Những lưu ý trong dinh dưỡng, tập luyện mùa lễ tết giúp phòng bệnh
Mùa lễ tết dễ làm thay đổi dinh dưỡng, tập luyện, sinh hoạt… khiến chúng ta có nguy cơ mắc bệnh hoặc bệnh sẵn trầm trọng thêm. Để vui tết an toàn cho sức khỏe, bạn cần lưu ý một số điểm sau.
1. Mùa lễ tết kéo theo những thay đổi bất lợi cho sức khỏe
Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh, mùa lễ tết rất nhiều thứ bị đảo lộn như: Ăn uống không điều độ, ngủ nghỉ không đúng giờ, giảm tập luyện thể chất...
Tất cả sự đảo lộn này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt càng trầm trọng hơn với những người có bệnh mạn tính như tăng huyết áp , đái tháo đường, mỡ máu, gout…
Nhiều người do ăn phải các thực phẩm mất an toàn vệ sinh khiến mắc các bệnh đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa , đầy hơi, chướng bụng… nặng có thể bị ngộ độc thực phẩm, đi ngoài, nôn…
Vì vậy để phòng các bệnh có thể mắc trong mùa lễ tết, chúng ta cần lưu ý một số điểm trong dinh dưỡng, tập luyện, sinh hoạt.
2. Những điều cần lưu ý trong dinh dưỡng, tập luyện, sinh hoạt
2.1 Về dinh dưỡng
Chú ý cân bằng dinh dưỡng bằng cách ăn các món ăn lành mạnh, hạn chế uống rượu bia, ăn mặn, ăn nhiều đạm, tăng cường rau xanh, quả chín...
Các món ăn bài thuốc nên sử dụng trong mùa lễ hội vừa tốt cho sức khỏe, hệ tiêu hóa và phù hợp với không khí lễ Tết như món: Canh ngũ vị thập cẩm, dưa góp tiêu thực, canh mộc nhĩ hạt sen...
Những ngày Tết là thời điểm dương khí trong vạn vật cũng như trong nhân thể đang từ từ hồi sinh và thăng phát nhưng tiết trời vẫn còn lạnh lẽo, hàn tà chưa hết nên vẫn dễ làm tổn thương dương khí. Bởi vậy, phép dưỡng sinh ăn uống ngày Tết phải chú ý trọng dụng các loại thực phẩm có vị cay, tính ấm, tránh dùng đồ ăn thức uống có tính lạnh để bảo vệ khí dương.
Trong đó, những thứ rau gia vị như: Hành, hẹ, tỏi, rau thơm, rau mùi, kinh giới, tia tô, gừng sống, quế, hồi... có vị cay, tính ấm nên dùng nhiều hơn vì vị cay có tác dụng phát tán, hành khí, hành huyết; tính ấm có thể tán âm hàn, trợ dương khí. Những thực phẩm có đặc tính này sẽ giúp cơ thể có đủ khả năng phòng chống hàn tà, nhưng đồng thời cũng có tác dụng kích thích và hỗ trợ cho sức đề kháng của cơ thể.
Mặt khác, phải chú ý kiêng kị hoặc ăn ít các thực phẩm có tính lạnh dễ làm hao tổn dương khí và có hại cho tỳ vị như: Cua, ốc, trai, hến, đậu xanh, giá đỗ, ngó sen... Nếu cần dùng thì phải chú ý phối hợp với các gia vị và thực phẩm khác có tính ấm nóng. Ví như món ốc hấp phải ướp nhiều hạt tiêu, lá gừng...
2.2 Về tập luyện
Duy trì chế độ vận động, tập luyện thể chất tối thiểu 30 phút mỗi ngày.
Các bài tập dưỡng sinh mùa xuân, phù hợp với điều kiện thời tiết và chế độ sinh hoạt, nhu cầu của cơ thể con người trong mùa xuân, đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho các hoạt động trong mùa lễ tết.
Ví dụ, các bài tập luyện thư giãn như ngồi xếp bằng tròn đưa cơ thể vào trạng thái yên tĩnh (cắt đứt liên lạc với xung quanh); theo dõi vào hơi thở; ra lệnh cho các cơ thả lỏng hoặc các bài tập thở như thở tự nhiên, thở sâu, thở có nín thở...
Các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt giúp lưu thông máu, nâng cao sức khỏe, phòng tránh đau nhức xương khớp do thời tiết hoặc do tuổi tác. Phương pháp tự xoa bóp giúp bổ ích phế khí ngày xuân. Cụ thể: Dùng ngón tay trỏ day các huyệt nghinh hương (điểm gặp nhau của đường ngang qua chân cánh mũi và rãnh mũi - mồm, nên cười để làm hiện rõ rãnh này mà xác định huyệt), ở cạnh hai bên cánh mũi, (mỗi bên một huyệt), ấn đường (điểm giữa đường nối hai đầu trong lông mày), thái dương và phong trì, mỗi huyệt 1 phút. Dùng ngón cái và các ngón còn lại của tay phải hoặc tay trái bóp khối cơ vùng gáy với một lực từ nhẹ đến mạnh chừng 2 phút sao cho đạt cảm giác tức mỏi...
2.3 Nền nếp sinh hoạt
Dù nếp sinh hoạt trong mùa lễ Tết có thay đổi, bạn cũng nên duy trì trong giới hạn cho phép, không nên ăn quá nhiều, lạm dụng rượu bia, ăn quá nhiều đồ bổ, béo, thức quá khuya… Vì tất cả những điều này sẽ làm cho sức khỏe nhanh chóng suy giảm, bệnh tật có nguy cơ tấn công, các bệnh tiềm ẩn có cơ bùng phát…
Cần tuân thủ các nguyên tắc dùng thuốc, duy trì nền nếp uống thuốc đúng giờ để kiểm soát tốt các bệnh mạn tính nếu có.
Duy trì giờ giấc ngủ, nghỉ, tránh ham chơi mà ngủ ít, thiếu ngủ… sẽ làm cho cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng và sinh bệnh tật.
Tóm lại, để giữ gìn sức khỏe trong mùa lễ Tết, phòng ngừa các bệnh có thể mắc phải trong thời gian này bạn cần giữ được cân bằng cho cơ thể mình và tuân thủ các nguyên tắc dưỡng sinh, ăn uống khoa học, phù hợp.