Những lưu ý khi dùng thuốc và điều trị đái tháo đường thai kỳ
Cứ 7 phụ nữ mang thai thì có 1 người mắc đái tháo đường thai kỳ. Có thể thấy, đây là tỉ lệ không nhỏ, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người mẹ và sự phát triển của thai nhi. Vậy cần lưu ý gì trong điều trị vấn đề này?
1. Đái tháo đường thai kỳ có nguy hiểm không?
Theo TS. BS. Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu tăng cao ở một số phụ nữ, trong giai đoạn mang thai. Bệnh thường phát triển từ tuần thai thứ 24 – 28 của thai kỳ và thường hết sau khi sinh.
Đối với người mẹ, đái tháo đường thai kỳ làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, tăng huyết áp trong thai kỳ… Về lâu dài, phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao tiến triển thành đái tháo đường type 2 và các biến chứng liên quan đặc biệt là biến chứng tim mạch.
Đối với thai nhi, đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi chủ yếu vào giai đoạn ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ; có thể gây dị tật bẩm sinh, sảy thai tự nhiên hoặc thai nhi tăng trưởng quá mức…
Chính vì vậy, phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ cần kiểm soát tốt đường huyết và duy trì ở mức an toàn để bảo vệ sức khỏe bản thân và thai nhi.
Nếu không được điều trị đúng cách, đái tháo đường thai kỳ có thể gây ra những biến chứng sức khỏe nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con.
2. Lưu ý giúp kiểm soát đái tháo đường thai kỳ
2.1. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp
Theo BS. Lê Quang Toàn, có đến 70-85% trường hợp đái tháo đường thai kỳ có thể kiểm soát đường huyết bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày mà không cần dùng thuốc. Theo đó, người mắc đái tháo đường thai kỳ cần lưu ý:
Ưu tiên nguồn thực phẩm như gạo lứt, ăn ngũ cốc nguyên hạt thay cho cơm trắng, bánh mì trắng, loại đã tinh chế…
Tránh ăn đồ ngọt, thực phẩm có nhiều đường như bánh kem, mứt, nước ngọt…
Khi ăn trái cây, nên chọn loại quả ít đường, chia thành nhiều bữa nhỏ
Tăng cường rau xanh như rau cải, xà lách, súp lơ, nấm, cà rốt,...
2.2. Chế độ tập luyện
Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho phụ nữ mang thai. Nếu sức khỏe của mẹ và bé đều ổn, hãy cố gắng thực hiện các bài tập ở mức độ nhẹ đến trung bình trong 15 – 30 phút, vào tất cả các ngày trong tuần. Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia để có thể lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp.
2.3. Dùng thuốc để kiểm soát đường huyết
Nếu các phương pháp nêu trên không đem lại hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhằm kiểm soát lượng đường trong máu và bảo vệ thai nhi.
Trong đó, tiêm insulin cũng là liệu pháp được cân nhắc sử dụng để làm giảm lượng đường trong máu mà không đi qua nhau thai. Insulin an toàn cho thai nhi, song có thể gây ra một số tác dụng phụ như hạ đường huyết, dị ứng ban đỏ, ngứa ở chỗ tiêm, nổi mày đay…
Insulin có thể được tiêm vào cơ thể bằng nhiều cách khác nhau như sử dụng ống tiêm, bút tiêm insulin hoặc thông qua máy bơm insulin. Cả ba lựa chọn nêu trên đều đảm bảo an toàn cho phụ nữ có thai. Khi sử dụng, bạn có thể tiêm insulin vào lớp mỡ một cách an toàn bởi đầu kim rất ngắn (chỉ 4-6mm). Cần lưu ý tránh khu vực tiêm quá gần rốn.
Để tránh nguy cơ hạ đường huyết sau khi tiêm insulin, cần tuân thủ theo dõi đường huyết 4-6 lần/ ngày vào các thời điểm trước, sau ăn và trước khi đi ngủ. Ngoài ra, phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường thai kỳ cần tái khám định kỳ với bác sĩ nội tiết để được đánh giá tình trạng sức khỏe và điều chỉnh liều lượng insulin phù hợp với từng thời kỳ.
Ngoài ra, BS Lê Quang Toàn nhấn mạnh, phụ nữ mang thai không được tự ý thay đổi liều lượng, dừng thuốc hoặc sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Mời bạn đọc xem tiếp video: