Những lưu ý khi sang Hàn Quốc làm việc thời vụ

Do vẫn chưa nắm rõ thông tin nên nhiều người lao động gặp nhiều khó khăn, thậm chí bị lừa khi có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc ngắn hạn.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, chương trình đưa lao động sang làm việc thời vụ tại Hàn Quốc thực hiện theo thỏa thuận ký giữa UBND cấp tỉnh Việt Nam và chính quyền địa phương Hàn Quốc. Cơ quan cấp tỉnh có thể giao cơ quan cấp huyện hoặc tổ chức sự nghiệp tại địa phương thực hiện phái cử lao động sau khi ký thỏa thuận.

Đến nay, đã có 14 tỉnh, thành ký thỏa thuận với các địa phương Hàn Quốc để đưa lao động thời vụ sang làm việc gồm: Lâm Đồng, Lai Châu, Hậu Giang, Hà Nam, Hà Giang, Quảng Bình, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, Cà Mau, Tuyên Quang và Bạc Liêu.

Tiêu chuẩn tuyển dụng lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc là người lao động trong độ tuổi từ 30 - 55, thường trú hoặc tạm trú từ 12 tháng trở lên tại địa phương đã ký thỏa thuận với phía Hàn Quốc. Người lao động có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có tiền án và không thuộc diện cấm xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật. Người lao động phải có đủ sức khỏe đi làm việc ở nước ngoài để làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và ngư nghiệp.

Người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc được trả lương theo mức lương tối thiểu mà Hàn Quốc đang áp dụng, tối thiểu là 2.010.580 won/tháng (hơn 36 triệu đồng).

Ngoài ra, người lao động được hưởng các chế độ về thời gian làm việc, nghỉ ngơi; được bảo đảm các điều kiện làm việc, ăn ở, sinh hoạt, bảo hiểm, chi phí khám chữa bệnh theo quy định của Hàn Quốc và được hỗ trợ một phần tiền mua vé máy bay khứ hồi. Người lao động có trách nhiệm tuân thủ hướng dẫn của địa phương đưa đi và các quy định luật pháp của nước sở tại, về nước ngay sau khi hoàn thành hợp đồng lao động để có thể quay trở lại tiếp tục làm việc.

Chi phí mà người lao động bỏ ra khoảng 20 triệu đồng để bù đắp một phần chi phí hành chính theo quy định của địa phương. Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương minh bạch, công khai các khoản chi phí mà người lao động phải chi trả hoặc địa phương hỗ trợ để tham gia chương trình. Mục đích để tránh các tổ chức, cá nhân lợi dụng, lừa đảo quen biết, giúp đỡ đi Hàn Quốc với chi phí rất lớn dù thực tế không phải vậy.

Cũng theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc là chương trình hợp tác phi lợi nhuận nên không giao cho doanh nghiệp thực hiện.

Tuy vậy, gần đây một số tổ chức, cá nhân đã quảng cáo, ký hợp đồng, thu tiền và hứa hẹn đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trái phép. Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động có nhu cầu tham gia chương trình này hãy liên hệ Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành trong danh sách, tuyệt đối không đăng ký với bất kỳ cá nhân hay tổ chức môi giới nào để tránh mất tiền.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-luu-y-khi-sang-han-quoc-lam-viec-thoi-vu-post550435.antd