị, CSGT có thể khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.

Theo đó, đơn vị CSGT sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (bao gồm cả hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ kiểm tra tải trọng xe cơ giới), thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe, cơ sở dữ liệu về TTATGT ĐB để kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT ĐB, các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định…

Thông tư 73 cũng quy định, CSGT hóa trang (mặc thường phục) được dừng phương tiện. Trước đây, bộ phận CSGT hóa trang không được phép dừng xe khi phát hiện vi phạm trong mọi trường hợp.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng ban hành Thông tư 79/2024 quy định về cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.

Thông tư 79 cũng quy định về việc mở rộng phạm vi đăng ký trực tuyến lần đầu toàn trình, bổ sung thêm đối với xe nhập khẩu kể từ ngày 1-1-2025 cho chủ xe là công dân Việt Nam có tài khoản định danh mức độ 2. Người dân có thể thực hiện thủ tục đăng ký, bấm biển số trực tuyến vào bất cứ thời điểm nào, đồng thời không phải đưa xe đến cơ quan đăng ký xe để kiểm tra thực tế xe, thủ tục nhanh gọn, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.

“Để thực hiện được việc này, đòi hỏi cần có sự phối hợp, kết nối của rất nhiều hệ thống dữ liệu của các Bộ ngành; đồng thời cũng có những sự thay đổi trong phương thức thực hiện. Các doanh nghiệp nhập khẩu xe phải cung cấp bản chà số máy, số khung, có đóng dấu giáp lai của doanh nghiệp, dán mặt sau Chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường”- Đại diện Cục CSGT chia sẻ.

T.S KHƯƠNG KIM TẠO, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia.

Bước ngoặt trong công tác đảm bảo an toàn giao thông

Sự ra đời của Luật TTATGT ĐB là bước ngoặt trong công tác công tác quản lý đảm bảo TTATGT ĐB. Bởi lẽ, luật không đi theo hướng cũ đó là tước GPLX đối với các tài xế vi phạm giao thông thay vào đó là trừ điểm bằng lái xe.

Tôi cho rằng quy định này có tính nhân văn rất cao, vì hiện nay nhiều người dùng GPLX để kiểm sống, nếu chúng ta thu hồi GPLX coi như tước mất “cần câu cơm” của gia đình họ. Còn áp dụng hình thức trừ điểm như trên giúp tài xế chưa bị trừ hết điểm vẫn có thể lái xe kiếm sống.

Về góc độ giáo dục, tôi cho rằng quy định trừ điểm là hồi chuông cảnh tỉnh cho tài xế phải lái xe cẩn trọng hơn. Trường hợp 12 tháng lái xe không vi phạm sẽ được phục hồi điểm, như vậy là rất tốt.

Đối với người tham gia giao thông vi phạm lỗi nặng xuất phát từ nguyên nhân chủ quan như chạy ngược chiều trên cao tốc, sử dụng chất kích thích ở mức cao sẽ bị trừ hết điểm bằng lái. Tôi thấy đây cũng là quy định tốt giúp ngăn chặn hành vi nguy hiểm theo hướng cấm anh điều khiển phương tiện.

Cạnh đó, luật này cũng bổ sung các quy định chặt chẽ liên quan đến hoạt động ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh. Trong đó, quy định trên phương tiện chở trẻ em, học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ. Riêng ô tô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật… nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.

Thêm vào đó, trẻ em dưới 10 tuổi, chiều cao dưới 1,35 m không được ngồi ở ghế khoang lái cùng với tài xế, trừ ôtô chỉ có một hàng ghế…

Ông NGUYỄN VĂN QUYỀN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam

Cần xem xét nới thời gian thực hiện một số quy định

Luật TTATGT ĐB có một điểm mới rất đáng chú ý, đó là quy định điểm đối với GPLX. Đây được xem là một trong nhiều biện pháp nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người điều khiển phương tiện, từ đó kéo giảm tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, quá trình tham gia xây dựng các quy định dưới luật, tôi thấy việc trừ điểm GPLX cần phải điều chỉnh cho phù hợp. Bởi vì, tỉ lệ trừ điểm từ 8-12 điểm theo đề xuất hiện hành của Bộ Công an chiếm tỉ lệ quá cao, trong khi tỉ lệ trừ 2-4 điểm lại quá thấp, điều này khiến không ít tài xế lo lắng. Họ cho rằng trong nhiều trường hợp vi phạm là do hệ thống biển báo chưa đầy đủ, rõ ràng; áp lực thời gian giao hàng…

Vì vậy, theo tôi, cần điều chỉnh tăng tỉ lệ trừ 2-4 điểm nhiều hơn, đề cao tính giáo dục trước. Trường hợp tài xế vi phạm 2-3 lần cùng một lỗi mới trừ điểm ở mức cao, như vậy sẽ tạo ra sự đồng thuận trong xã hội.

Luật Sư VÕ ĐAN MẠCH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Quy định hiện nay sẽ có những tác động tích cực

Luật TTATGT ĐB có nhiều điểm mới quan trọng so với Luật GTĐB năm 2008, một trong số đó là quy định điều chỉnh về mức giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở của người tham gia giao thông.

Xét về mặt xã hội, tôi cho rằng, quy định hiện nay sẽ có những tác động tích cực như sau:

Thứ nhất, thiết lập văn hóa về giao thông an toàn cho xã hội. Theo đó, thể hiện quan điểm rõ ràng, nhất quán của nhà nước về việc đã uống rượu, bia thì tuyệt đối không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ và không có ngoại lệ.

Thứ hai, không thể phủ nhận việc uống rượu, bia, đặc biệt trong các dịp lễ hội là một nét văn hóa tồn tại lâu đời của người Việt Nam, tuy nhiên, phải phù hợp với khuôn khổ luật định, và không gây ra những tác động xấu cho xã hội.

Cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế, qua báo cáo tổng hợp hàng năm của cơ quan chức năng, cho thấy một trong những nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông là vi phạm nồng độ cồn. Do vậy, với quy định như hiện nay, tôi cho rằng sẽ có những tác động tích cực đến việc hạn chế và xa hơn là tiến tới xóa bỏ tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, góp phần quan trọng giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm gây rối trật tự công cộng, giúp người dân giảm bớt nỗi lo khi tham gia giao thông.

Thứ ba, trên phương diện so sánh với pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới, tôi cho rằng, quy định như hiện nay nhìn chung là phù hợp, đáp ứng được nhu cầu từ thực tiễn đời sống, thể hiện tầm nhìn chiến lược của nhà nước và sự tiệm cận với pháp luật quốc tế.

PHI HÙNG - VIẾT LONG - THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-luu-y-dac-biet-khi-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-co-hieu-luc-tu-ngay-mai-post827716.html