Chế tài nghiêm khắc, người dân cẩn thận hơn khi tham gia giao thông

Theo ghi nhận thực tế, sau một tuần thực hiện Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tình trạng 'nhờn' luật đã giảm. Cùng với đó, mức phạt vi phạm giao thông là nội dung được nhiều người quan tâm thời gian qua.

Liên quan đến vấn đề này, Báo CAND đã có cuộc trao đổi cùng ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia.

PV: Thưa ông, ông cảm thấy thế nào khi lưu thông trên đường phố kể từ ngày 1/1/2025- ngày mà Nghị định số 168/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực? Điều gì khiến ông quan tâm nhất trong những ngày qua trên các tuyến đường?

Ông Lê Kim Thành.

Ông Lê Kim Thành.

Ông Lê Kim Thành: Kể từ khi Nghị định số 168/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2025, tôi cảm nhận rõ sự thay đổi tích cực trong trật tự giao thông trên các tuyến đường. Là một người dân tham gia giao thông hàng ngày, đồng thời ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm an toàn giao thông, tôi thấy những chuyển biến này rất đáng ghi nhận, dù vẫn còn những thách thức cần khắc phục.

Chắc bạn cũng có cảm nhận như tôi, khi lưu thông trên đường những ngày qua ta thấy: Một là, ý thức người tham gia giao thông được nâng cao. Nhờ chế tài nghiêm khắc, nhiều người đã cẩn thận hơn khi tham gia giao thông, như tuân thủ tốc độ, không vượt đèn đỏ hay đi đúng làn đường, phần đường... Điều này góp phần giảm thiểu nguy cơ xảy ra va chạm và nguy cơ tai nạn; Hai là, hạn chế các hành vi vi phạm phổ biến trước đây. Các hành vi như sử dụng điện thoại khi lái xe, không đội mũ bảo hiểm hay đi ngược chiều đã giảm đáng kể. Điều này cho thấy ý thức tuân thủ luật pháp đã có sự cải thiện nhờ vào hiệu ứng của Nghị định.

Còn ấn tượng nhất của tôi trong những ngày qua là: Hệ thống giám sát giao thông lắp đặt thêm ở nhiều nút giao quan trọng giúp giám sát chặt chẽ, phát hiện kịp thời và xử lý hành vi vi phạm đã cho thấy tính minh bạch và hiệu quả. Người dân ý thức hơn khi biết rằng mọi hành vi trên đường đều được ghi nhận; sự nghiêm minh trong xử phạt: Các vi phạm, đặc biệt là hành vi nguy hiểm như uống rượu bia khi lái xe, đã bị xử lý rất nghiêm.

Điều này không chỉ răn đe mà còn giúp xây dựng lòng tin vào pháp luật; sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng từ CSGT tới cơ quan quản lý và chính quyền địa phương để duy trì trật tự, điều tiết giao thông và xử lý nhanh các tình huống phát sinh; ý kiến người dân về mức phạt cao: Dù có những ý kiến cho rằng mức phạt theo Nghị định 168 cao, nhưng nhiều người cũng thừa nhận rằng đây là cách hiệu quả để nâng cao ý thức và ngăn ngừa vi phạm.

Tôi hy vọng rằng những thay đổi tích cực này sẽ được duy trì lâu dài. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tiếp tục cải thiện hạ tầng giao thông, tăng cường giáo dục để người dân hiểu rõ lợi ích của việc tuân thủ pháp luật. Chỉ khi ý thức tham gia giao thông trở thành thói quen văn minh, môi trường giao thông mới thực sự an toàn và bền vững.

PV: Sau hơn 1 tuần triển khai Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, nhiều lỗi giao thông bị xử phạt nghiêm. Đa số dư luận đồng tình, tuy nhiên một số ý kiến cho rằng mức xử phạt quá cao, chưa phù hợp với thu nhập của người dân. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Ông Lê Kim Thành: Ý kiến cho rằng mức xử phạt theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP là quá cao và chưa phù hợp với thu nhập của người dân là một quan điểm đáng chú ý. Điều này phản ánh mối quan tâm của người dân nói chung, một bộ phận dân cư, đặc biệt là những người có thu nhập thấp hoặc trung bình, về khả năng đáp ứng các quy định pháp luật giao thông mới. Tuy nhiên, cần xem xét vấn đề này từ nhiều góc độ: Mức xử phạt cao có mục đích răn đe. Mức phạt cao không chỉ để xử lý vi phạm mà còn mang tính chất giáo dục và răn đe mạnh mẽ, giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, không chỉ cho người vi phạm mà còn cho cả cộng đồng. Khi các biện pháp xử phạt nhẹ chưa đạt hiệu quả như mong đợi, việc tăng mức phạt là cần thiết để giảm thiểu hành vi vi phạm và bảo vệ an toàn cho tất cả mọi người.

Bình đẳng trước pháp luật, công bằng trong trách nhiệm giao thông. Mức xử phạt áp dụng chung cho tất cả người tham gia giao thông, không phân biệt thu nhập hay hoàn cảnh cá nhân, nhằm đảm bảo tính công bằng và hiệu lực pháp luật. Nếu có ý thức chấp hành tốt, người dân sẽ không phải lo lắng về mức xử phạt, bất kể thu nhập ra sao. Tăng cường ý thức tự giác. Các quy định giao thông không chỉ nhằm trừng phạt mà còn khuyến khích người dân tuân thủ luật để tránh vi phạm. Nếu người dân chấp hành tốt, mức phạt sẽ không ảnh hưởng đến họ. Điều này nhấn mạnh rằng việc không vi phạm là cách tốt nhất để không phải chịu bất kỳ gánh nặng tài chính nào.

Thay đổi thói quen và thay đổi hành vi là mục tiêu lâu dài. Những khó khăn ban đầu trong việc thích nghi với các quy định mới là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, về lâu dài, việc nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông sẽ giúp giảm thiểu vi phạm, giảm số người bị xử phạt và mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

Tôi cho rằng mỗi cá nhân cần chủ động điều chỉnh hành vi, chấp hành nghiêm túc pháp luật để bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng. Đây chính là cách tiếp cận bền vững và hiệu quả nhất.

Ý thức chấp hành giao thông đã chuyển biến tích cực khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực.

Ý thức chấp hành giao thông đã chuyển biến tích cực khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực.

PV: Xử phạt tăng thì người dân "than" là vượt quá khả năng chi trả. Thế nhưng cũng có không ít người lại biện minh cho hành vi vi phạm của mình là do hệ thống giao thông không đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu, đường phố thường xuyên ùn tắc nên nhiều người mới phải vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè cho kịp giờ làm… Theo ông những "lý do" này có thuyết phục không? Người dân nên nhìn nhận vấn đề tăng mức phạt giao thông và vấn đề hạ tầng theo góc độ nào?

Ông Lê Kim Thành: Những lý do như hệ thống giao thông chưa đồng bộ, ùn tắc giao thông thường xuyên, hay áp lực giờ giấc được nêu ra để biện minh cho hành vi vi phạm giao thông có thể phản ánh phần nào thực trạng khó khăn trong giao thông nói chung, trong giao thông đô thị nói riêng. Tuy nhiên, xét về mặt pháp lý và trách nhiệm xã hội, những lý do này không thực sự thuyết phục. Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện hơn.

Người dân cần hiểu rằng luật giao thông không chỉ để bảo vệ trật tự mà còn bảo vệ chính họ. Việc tuân thủ luật pháp không phụ thuộc vào hạ tầng hay điều kiện ngoại cảnh; mức phạt tăng cao là để răn đe và giảm vi phạm. Nếu mọi người chấp hành nghiêm túc, mức phạt sẽ không còn là vấn đề.

Chính việc giảm vi phạm giao thông sẽ góp phần làm giao thông trật tự hơn, tạo điều kiện để các giải pháp về hạ tầng đạt hiệu quả tốt hơn. Một đô thị văn minh đòi hỏi ý thức chấp hành pháp luật cao từ phía người dân. Hạ tầng giao thông sẽ phát triển đồng bộ hơn khi toàn xã hội cùng chung tay, thay vì chỉ đổ lỗi hoặc trông chờ vào Nhà nước. Dù điều kiện giao thông còn nhiều hạn chế, mỗi người cần tự ý thức rằng vi phạm giao thông không phải là giải pháp. Việc tuân thủ luật pháp là trách nhiệm và quyền lợi của mọi người.

Đồng thời, để cải thiện hạ tầng, chúng ta cần có sự đồng thuận và hỗ trợ tích cực từ cả người dân và cơ quan chức năng. Đây là cách bền vững để giải quyết vấn đề giao thông hiện nay. Mặt khác, chế tài nghiêm khắc không chỉ xử lý hành vi hiện tại mà còn tạo sức ép để người vi phạm thay đổi hành vi trong tương lai. Đặc biệt, khi các hình phạt được thực thi nghiêm minh, những người từng vi phạm sẽ ý thức hơn về hậu quả.

Tôi tin rằng, với sự kiên trì áp dụng các giải pháp trên, ý thức tham gia giao thông của người dân sẽ được cải thiện rõ rệt, sẽ chuyển biến dần từ "thay đổi ý thức" sang "thay đổi hành vi", từ đó góp phần xây dựng một môi trường giao thông văn minh, an toàn và hiện đại hơn.

PV: Dù trên thực tế người dân có chấp hành nghiêm, nhưng những tình huống lưu thông trên đường vẫn là khó đoán, nếu ai đó thiếu chủ quan. Để kìm chế tai nạn giao thông (TNGT), cũng như đảm bảo trật tự ATGT trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Ủy ban ATGT Quốc gia đã đưa ra những khuyến cáo và giải pháp gì, thưa ông?

Ông Lê Kim Thành: Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và kiềm chế TNGT trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân 2025, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khuyến cáo một số giải pháp quan trọng, các bộ ngành và các tỉnh, thành phố cần phối hợp thực hiện đồng bộ như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông: Đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật đường bộ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định giao thông để bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Phổ biến thông tin về các chế tài mới: Thông báo rộng rãi về các mức xử phạt mới theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP để người dân nhận thức rõ hậu quả của việc vi phạm giao thông. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Huy động lực lượng chức năng: Tăng cường sự hiện diện của CSGT trên các tuyến đường trọng điểm, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm và các khu vực có nguy cơ ùn tắc cao. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; cải thiện hạ tầng giao thông và điều tiết giao thông. Ngoài ra, từng bước đầu tư, triển khai ứng dụng các công nghệ như cảm biến giao thông hoặc ứng dụng thông minh để cung cấp cảnh báo kịp thời cho người tham gia giao thông khi gặp ùn tắc hoặc nguy cơ tai nạn…

PV:Xin cảm ơn ông!

Phạm Huyền (thực hiện)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/che-tai-nghiem-khac-nguoi-dan-can-than-hon-khi-tham-gia-giao-thong-i756296/