Những lưu ý trước khi làm hộ chiếu phổ thông gắn chip

Công dân đã có căn cước gắn chip và SIM điện thoại đăng ký chính chủ, thì hoàn toàn có thể nộp hồ sơ trực tuyến mà không cần đến trực tiếp cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử được Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và các địa phương triển khai thu nhận hồ sơ cấp trên toàn quốc từ ngày 1/3, theo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

So với mẫu hộ chiếu không gắn chip đã được cấp từ ngày 1/7/2022, quy trình cấp đổi mẫu có gắn chip có nhiều bước tương đồng, chỉ khác ở thủ tục thu nhận dấu vân tay đối với một số trường hợp.

Các bước làm hồ sơ trực tuyến

Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an Hà Nội cho biết đối với những công dân đã có căn cước công dân gắn chip và SIM điện thoại đăng ký chính chủ, họ hoàn toàn có thể nộp hồ sơ trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Theo đó, sau khi truy cập cổng dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ dichvucong.bocongan.gov.vn, chủ tài khoản đăng nhập, khai đầy đủ thông tin hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu theo mẫu.

Cuối cùng, công dân điền email cá nhân, tải ảnh chân dung rồi chọn hình thức nhận hộ chiếu qua bưu điện hoặc nhận trực tiếp tại cơ quan xuất nhập cảnh (nếu có nhu cầu).

Với việc nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 4, người dân có thể làm thủ tục rồi nhận hộ chiếu tại bất kỳ nơi nào với thiết bị có kết nối Internet, không cần đến trực tiếp cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

 Hộ chiếu gắn chip có cùng kích thước, giá trị sử dụng như mẫu không gắn chip. Ảnh: Hoàng Lam.

Hộ chiếu gắn chip có cùng kích thước, giá trị sử dụng như mẫu không gắn chip. Ảnh: Hoàng Lam.

Quy trình nộp hồ sơ trực tiếp

Đối với những trường hợp công dân không có điều kiện tiếp cận dịch vụ công mức độ 4 như trên (người chưa thành thạo kê khai qua thiết bị có kết nối mạng, chưa có căn cước gắn chip hoặc gặp khó trích xuất dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia, SIM điện thoại không chính chủ...), cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ họ làm hồ sơ trực tiếp.

Các bước thực hiện như sau:

1. Công dân đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để được hướng dẫn, hỗ trợ kê khai theo mẫu

2. Chụp ảnh chân dung theo mẫu quy định

3. Làm thủ tục thu nhận dấu vân tay

4. Nộp lệ phí theo quy định và nhận giấy hẹn trả kết quả

Lệ phí cấp, đổi hộ chiếu điện tử

Về lệ phí cấp đổi, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an cho biết cơ quan chức năng vẫn hỗ trợ công dân và thực hiện theo quy định tại Thông tư số 25/2021/TT-BTC ngày 7/4/2021 của Bộ Tài chính).

Theo đó, lệ phí cấp mới hộ chiếu (gồm hộ chiếu gắn chíp điện tử và hộ chiếu không gắn chíp điện tử) là 200.000 đồng mỗi trường hợp. Còn phí cấp lại do bị hỏng hoặc bị mất là 400.000 đồng mỗi lần cấp.

Ngoài các chi phí trên, công dân có nhu cầu trả kết quả tại địa chỉ đăng ký thường trú, tạm trú hoặc địa chỉ khác, thì thanh toán thêm chi phí cho đơn vị dịch vụ bưu điện, chuyển phát.

Hộ chiếu sẽ được cấp trong thời hạn 8 ngày làm việc nếu làm thủ tục tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh các địa phương, 5 ngày làm việc nếu làm hộ chiếu tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.

Những ai được làm hộ chiếu gắn chip

Theo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền được làm hộ chiếu phổ thông hoặc hộ chiếu gắn chip điện tử. Hộ chiếu có giá trị sử dụng trong 10 năm.

Đối với công dân dưới 14 tuổi, họ được làm hộ chiếu, nhưng chỉ được cấp mẫu không gắn chip do các trường hợp này chưa có căn cước công dân gắn chip.

Theo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an Hà Nội, những người đã có hộ chiếu phổ thông không gắn chip mà còn thời hạn sử dụng trên 6 tháng, thì chưa cần thiết phải làm hộ chiếu gắn chip. Cơ quan chức năng khẳng định 2 loại hộ chiếu này có giá trị sử dụng hoàn toàn như nhau.

Lấy mẫu vân tay người dân trong ngày đầu cấp hộ chiếu gắn chip Thông tin công dân được khai thác từ cơ sở dữ liệu quốc gia. Trường hợp chưa lấy được dữ liệu cá nhân, công an sẽ lấy mẫu vân tay để xác thực.

Hoàng Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-luu-y-truoc-khi-lam-ho-chieu-pho-thong-gan-chip-post1408435.html