Những lưu ý khi bảo tồn, tu bổ Di tích quốc gia đền Trấn Vũ
Việc tu bổ, bảo tồn Di tích quốc gia đền Trấn Vũ - chùa Cự Linh đang rất được các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu quan tâm, bởi vì đây là một di tích đặc biệt, không chỉ mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn, mà còn sở hữu một bảo vật quốc gia và một di sản văn hóa phi vật thể thế giới.
Đền Trấn Vũ - chùa Cự Linh (làng Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) là di tích quốc gia đặc biệt, với bảo vật quốc gia là pho tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ niên đại thế kỷ 18, cùng những giá trị to lớn về văn hóa phi vật thể, tiêu biểu là tục kéo co ngồi đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Di tích đã được đề xuất đưa vào danh mục tu bổ, tôn tạo giai đoạn 2020-2025.
Cuộc hội thảo về giá trị lịch sử, văn hóa của cụm di tích đền Trấn Vũ - chùa Cự Linh do phường Thạch Bàn quận Long Biên tổ chức nhằm phục vụ cho việc đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích đã góp phần xác định, khẳng định vị thế địa-văn hóa cũng như vai trò của cụm di tích trong lịch sử dân tộc cũng như trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân bản địa.
TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam cho biết, đền Trấn Vũ có những giá trị nổi bật. Đầu tiên là yếu tố kiến trúc nghệ thuật, theo quyết định xếp hạng di tích của Bộ Văn hóa Thông tin năm 1990. Công trình kiến trúc tuy không bề thế nhưng vẫn giữ được những yếu tố truyền thống thường thấy trong kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng đầu thế kỷ 20 ở đồng bằng Bắc Bộ.
Tòa tiền đường có hàng hiên là cột đá xanh khối vuông, 4 mặt chạm rồng, hoa lá, văn xoắn móc, chữ Thọ và lá sòi. Đầu kẻ thượng chạm rồng, đầu kẻ hạ soi chỉ. Câu đầu chạm hổ phù ngậm ấn. Đầu đệm chạm chữ Thọ, thân kẻ, quá giang chạm lá. Nóc gian giữa ghi năm trùng tu niên hiệu Bảo Đại thứ 20. Trên mái đắp rồng chầu mặt nguyệt có gắn mảnh sứ hoa lam và nhiều màu. Hai bên đắp hai con kìm đuôi cong, đầu chầu vào giữa. Hai đầu đốc đắp nổi mặt hổ phù. Đền nằm trong khu vực cây xanh, phía trước có hồ và lầu gác nổi trên mặt hồ.
TS Phạm Quốc Quân cho biết, giá trị kiến trúc, nghệ thuật của đền Trấn Vũ là thí dụ điển hình cho mối quan hệ hài hòa giữa kiến trúc với thiên nhiên, để tạo nên một giá trị đặc trưng truyền thống của những thiết chế tôn giáo của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Điểm đặc biệt nhất của đền là hệ thống đồ thờ tự, trong đó nổi bật nhất là pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ - một vị thần trị thủy của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, có kích thước lớn với chiều cao 3,8 m, chu vi 8 m, nặng 4 tấn, ở tư thế ngồi buông chân trên bệ hình chữ nhật, đầu trần, mặc long bào đen, chân không giày, tay để trước ngực xòe ngón trò trong thế ấn quyết, tay phải cầm gươm thất tinh...
Ngoài ra, tại đền còn lưu giữ 150 đồ thờ tự gồm các pho tượng bằng đá, gỗ, đất sơn son thếp vàng, hoành phi, câu đối, sắc phong, bia đá, bát hương…
Phía sau đền là chùa Cự Linh, tuy chưa được xếp hạng nhưng vẫn cùng với đền Trấn Vũ hợp thành cụm di tích có cấu trúc “tiền Thần hậu Phật”. Tại cụm di tích còn tấm bia “Cự Linh tự, Trấn Vũ quán trung tu bi ký” mang phong cách thế kỷ 18 cho thấy, vào thời điểm này chùa đã được tu bổ cùng đền Trấn Vũ.
Tại chùa cũng còn một số tượng mang phong cách thế kỷ 18. Đáng tiếc là từ năm 1963, chùa đã không còn, tượng chùa phải gửi nhờ đền Trấn Vũ. Năm 1995, dân làng góp tiền dựng lại khu Tam bảo và chuyển một số tượng về đây. Khoảng năm 2000-2002, chùa được dựng mới khang trang, cao 2 tầng, không mang phong cách chùa bắc, không ăn nhập với đền. Ngôi Tam bảo dựng năm 1995 đến lúc này trở thành nhà Mẫu, nhưng số tượng cũ vẫn lưu giữ tại đây.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đều đưa ra ý kiến về việc chỉnh sửa, trùng tu lại cụm di tích là cần thiết, tuy nhiên cần lưu ý đến sắp xếp, bố cục sao cho hợp lý hơn giữa chùa Cự Linh và đền Trấn Vũ. PGS, TS Bùi Xuân Đính (Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội) cho rằng, chùa Cự Linh tuy nằm trong khuôn viên cụm di tích, nhưng lại là chùa mới được xây dựng gần đây, không mang phong cách chùa Việt ở Bắc Bộ, cho nên không ăn nhập với khuôn viên đền-chùa gốc cũng như với các sinh hoạt truyền thống của đền-chùa nói chung. Vì vậy, cần quy hoạch và dựng lại chùa cũng như tu bổ lại đền để tạo thành một chỉnh thể hài hòa, hợp với truyền thống.
TS Phạm Quốc Quân cho rằng, những điều tra hồi cố và khảo sát thực địa qua những phát hiện của dân làng cho thấy nhiều dấu tích còn sót lại của một ngôi chùa cổ ở đây. Cần có sự đầu tư công sức và thời gian qua những hố thám sát khảo cổ học trong khuôn viên hiện nay để có thêm những bằng chứng khoa học chứng minh ngôi chùa là một phần của di tích. TS Nguyễn Doãn Minh (Viện Nghiên cứu Kinh thành) cho rằng, việc đầu tư tu bổ, tôn tạo và điều chỉnh các hạng mục cho phù hợp với công năng, kiến trúc là điều cần thiết. Tuy nhiên, bố cục tổng thể cũng như công năng các hạng mục cần chặt chẽ, thỏa mãn về mặt thị giác khi cùng đặt trên một bình đồ.
GS, TS Đinh Khắc Thuân cũng cho rằng, do nhận thức tách bạch giữa đền và chùa, cho nên việc tôn tạo, xây dựng chùa và điện Mẫu Cự Linh còn khá lộn xộn. Cần quy hoạch lại thành một hệ thống di tích thống nhất, có không gian để tổ chức lễ hội, hoạt động tín ngưỡng, cũng như mở tuyến du lịch cho khách tham quan.
Đền Trấn Vũ-chùa Cự Linh là một cụm di tích tôn giáo độc đáo của Hà Nội, với các di sản phi vật thể và các hiện vật quý. Nếu quy hoạch, trùng tu chuẩn, nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách Hà Nội mà còn cả với du khách từ khắp nơi trong cả nước.