Những mánh lới nhận hối lộ của đăng kiểm khiến Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng 'xấu hổ'
Hai cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cùng cán bộ thuộc cấp và khoảng 300 người bị bắt tạm giam trong một loạt vụ án ở nhiều trung tâm đăng kiểm là 'vết nhơ' đối với ngành giao thông vận tải.
Tại cuộc họp tổng kết năm 2022 của Cục Đăng kiểm Việt Nam diễn ra hôm 17/1, nói về những sai phạm có hệ thống, diễn ra trong thời gian dài tại đơn vị này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã phải thốt lên rằng “cảm thấy xấu hổ”.
Dù thời điểm vụ việc được phanh phui, ông mới nhận nhiệm vụ 2 tháng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin, quá trình làm việc với ban chuyên án của Bộ Công an và các địa phương cho thấy, hành vi vi phạm của đăng kiểm là nghiêm trọng với một loạt tội danh: nhận hối lộ, môi giới hối lộ, gian dối trong kiểm định, sử dụng phần mềm để thay đổi thông số kiểm định khí thải, bỏ qua vi phạm, thậm chí tiếp tay cho sai phạm.
Bộ trưởng bức xúc, nhắc đi nhắc lại về hành vi “sai phạm có hệ thống, từ trên xuống dưới, nhận tiền hối lộ để thông đồng, tiếp tay cho sai phạm”.
Trong quá trình điều tra, cơ quan công an TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành đã làm rõ hành vi đưa và nhận hối lộ ở một loạt trung tâm đăng kiểm trên cả nước, thậm chí xảy ra ngay tại Cục Đăng kiểm Việt Nam - cơ quan quản lý nhà nước cao nhất.
Theo Đại tá Trần Văn Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.HCM), với vai trò người đứng đầu cơ quan quản lý hoạt động đăng kiểm, ông Trần Kỳ Hình (Cục trưởng Cục Đăng kiểm giai đoạn tháng 4/2014 đến tháng 8/2021) và sau này là ông Đặng Việt Hà (Cục trưởng giai đoạn tháng 8/2021 đến nay) đã nhận hối lộ số tiền hàng trăm triệu đồng để ký duyệt mã số đăng kiểm và giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động, dù biết rõ các trung tâm đăng kiểm này chưa đủ điều kiện theo quy định.
Những ông này hàng tháng, hàng quý nhận tiền hối lộ của giám đốc các trung tâm đăng kiểm, khi thì nhận tiền trực tiếp hoặc thông qua trung gian là cấp dưới.
Điển hình như ông Trần Kỳ Hình khi làm cục trưởng đã nhận tiền từ các trung tâm đăng kiểm khắp các tỉnh, thành thông qua ông Trần Anh Quân (quyền Trưởng phòng Kiểm định phương tiện cơ giới).
Bên cạnh đó, các trung tâm đăng kiểm cũng phải chung chi định kỳ hàng tháng, hàng quý cho lãnh đạo, nhân viên các phòng ban, trong đó nhiều nhất là Phòng Kiểm định phương tiện cơ giới.
Còn tại các trung tâm đăng kiểm, một thứ “luật bất thành văn” để không bị gây khó dễ chủ phương tiện đều “bỏ quên” 200-300.000 đồng ở vị trí cố định trên xe; và rồi sau đó, các nhân viên, đăng kiểm viên 'đương nhiên' bỏ túi. Đó là với những xe gia đình, thường ít lỗi.
Hành vi “ăn tiền” còn xảy ra tương tự với phương tiện không tuân thủ quy định về an toàn giao thông hay ở các xe chạy dịch vụ cũng được các trung tâm đăng kiểm cho qua; tuy nhiên số tiền 'chung chi' không dừng lại 200- 300.000 đồng/phương tiện.
Minh chứng gần đây nhất, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh TT-Huế phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của công an tỉnh đã phát hiện nhiều phương tiện đăng kiểm không đảm bảo an toàn nhưng vẫn được Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tỉnh TT-Huế cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, nhiều phương tiện tham gia giao thông nhưng không tuân thủ đúng các quy định về an toàn giao thông vẫn được trung tâm này cho đăng kiểm.
Tương tự, ngày 16/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng cũng quyết định khởi tố, bắt tạm giam với 3 bị can là lãnh đạo, nhân viên Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới TP Đà Nẵng về hành vi “Nhận hối lộ”.
Theo điều tra ban đầu, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm xe cơ giới, nhân viên đăng kiểm nhận thấy có nhiều phương tiện được chủ xe thay đổi kết cấu, thiết kế so với thời điểm xuất xưởng của nhà sản xuất và không đủ điều kiện để cấp chứng nhận đăng kiểm. Tuy nhiên, để qua được đăng kiểm, chủ phương tiện hoặc người trực tiếp đưa xe đi đăng kiểm phải đưa tiền hối lộ cho nhân viên này.
Có thể thấy, hầu hết các vụ án liên quan đến đăng kiểm vừa qua đều có chung tội danh “nhận hối lộ” để bỏ qua các lỗi kỹ thuật của phương tiện giao thông đường bộ.
Nhằm “hợp thức hóa” cho các xe đủ điều kiện đăng kiểm, các cơ sở đã tung ra nhiều 'chiêu'. Như Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng từng nêu rõ: xe đến không đảm bảo yêu cầu thì cho thuê phụ tùng để đủ điều kiện kiểm định thậm chí có những trung tâm đăng kiểm còn sử dụng phần mềm để thay đổi thông số kiểm định khí thải…
Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, còn nhiều nữa các cán bộ đăng kiểm vướng vào vòng lao lý nhưng dứt khoát đã thoái hóa biến chất thì phải làm đến tận cùng.
“Nếu phải thay 100% cán bộ cũng phải làm. Hư quá rồi, không thể hư hơn được nữa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để chặn những sai phạm, Cục Đăng kiểm VN mới đây đã phát đi văn bản yêu cầu các cơ sở đăng kiểm nghiêm cấm các hành vi tự ý can thiệp trực tiếp vào phần cứng, phần mềm của thiết bị, thực hiện thao tác không đúng quy trình nhằm thay đổi kết quả kiểm định, thay đổi cơ sở dữ liệu kiểm định.
Những hành vi nghiêm cấm bao gồm: che một phần đầu đọc (mắt thần) của thiết bị kiểm tra khí thải động cơ diesel, thao tác hai lần để lấy dữ liệu về lực phanh của hai bánh xe trên cùng một trục, kiểm tra phanh chỉnh lại đồng thời tác động lên phanh đó và ngược lại, cài số lùi khi kiểm tra phanh.