Những lưu ý đảm bảo sức khỏe sĩ tử mùa thi

Mùa thi, do quá lo lắng, nhiều học sinh ăn không thấy ngon, thậm chí một số em bị stress và phải điều trị rối loạn tâm lý.

Hội chứng lờ mờ, khó nhận ra

Mới đây, Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận một số học sinh gặp các rối loạn về tâm lý liên quan đến áp lực học tập, thi cử căng thẳng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Điển hình là nữ sinh 15 tuổi (ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng bồn chồn không yên, khó ngủ, lo lắng, hay khóc… Những biểu hiện này diễn ra thường xuyên khi kỳ thi đến gần khiến phụ huynh vô cùng lo lắng và đã đưa con đến khám, điều trị.

Trường hợp khác nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, căng thẳng và luôn hoảng sợ. Người nhà nữ sinh chia sẻ, là một học sinh ngoan, học giỏi nhưng thời gian gần đây, áp lực phải đạt được vị trí đứng đầu lớp để vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi của trường khiến em luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ, sợ đi học.

Sợ bị bạn bè chê cười và thầy, cô giáo khiển trách càng khiến trẻ chán nản, không còn thiết tha mọi thứ trong cuộc sống. Thấy tình trạng bất thường, gia đình đã đưa con đến Bệnh viện Nhi trung ương thăm khám.

TS. Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, học sinh cuối cấp, đặc biệt là cấp học trung học phổ thông thường hay phải đối mặt với nhiều áp lực học tập, thi cử.

Áp lực này không chỉ đến từ chính bản thân, bạn bè, thầy cô mà còn cả từ các bậc phụ huynh. Cha mẹ nào cũng mong những điều tốt đẹp cho con nhưng cũng có phụ huynh sốt ruột khi điểm số của con chưa cao, lo lắng khi con không được vào tốp học sinh giỏi trong lớp và gây áp lực lên chính các con.

Trong năm 2022, Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương đã tiến hành nghiên cứu về các rối loạn tâm lý ở học sinh tại một số trường trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội (từ lớp 6 đến lớp 9).

Kết quả cho thấy, các biểu hiện lo âu ở trẻ chiếm tỷ lệ 38%, tiếp theo là stress với 33% và trầm cảm là 26,1%. Tại bệnh viện, trong các trẻ đến khám và điều trị vì các biểu hiện lo âu, trầm cảm và căng thẳng, có nhiều học sinh được đánh giá ngoan, có thành tích học tập khá, giỏi.

Những trẻ này thường hay tự tạo áp lực với bản thân mình để giữ hình ảnh với bạn bè, gia đình, thầy cô. Chính sự nỗ lực không ngừng khiến trẻ dễ bị căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi, thậm chí trầm cảm, nhất là khi không đạt được kết quả như kỳ vọng.

"Nguyên nhân của rối loạn trên thường là do khối lượng kiến thức quá nhiều, trẻ chuẩn bị cho kỳ thi chưa tốt, tâm lý chưa vững vàng và áp lực từ nhà trường, bố mẹ", TS. Ngô Anh Vinh phân tích.

Cũng về vấn đề này, TS. Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, nhiều phụ huynh không phát hiện ra sự bất thường của con, chỉ tới khi con kêu đau bụng, đau đầu, đi khám mới phát hiện bị stress.

“Vì vậy, cha mẹ nên tránh không tạo áp lực cho con em trong mùa thi. Dù áp lực không phải lúc nào cũng bất lợi, nếu có mục tiêu thì coi mùa thi là bước ngoặt động lực vượt qua, nhưng với em có nhân cách yếu đuối đó lại là nguyên nhân khiến các em gia tăng stress”, TS. Tâm khuyến cáo.

Thí sinh cần làm gì?

Nhằm bảo đảm sức khỏe cho thí sinh mùa thi, ở góc nhìn sư phạm, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đưa ra lời khuyên, các em học sinh cần xác định kỳ thi thực chất là điều kiện để một đứa trẻ trưởng thành. Nó như những nấc thang mà mỗi một năm các em phải bước lên một bước.

