Những lưu ý khi làm bài thi môn Hóa học
Theo cô Nông Thị Thu Thùy, trước khi làm bài thí sinh nên đọc qua đề một lượt để xem đề thi có lỗi hay mờ không, sau đó mới bắt tay vào làm bài.
Hãy đọc qua một lượt đề
Theo cô Nông Thị Thu Thủy - giáo viên môn Hóa học, Trường Quốc tế song ngữ Học viện Anh Quốc – UKA Gia Lai (Gia Lai): “Trước khi vào phòng thi hãy kiểm tra lần cuối các vật dụng được mang theo vào phòng thi, kiểm tra máy tính còn hoạt động không, bút chì, gôm đã đủ chưa….
Khi nhận đề thi chưa vội hấp tấp làm bài ngay, hãy kiểm tra một lượt từ trên xuống dưới xem đề có vấn đề gì không? Sau đó hãy điền mã đề thi vào phiếu trả lời trắc nghiệm rồi mới bắt đầu làm bài.
Đối với tâm lý phòng thi, các em hãy nhớ, chúng ta đã có quá trình ôn luyện kĩ càng. Vì hãy bình tĩnh trước mọi tình huống, khi làm các câu hỏi khó, lạ các em không vội hoang mang, lo sợ mà hãy tĩnh tâm để suy nghĩ nhằm tìm ra phương pháp phù hợp để giải”.
Cô Thu Thùy biết thêm: “Quá trình làm bài môn Hóa học, thí sinh hãy chọn câu đơn giản làm trước, câu khó làm sau. Bởi các câu khó hay dễ đều có giá trị điểm như nhau. Theo đó, nên chọn câu lý thuyết làm trước, câu tính toán làm sau.
Vì câu hỏi lý thuyết thường đơn giản hơn câu hỏi tính toán, không chiếm nhiều thời gian. Bên cạnh đó nên nháp một cách khoa học (trên tờ nháp ghi rõ số thứ tự câu, nháp rõ ràng, gọn gàng để dễ dàng xem lại khi cần”.
“Trong đề thi thường sẽ có các câu “bẫy” như “chọn phát biểu sai (tức đề hỏi tìm phát biểu sai chứ không phải tìm phát biểu đúng), quên cân bằng phương trình phản ứng, nhầm nguyên tử khối của các chất, nhầm danh pháp của các chất…”, cô Thu Thùy lưu ý.
Ngoài ra, cô Thu Thùy cũng nhấn mạnh thí sinh cần phân phối thời gian làm bài hợp lý, với các câu lý thuyết và tính toán đơn giản, đọc đề, điền cẩn thận đáp án đúng vào phiếu trả lời.
Với các câu tính toán khó, viết số thứ tự câu ra nháp, tóm tắt lại đề bài để phân tích, làm bài, điền cẩn thận đáp án đúng vào phiếu câu trả lời. Các em nên dành ít nhất 5 phút cuối để xem lại bài trước khi nộp bài nhé
Hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi
Đến ngày 14/6, cả nước có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, 968.160 thí sinh đăng ký trực tuyến, chiếm 95% tổng số thí sinh. Trong đó, thí sinh tự do: 37.841 chiếm 3,69% tổng số thí sinh; thí sinh chỉ xét tốt nghiệp: 47.769 chiếm 4,66%; thí sinh chỉ xét tuyển sinh đại học: 34.155 chiếm 3,33% tổng số thí sinh; thí sinh vừa xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh: 943.340 chiếm 92,91% tổng số thí sinh.
Có 323.187 thí sinh đăng ký thi bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (31,52%); 566.921 thí sinh đăng ký thi bài tổ hợp Khoa học xã hội (chiếm 55,30%).
Số điểm thi trên toàn quốc là 2.273; tổng số phòng thi là 44.661. Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp tổ chức Kỳ thi; phân công nhiệm vụ và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, diễn ra vào 4 ngày: 27, 28, 29, 30/6. Trong đó, ngày 27/6 là ngày làm thủ tục dự thi; ngày 28 và 29/6 tổ chức coi thi; ngày 30/6 là ngày thi dự phòng.
Trước kỳ thi, các thí sinh nên học chắc kiến thức cơ bản, rèn luyện kỹ năng làm, củng cố kiến thức bằng cách luyện đề. Bên cạnh đó, giữ gìn sức khỏe, ăn uống đủ các dưỡng chất để có sức khỏe tinh thần và thể chất tốt.
“Cuối cùng, chúc các em có một kỳ thi thành công, vào được ngôi trường mà các em mơ ước. Kỳ thi này sẽ là bước ngoặt giúp các em trưởng thành nên biến áp lực thành động lực, cô tin các em sẽ thành công”, cô Nông Thị Thu Thùy - giáo viên môn Hóa học, Trường Quốc tế song ngữ Học viện Anh Quốc – UKA Gia Lai (Gia Lai) chia sẻ
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-luu-y-khi-lam-bai-thi-mon-hoa-hoc-post644470.html