Những ''mảnh ghép' nặng tình nước Pháp

Đêm 26-7, hơn 1,5 tỷ người xem trực tuyến lễ khai mạc Olympic Paris 2024 đã gần như nín lặng trước cảnh tượng chiếc vạc giữ lửa dần cất cánh bay lên không trung và tạo thành khí cầu lớn phía trên vườn Tuileries, nơi mà vào năm 1783, anh em nhà Montgolfier người Pháp thực hiện chuyến bay đầu tiên bằng khí cầu, thỏa ước mơ của con người thời bấy giờ, đó là bay lên bầu trời.

1. Hàng trăm người người đứng trên cầu Alexandre III, theo dõi quả cầu bay lên trên dòng sông như mặt trời mọc, nhưng không có tiếng hò reo hay la hét nào. Những người xem chỉ sững sờ và kinh ngạc trong im lặng. "Cảnh tượng đó thực sự gây mê hoặc. Khí cầu đem theo ngọn lửa Olympic lên bầu trời Paris, xa xa thấp thoáng hình bóng tháp Eiffel. Đúng là một tuyệt tác”, báo Mỹ New York Times bình luận. Cả Paris như thu hết vào một cảnh tượng.

Đó là cách mà lễ khai mạc đầu tiên ngoài trời được thực hiện, vẽ nên “hồn cốt” của một kỳ thế vận hội đặc biệt, một sự kiện thể thao đậm yếu tố văn hóa nhất lịch sử mà người Pháp mang đến cho thế giới.

Điều đó thể hiện từ những chiếc huy chương, thứ mà bất cứ VĐV nào cũng mong mỏi có được trong sự nghiệp thi đấu. Chiếc huy chương của Paris 2024 không chỉ biểu trưng cho thể thao mà còn ẩn chứa một phần của nước Pháp, của Paris. Nó được chế tạo từ mảnh thép lấy từ chính cấu trúc ban đầu có từ năm 1889 của tháp Eiffel. Đó là phần thép nguyên bản được thu hồi từ mỗi lần sửa sang, trùng tu tháp Eiffel và được cất giữ trong một nhà kho bí mật ở ngoại ô Paris.

 Lễ khai mạc Olympic trên sông Seine

Lễ khai mạc Olympic trên sông Seine

Mỗi mảnh thép nặng 18g, được cán dẹt và được tạo hình 6 cạnh, biểu trưng cho hình dáng “đất nước hình lục lăng”. Xung quanh là các đường vân được thiết kế như những tia sáng tỏa ra, gợi nhắc cho những người yêu Paris nhớ đến “Kinh đô Ánh Sáng”. Chế tác huy chương là hãng thiết kế trang sức cao cấp Chaumet nổi tiếng ở Paris, thuộc tập đoàn LVMH, và được đúc tại xưởng của Monnaie de Paris, cơ quan đúc tiền quốc gia của Pháp. Hình ảnh tháp Eiffel của Pháp được đặt khéo léo vào góc bên phải của mặt sau tấm huy chương. Vậy là mặt nào của tấm huy chương cũng có biểu tượng tôn vinh Paris và nước Pháp…

2. Năm nay là lần đầu tiên trong lịch sử, lễ khai mạc Olympic diễn ra ngoài trời, trên dòng sông Seine. Để thưởng thức lễ khai mạc “có một không hai” này, nơi được xem là khán đài “vô giá” chính là ban công các căn hộ nằm trên tầng cao các tòa nhà, đặc biệt là những tòa nhà theo phong cách Haussmann, nằm dọc đôi bờ sông Seine, được xây dựng từ năm 1824.

Việc nước Pháp đưa các sự kiện thi đấu ra ngoài trời, cũng là cách Paris “hớp hồn” thế giới. Giám đốc điều hành Olympic Christophe Dubi, giải thích: “Chỉ riêng việc sự kiện diễn ra ở trung tâm thành phố đã trở nên đặc biệt và chưa có thành phố nào khác làm được điều đó. Khi bạn xem chương trình này trên TV, bạn sẽ biết nó diễn ra ở Paris”.

Lễ khai mạc sẽ đi thuyền dọc sông Seine, các VĐV bơi đường dài và ba môn phối hợp cũng sẽ thi đấu dọc theo con sông từ cây cầu Alexandre III mạ vàng phía trước Điện Invalides và Place de La Concorde, cả hai địa điểm thi đấu, qua Grand Palais, một địa điểm khác gần tháp Eiffel và công viên ở Trocadero, hai địa điểm thi đấu khác nữa. Tại trung tâm thành phố, quảng trường La Concorde rộng 19 mẫu Anh sẽ là nơi có "công viên đô thị" tổ chức các cuộc thi đương đại là trượt ván, leo núi và đạp xe BMX, với các DJ chơi nhạc và cung cấp đồ ăn chay hoàn toàn.

3. Tròn 1 thế kỷ Paris mới trở lại đăng cai, không thể không có những sắc màu của hoài niệm và người Pháp đã làm tất cả để biến điều đó trở nên sự thật. Như những tiệm sách cũ dọc bờ sông Seine, di sản sống của Paris, với vài trăm quầy sách nhỏ, màu xanh lá cây thẫm, với vẻ cũ kỹ theo năm tháng, nằm dọc 3km bờ sông Seine. Trông thì mộc mạc, nhưng các “tiệm sách sông Seine”, với hàng ngàn thùng sách, được coi là “tiệm sách ngoài trời lớn nhất thế giới” cùng với quần thể dọc bờ sông Seine, từ năm 1991 đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Sau khoảng 400 năm tồn tại và gắn bó với diện mạo Paris, nhưng suýt nữa các tiệm sách này đã “biến mất”. Cách đây 1 năm, các nhà tổ chức yêu cầu các chủ tiệm tạm thời tháo dỡ các hộp sách (khoảng 59%) để nhường chỗ cho không gian tổ chức các sự kiện. Tuy nhiên, tháo dỡ hiệu sách cũ đã vấp phải sự phản đối của các chủ tiệm.

Theo họ, là một trong những biểu tượng văn hóa của Paris, những hiệu sách cũ dọc bờ sông Seine phải được đồng hành cùng thế vận hội. Và cuối cùng, đầu năm nay, chính Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã quyết định “di sản sống” này sẽ được giữ nguyên trong thời gian diễn ra Olympic.

Có thể tưởng tượng một Paris không có khu trung tâm tài chính, thương mại, văn phòng La Défense, chứ làm sao lại có thể tưởng tượng được một Paris thiếu vắng những hiệu sách cũ. Paris mà không có tiệm sách cũ dọc bờ sông Seine thì cũng như Venise mà lại thiếu vắng thuyền gondola.

Ông lão George, người chiều nào cũng tập đi bộ phục hồi chân trên bờ sông Seine vui mừng: “Đối với tôi, các hiệu sách cũ đại diện cho Paris và tôi thấy chúng rất đẹp”. Còn ông Claude, một khách quen của sách cũ, thở phào nhẹ nhõm: “Trong thời gian diễn ra thế vận hội, du khách có thể mua các tác phẩm. Họ sẽ cảm nhận thế nào nếu chỉ thấy bờ kè sông Seine trống trải”.

CHU NGỌC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-manh-ghep-nang-tinh-nuoc-phap-post751326.html