Những 'mái đỏ' trong mùa Covid-19

Bình thường, có những thứ hàng hóa, vật dụng chẳng mấy ai để ý nhưng trong mùa dịch Covid-19 này lại trở nên hot một cách lạ lùng. Ấy là tôi muốn nói tới cái tông-đơ hớt tóc.

Khi thực hiện chủ trương giãn cách xã hội, không tụ tập đông người để chống dịch thì cũng đồng nghĩa với việc các hàng quán đóng cửa, các tiệm hớt tóc tạm ngừng hoạt động. Nhưng người ta có thể nghỉ hớt tóc, còn tóc thì vẫn cứ mọc mỗi ngày, nhất là với bọn trẻ con, tóc cứ như cỏ mọc mùa mưa. TP HCM chưa vào mùa mưa và người ta lúc này cũng chả mấy ai mong mưa, vì nghe đâu con virus ấy sẽ sống dai hơn trong môi trường lạnh và ẩm ướt. Thế là, bọn trẻ phải quanh quẩn trong nhà, lại tóc tai bù xù ngứa ngáy khó chịu.

Như ông bà ta từng nói: "Cái khó ló cái khôn". Trong tình cảnh tiệm hớt tóc đóng cửa và ở thành phố thì không tìm đâu ra một người cắt tóc dạo, thế là những ông cha bà mẹ lên mạng order (đặt hàng) mua tông-đơ về để tự hớt tóc cho con mình.

Một người hớt tóc dạo ở TP HCM trước đây. Ảnh: INTERNET

Một người hớt tóc dạo ở TP HCM trước đây. Ảnh: INTERNET

Đặt một chiếc ghế đẩu ngoài hiên nhà, bắt ông cu con ngồi lên đó, lấy một miếng vải làm khăn choàng... Thế là bắt đầu một buổi hớt tóc tại gia.

Với nhiều người, đó là lần đầu tiên họ cầm trên tay cái tông-đơ để cắt tóc cho con mình. Nhưng tôi nghĩ những người đang ở tuổi trung niên như chúng tôi thì ký ức về cái tông-đơ hay về chuyện hớt tóc ngày thơ bé vẫn còn đầy ắp trong tâm hồn.

Sau năm 1975, cũng như nhiều người khác, ngoài công việc đồng áng như một nông dân thứ thiệt, ba tôi còn làm thêm nhiều nghề để nuôi bầy con ăn học. Trong một lần vào Quy Nhơn mua hạt rau muống về để vừa trồng vừa bán, ba cũng mua luôn một bộ đồ nghề hớt tóc rồi mở tiệm. Ba chưa từng học cắt tóc ngày nào, nên những ngày đầu khai trương thường lấy anh em chúng tôi ra… tập dượt tay nghề. Cũng như mọi đứa trẻ khác, lần đầu tiên hớt tóc thường rất nhát, chúng tôi ngồi trên ghế mà cứ ngọ nguậy không yên, mắt lúc nhắm tịt lúc mở he hé, nghe tiếng tông-đơ rột rẹt trên đầu. Dĩ nhiên, ngày ấy không có tông-đơ điện như bây giờ, mà chỉ là tông-đơ cơ bóp tay nghe lạch xạch lạch xạch. Bàn tay người thợ hớt tóc cũng phải lả lướt điệu nghệ chứ nếu cứng đơ như cái… tông-đơ thì không thể có được những mái đầu đẹp như ý.

Ngày đó cũng không có nhiều kiểu tóc như bây giờ, mà về cơ bản chỉ có hai kiểu là "mái xanh" và "mái đỏ". Mái xanh là cắt kiểu cọ, tóc còn nhiều. Mái đỏ là hớt gọn, ủi trọc. Mái xanh thì dùng kéo nhiều. Mái đỏ thì chủ yếu dùng tông-đơ. Người tay nghề cao mới hớt được mái xanh. Người tay nghề yếu thì cứ chơi mái đỏ.

Ba tôi làm nghề hớt tóc được một thời gian ngắn thì dẹp tiệm, chuyển qua nghề mới là sửa radio cassette. Nghề này ba tôi cũng mày mò tự học chứ không qua trường lớp nào. Những ngày tháng đó, nhà tôi chỗ nào cũng lỉnh kỉnh xác đồ điện tử nhưng tôi thì chỉ mê đọc sách chứ không biết một cái linh kiện hay bo mạch nào. Sau điện tử thì ba tôi chuyển sang làm nghề thợ mộc. Với nghề thợ mộc thì tôi trở thành thợ phụ của ba. Chúng tôi làm nghề thợ mộc suốt nhiều năm ròng.

Lúc này, tuy không còn làm nghề hớt tóc nhưng ba vẫn giữ lại bộ đồ nghề. Theo trí nhớ của tôi thì đó là một bộ đồ cắt tóc của Mỹ rất xịn, cái nào cũng láng bóng rất đẹp. Thích nhất là cái ghế hớt tóc mà toàn thị trấn không ai có. Đó là chiếc ghế da có lưng tựa, có thể nâng lên hạ xuống. Cứ ngồi vào ghế rồi kéo cần lên xuống là coi như bay vào vũ trụ rồi. Hồi ấy, chiếc ghế với bộ đồ nghề hớt tóc có thể coi như cả một gia tài. Nhưng bây giờ thì ai cũng có thể dễ dàng sở hữu một bộ đồ nghề hớt tóc. Hoặc chỉ cần duy nhất cái tông-đơ để hớt cho con mình những cái đầu "mái đỏ" gọn gàng.

Những ngày này, lên mạng xem hình ảnh những người cha hớt tóc cho con, tôi lại bồi hồi nhớ những kỷ niệm ấu thơ. Và, khi ngồi viết những dòng này thì tôi cũng đã lên mạng order một cái tông-đơ về để tự cắt tóc cho hai cậu con trai của mình.

Trần Nhã Thụy

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/nhung-mai-do-trong-mua-covid-19-20200411213657853.htm