Tăng lương, người lao động có đủ sống?
Từ ngày 1/7, Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu vùng của người lao động trong khu vực doanh nghiệp tăng bình quân là 6%. Mức cao nhất gần 5 triệu đồng/tháng.
Bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động
Từ 1/7, cùng với mức lương cơ sở tăng 30%, lương hưu, các khoản trợ cấp được điều chỉnh tăng 15%, khu vực doanh nghiệp điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng (theo tháng và theo giờ) tăng 6%. Theo đó, người lao động vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng 280.000 đồng);Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng); Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220.000 đồng); Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200.000 đồng).
Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6%, vùng I đạt 23.800 đồng/giờ, vùng II lên 21.200 đồng/giờ, vùng III là 18.600 đồng/giờ, vùng IV là 16.600 đồng/giờ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đánh giá mức tăng từ 200.000 - 280.000 đồng, tương ứng tỷ lệ bình quân 6% so với mức lương tối thiểu hiện hành, cao hơn so với mức sống tối thiểu của người lao động dự kiến đến hết năm 2024, cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025.
Mức điều chỉnh nêu trên được tính toán dựa trên cơ sở các yếu tố thực tế theo quy định của bộ Luật Lao động, gồm: mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; nhóm yếu tố về kinh tế, thị trường lao động (tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, giá cả tiêu dùng, tình hình lao động, việc làm); nhóm yếu tố về mức lương trên thị trường và khả năng của doanh nghiệp (DN) - tiền lương, thu nhập bình quân của người lao động, tình hình phát triển của DN và xu hướng kinh doanh, sản xuất, đơn đặt hàng.
Bộ LĐTBXH cho rằng, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng cùng thời điểm tăng lương cơ sở là rất cần thiết, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% (từ 200.000 - 280.000 đồng).
Chưa hết nỗi lo gánh nặng chi phí
Theo quy định, khi Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng thì các DN sẽ phải tăng tiền lương tối thiểu vùng. Trường hợp DN không tăng lương sẽ bị xử phạt theo quy định. Thực tế đa phần DN đều thực hiện nghiêm túc việc tăng lương tối thiểu vùng thậm chí, nhiều DN còn trả mức cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng. Dù vậy cuộc sống người lao động vẫn còn rất nhiều khó khăn, đa phần sống trong thiếu thốn thậm chí phải vay nặng lãi, rút bảo hiểm xã hội 1 lần để trang trải sinh hoạt trước mắt.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Phạm Thu Lan cho rằng, mỗi lần tăng lương tối thiểu thì đời sống của người lao động đều được cải thiện. Lương tối thiểu tăng đồng nghĩa với mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ được tăng lên; sau này khi họ nghỉ hưu sẽ có lương hưu cao, tương lai bảo đảm hơn. Mặc dù vậy theo bà Lan hiện nay mức lương tối thiểu mới chỉ đảm bảo được mức sống tối thiểu trong điều kiện bình thường.
“Không ai lường trước được trong cuộc đời mình sẽ có những biến cố, sự kiện gì xảy ra, rất cần có khoản để dự phòng; trong khi mức lương tối thiểu hiện nay chưa tính đến những điều đó. Đấy là chưa nói tới việc, người lao động làm việc với mức lương đó khi họ còn đang có sức khỏe; sau này nhiều tuổi, năng suất lao động và thu nhập sẽ giảm đi. Vì thế, để người lao động có mức lương đủ sống, không phải đi làm thêm, có khoản tích lũy thì chúng ta cần hướng đến thực hiện mức lương tối thiểu thỏa đáng” - bà Lan nói.
Thống kê mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, so với quý I/2024, thu nhập bình quân của người lao động quý II/2024 là 7,5 triệu đồng/tháng, giảm 137 nghìn đồng. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương cho biết, thu nhập bình quân của người lao động quý II/2024 là 7,5 triệu đồng/tháng, giảm 137 nghìn đồng so với quý I/2024 và tăng 490 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2024 là 2,29%, trong đó khu vực thành thị là 2,71%; khu vực nông thôn là 2,01%. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2024 là 2,27%, không đổi so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,68%; khu vực nông thôn là 2%.
Từ con số trên theo các chuyên gia, việc tăng lương 6% cho người lao động có ý nghĩa rất lớn nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động nhất là trong bối cảnh giá sinh hoạt gia tăng. Song bài toán đặt ra là vấn đề tăng năng suất thế nào để tăng doanh thu cho DN và thu nhập cho người lao động. Chỉ khi năng suất lao động tăng, doanh thu DN tăng, đời sống của công nhân mới ổn định.
Theo bà Phạm Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, cần có động lực khuyến khích người lao động như tiền lương, tiền thưởng, điều kiện làm việc tốt để tăng năng suất lao động. Còn các yếu tố khác để tăng năng suất lao động như vốn, công nghệ, trình độ quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực... thì thuộc về phía DN. Vấn đề đặt ra là DN có sẵn sàng đầu tư đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất mới, đầu tư trí tuệ để cải tiến quy trình, cải tiến công nghệ, cải tiến sản phẩm không. Khi DN đầu tư thì phải chấp nhận giai đoạn đầu gặp khó khăn và bị giảm lợi nhuận.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tang-luong-nguoi-lao-dong-co-du-song-10284568.html