Những lưu ý sau đăng ký xét tuyển đại học

Bộ GD-ĐT nhấn mạnh thí sinh chỉ thực hiện việc nộp lệ phí trên hệ thống xét tuyển, không thực hiện trên bất kỳ kênh thanh toán nào khác

Số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học (ĐH) năm 2024 là hơn 733.000 em, chiếm 68,5% số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Năm 2023 có hơn 660.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển trên hệ thống, tương đương 65,9% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Năm 2022 ghi nhận hơn 616.000 thí sinh đăng ký tham gia xét tuyển ĐH, chiếm tỉ lệ 64,1%.

Tín hiệu tích cực

Nhận định về việc số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH tăng, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho rằng tỉ lệ thí sinh nhập nguyện vọng xét tuyển tăng so với các năm trước là kết quả của những chính sách, giải pháp và sự phối hợp toàn diện của các bên liên quan trong việc tăng cường tiếp cận đối với giáo dục ĐH trong những năm vừa qua. Đây là cơ hội lớn để tiếp tục có nguồn bổ sung vào nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao của đất nước, nhất là cho các ngành công nghệ cao, các ngành then chốt.

Trong khi đó, đánh giá về việc hơn 337.000 thí sinh thi tốt nghiệp THPT nhưng không đăng ký xét tuyển vào ĐH, các chuyên gia tuyển sinh cho rằng đó là điều hết sức bình thường, thậm chí là tín hiệu tích cực khi thí sinh đã có những định hướng cho tương lai của mình. Theo các chuyên gia giáo dục, lý do thí sinh không đăng ký xét tuyển ĐH là bởi nhiều em đã chọn con đường học nghề hoặc đi du học để phù hợp với định hướng bản thân, kinh tế gia đình.

Hiệu trưởng một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ tỉ lệ học sinh không học ĐH trong nước mà đi du học hiện nay khá cao. Tại nhiều trường THPT chuyên của Hà Nội, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT chọn học trường quốc tế hoặc du học lên tới khoảng 15%-20%.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng nếu thấy năng lực không phù hợp học ĐH mà phù hợp với học nghề hơn thì việc xác định và đăng ký học nghề ngay từ đầu cũng là một lựa chọn tốt, phù hợp với nhu cầu của xã hội. Ngoài ra, hơn 337.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển ĐH cũng có thể là nhóm thí sinh không đủ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào theo quy định của các trường ĐH.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: HỮU HƯNG

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: HỮU HƯNG

Công bố điểm chuẩn trước ngày 19-8

Theo lịch tuyển sinh, từ ngày 31-7 đến 17 giờ ngày 6-8, tất cả thí sinh sẽ nộp lệ phí nguyện vọng trực tuyến. Sau đó Bộ GD-ĐT sẽ lọc ảo trước khi trả kết quả cho các trường ĐH.

Để tránh hiện tượng quá tải, Bộ GD-ĐT chia thành 6 đợt để thí sinh các tỉnh thực hiện thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH năm 2024. Đây là quy định mới giúp bảo đảm an toàn, thuận lợi cho thí sinh trong quá trình thực hiện thanh toán trực tuyến.

Bộ GD-ĐT nhấn mạnh thí sinh chỉ thực hiện việc nộp lệ phí trên hệ thống xét tuyển, không thực hiện trên bất kỳ kênh thanh toán nào khác. Trường hợp phát sinh kênh thanh toán khác, Bộ GD-ĐT sẽ có thông báo trên hệ thống xét tuyển và các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp thí sinh không nhìn thấy nút "Thanh toán" tại giao diện đăng ký nguyện vọng xét tuyển có nghĩa là thời điểm đó không thuộc khoảng thời gian nộp lệ phí hoặc đang được tạm ẩn nhằm chống nghẽn hệ thống thanh toán.

Trong quá trình thanh toán trực tuyến, thí sinh có thể gặp tình huống tắc nghẽn hệ thống. Thí sinh không nên cố gắng truy cập lại ngay, chờ khoảng 30 phút rồi thực hiện lại. Trường hợp nhận được thông báo giao dịch thất bại, thí sinh có thể thực hiện lại trên kênh thanh toán đó hoặc chuyển sang lựa chọn kênh thanh toán khác.

Trước 17 giờ ngày 19-8, các cơ sở đào tạo thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1. Trước 17 giờ ngày 27-8, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống. Từ ngày 28-8, các trường thông báo tuyển sinh đợt bổ sung. Từ tháng 9 đến tháng 12, các trường xét tuyển các đợt tiếp theo, cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.

Dự kiến điểm chuẩn tăng ở tất cả các khối

Do phổ điểm tăng đều ở tất cả môn thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt ở các tổ hợp khối C, D, B, cộng thêm số thí sinh đăng ký xét tuyển đông nên điểm chuẩn ĐH năm nay cũng được dự báo tăng.

GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, dự báo điểm đầu vào năm nay sẽ cao hơn năm trước ở tất cả các tổ hợp và có thể chênh từ 1 - 3 điểm. Những ngành "hot", có điểm đầu vào cao, nếu chỉ tiêu như năm trước thì mức cạnh tranh sẽ lớn hơn.

Lãnh đạo Trường ĐH Hà Nội dự báo ở một số ngành "hot" như ngôn ngữ Anh, Trung, Hàn, Nhật, marketing, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện..., thí sinh phải có điểm trung bình mỗi môn từ 8,5 - 9 điểm trở lên mới có khả năng trúng tuyển. Điểm chuẩn nhiều ngành của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có thể tăng 0,25 - 0,75 điểm so với năm ngoái, trong khi các ngành mới mở cũng có mức điểm chuẩn dự kiến trên 26 điểm.

YẾN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhung-luu-y-sau-dang-ky-xet-tuyen-dai-hoc-196240731213134858.htm