Điều quan trọng là phải tự bản thân các em bước lên nấc thang mới để khẳng định sự nỗ lực sau một năm học tập chứ không ai làm thay các em.

Khi đã xác định được như vậy thì các em đừng nghĩ kỳ thi là cái gì quá ghê gớm, từ đó hạn chế được tối đa những áp lực, tâm lý để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Ý kiến của cô Nguyễn Thị Thanh Hương, giáo viên môn tiếng Anh của hệ thống giáo dục Hocmai nói rằng, về tâm thế, dù các em học sinh có mục tiêu điểm số là gì đi nữa cũng cần nỗ lực và quyết tâm hết mình để đạt được. Thời gian này, các em tránh học quá sức, hay quá áp lực.

Thí sinh cần phân bổ thời gian ôn tập nhẹ nhàng, vừa sức, ngủ đủ 6-8 tiếng và vận động, chơi thể thao để có được một thể lực và trạng thái tinh thần tốt nhất.

Mỗi khi mệt mỏi hãy nhớ về gia đình và những người thân yêu, nhớ đến giấc mơ của mình, đó sẽ là nguồn động lực để chúng ta vượt lên trên những sợ hãi, những giới hạn.

Để trẻ có một tâm lý thoải mái trước mỗi kỳ thi, theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cha mẹ hãy cùng con xác định mục tiêu phù hợp, không nên đặt kỳ vọng quá nhiều, vì điều này vô tình tạo áp lực lớn cho trẻ.

Gần ngày thi, cha mẹ nên áp dụng các liệu pháp tinh thần để cho con vững tâm, tránh rơi vào trường hợp stress bệnh lý hoặc rối loạn tâm thần liên quan đến stress trong mùa thi.

Đặc biệt, trong thời gian này, cha mẹ nên chú ý hơn đến sức khỏe của con bằng chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất... giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe.

Những loại thực phẩm giúp chống lại căng thẳng và tốt cho trí não có thể kể đến là: Cá, tôm, thịt gia cầm, trứng, trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh, bơ, chuối, bông cải xanh, socola đen.

Ngoài ra, nên tránh những thực phẩm gây căng thẳng cho cơ thể, bao gồm: Rượu, bia, caffeine, thực phẩm chứa nhiều đường, nước ngọt.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, phụ huynh không nên tự ý cho trẻ dùng các loại thực phẩm chức năng, các loại thuốc được quảng cáo bổ não, tăng cường trí nhớ được rao bán tràn lan trên thị trường. Các bậc cha mẹ hãy luôn ưu tiên cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ qua nguồn thực phẩm đều đặn hằng ngày.

Muốn giảm căng thẳng, các bậc phụ huynh khuyên con đừng bỏ bữa và cố gắng ăn đều đặn sau 3-5 giờ để giúp cân bằng lượng đường trong máu. Nếu cơ thể trong tình trạng hạ đường huyết sẽ gây căng thẳng và làm tăng lượng cortisol - loại hormone chính gây ra căng thẳng.

Ngoài chế độ dinh dưỡng đầy đủ, theo TS. Ngô Anh Vinh, cần bảo đảm cho trẻ được ngủ đủ giấc, tập luyện thể dục, thể thao đều đặn.

Nhờ đó sẽ giúp trẻ có được một sức khỏe tinh thần tốt để tự tin vượt qua các kỳ thi một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cha mẹ nên hiểu rõ về năng lực, sở trường của con để đặt ra mục tiêu, chọn trường, chọn lớp phù hợp.

Đặc biệt, cha mẹ cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con để đưa ra những tư vấn cũng như định hướng đúng đắn, giúp trẻ giải tỏa được những áp lực về học tập, thi cử.

D.N

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhung-luu-y-dam-bao-suc-khoe-si-tu-mua-thi-d192626.html