Những lưu ý 'vàng' khi xét tuyển bổ sung, thí sinh nào cũng nên biết

Đến thời điểm này, khoảng hơn 50 trường đại học đã thông báo xét tuyển bổ sung với hàng ngàn chỉ tiêu.

Chuyên gia nói gì về xét tuyển bổ sung?

Việc xét tuyển bổ sung mang lại nhiều cơ hội cho thí sinh chưa trúng tuyển, song với thí sinh đã trúng tuyển muốn tìm thêm cơ hội ở đợt xét bổ sung, việc này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với Người Lao Động TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Tp.HCM, cho rằng việc nhiều trường ĐH vừa nhận hồ sơ xác nhận nhập học cho thí sinh trúng tuyển vừa thông báo xét tuyển bổ sung là dễ hiểu, bởi số thí sinh trúng tuyển ít hơn chỉ tiêu.

Ngoài ra, số thí sinh nhập học thực tế cũng ít hơn số trúng tuyển. Ông Nguyễn Đức Nghĩa lưu ý đợt xét tuyển bổ sung này không theo lịch trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mà do các trường quy định.

Trong khi đó Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường Đại học Công thương Tp.HCM cho hay việc nhiều trường xét tuyển bổ sung mở ra cơ hội cho thí sinh không trúng tuyển trong đợt xét tuyển vừa qua, kể cả những em trúng tuyển nhưng muốn tìm cơ hội khác tốt hơn.

Điều đáng nói cách thức đăng ký xét tuyển Đại học đã ổn định nhiều năm nay, song thực tế vẫn có những thí sinh đăng ký xét tuyển không phù hợp dẫn đến không trúng tuyển.

Nhiều cơ hội cho thí sinh chưa trúng tuyển đại học năm 2024. Ảnh minh họa.

Nhiều cơ hội cho thí sinh chưa trúng tuyển đại học năm 2024. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG Tp.HCM, cho rằng thí sinh đã trúng tuyển nhưng muốn tìm cơ hội mới ở đợt xét tuyển bổ sung cần hết sức thận trọng và tỉnh táo, tránh trường hợp từ bỏ cơ hội đã trúng tuyển nhưng không trúng tuyển ở đợt xét tuyển bổ sung.

Theo ông Thắng, nếu thí sinh đã trúng tuyển nhưng muốn thi lại vào năm sau để vào ngành/trường ưng ý hơn thì cũng nên nhập học.

Bởi lẽ, năm đầu các trường chỉ đào tạo những môn đại cương, nếu sang năm thí sinh trúng tuyển thì vẫn có thể chuyển điểm. Việc này sẽ tránh được sự lãng phí thời gian 1 năm chờ thi lại.

Cơ hội cho thí sinh chưa trúng tuyển đại học năm 2024

Hiện nhiều trường đại học thông báo xét tuyển bổ sung với số lượng chỉ tiêu rất lớn. Đây là cơ hội cho những thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1.

Theo Lao Động Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo xét tuyển bổ sung 70 chỉ tiêu, trong đó 60 ở ngành Quản trị và An ninh; 10 sinh viên ở ngành Quản trị doanh nghiệp và công nghệ.

Điểm sàn xét tuyển bổ sung bằng điểm thi tốt nghiệp THPT của trường này là 22 điểm, môn tiếng Anh đạt từ 6/10 hoặc chứng chỉ tiếng Anh tương đương IELTS 4.5 trở lên.

Lưu ý khi đăng ký xét tuyển, thí sinh đăng ký vào trường phải vượt qua vòng sơ tuyển, bao gồm đánh giá hồ sơ và bài luận; đánh giá trí tuệ thông minh cảm xúc (EQ). Thời gian nộp hồ sơ từ ngày 25/8 - 29/8.

Năm nay, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cũng thông báo xét tuyển bổ sung với mức điểm bằng điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1. Thí sinh được chọn xét bằng điểm học bạ và hoặc điểm thi tốt nghiệp.

Thời gian nhận xét hồ sơ từ nay đến hết ngày 5/9. Năm học này, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng xét tuyển bổ sung cho 34 ngành đào tạo.

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung từ 19/8 đến hết ngày 31/8. Nhà trường xét tuyển bổ sung với cả 3 phương thức: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ THPT và điểm thi đánh giá năng lực.

Trường Đại học Lạc Hồng cũng thông báo xét tuyển bổ sung cho 25 ngành đào tạo hệ đại học đến hết ngày 23/9. Trường xét tuyển bổ sung với 3 phương thức: Xét học bạ; xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét điểm thi đánh giá năng lực.

Trường Đại học Dầu khí Việt Nam thông báo xét tuyển bổ sung đợt 1 đại học hệ liên kết năm 2024 với 15 chỉ tiêu.

Ngoài phương thức xét tuyển thông thường, nhà trường còn tuyển thẳng các thí sinh là sinh viên đang theo học các ngành kỹ thuật của các trường đại học khác.

Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng thông báo xét tuyển bổ sung 130 sinh viên chương trình liên kết quốc tế ở mỗi ngành Kế toán và Tài chính; Quản trị khách sạn, sự kiện và du lịch.

Thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 72/120 và điểm trung bình học bạ 5 học kỳ (trừ kỳ II lớp 12) từ 8 trở lên được xét tuyển thẳng.

Nếu dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, trường xét thí sinh đạt 20 điểm tổ hợp 3 môn, trong đó tiếng Anh đạt 6 trở lên.

Ngoài ra, thí sinh có thể đăng ký xét học bạ nếu có điểm trung bình 5 học kỳ tối thiểu 6,5-7, riêng môn Ngoại ngữ đạt 7 (hoặc chứng chỉ tiếng Anh tương đương IELTS 5.5).

Đến thời điểm hiện tại nhiều trường Đại học khác như: Hùng Vương Tp.HCM, Ngoại ngữ - Tin học Tp.HCM, Quốc tế Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành, Hoa Sen, Hồng Bàng... cũng thông báo xét tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu.

Các cơ sở đào tạo không tuyển vượt chỉ tiêu

Theo Chính Phủ đối với các cơ sở đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu đề án tuyển sinh của các trường phải cung cấp đầy đủ, đúng cấu trúc, định dạng và bảo đảm tính xác thực của thông tin, dữ liệu tuyển sinh. Trong đó, lưu ý thông tin phải dễ hiểu, rõ ràng để thí sinh không nhầm lẫn.

Trước và trong thời gian tuyển sinh, các trường tiếp tục rà soát lại đề án tuyển sinh, thông báo tuyển sinh, bao gồm: chỉ tiêu, ngành, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển; bài thi, môn thi được nhân hệ số khi xét tuyển, mức chênh lệch điểm giữa các tổ hợp so với tổ hợp gốc, tiêu chí phụ, môn năng khiếu, điểm xét tuyển môn năng khiếu; các phương thức, điều kiện xét tuyển bổ sung.

Việc điều chỉnh đề án tuyển sinh phải bảo đảm đúng quy định và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào cơ sở đào tạo.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhung-luu-y-vang-khi-xet-tuyen-bo-sung-thi-sinh-nao-cung-nen-biet-204240826104318153.htm