'Những mảnh thủy tinh sắc nhọn': Biệt đội nữ bắn tỉa Liên Xô xinh đẹp tiêu diệt 12.000 tên phát xít
Là những nữ chiến binh, họ phải chịu đựng nhiều hiểm nguy, đạt được những thành tích không kém gì đàn ông và sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Tổ quốc.
Cô gái bắn tỉa “năng suất nhất” trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại là người đẹp Lyudmila Pavlichenko. Cuộc đời cô được lấy làm ý tưởng chính cho bộ phim “Trận chiến Sevastopol”. 309 tên phát xít bị cô tiêu diệt – một kỷ lục tuyệt đối trong số những người phụ nữ.
Lyudmila sinh ra ở Bila Tserkva, nhưng sau khi trở thành mẹ từ năm 16 tuổi, cô rời khỏi thị trấn nhỏ để tránh những lời điều tiếng. Cô theo học tại khoa lịch sử, tham gia các khóa bắn tỉa, và khi chiến tranh nổ ra, cô tình nguyện xin ra mặt trận.
Người phụ nữ trẻ tuổi, là lính bắn tỉa của Sư đoàn bộ binh Chapaev số 25, nằm phục kích trong nhiều ngày, giết chết những tên phát xít và mỗi lần như thế cô đều đánh dấu lại bằng 1 vết khắc trên báng súng.
Tháng 12/1941, Lyudmila bị thương và được người đồng đội Alexey Kitsenko đưa ra khỏi chiến trường. Và cô ấy đã yêu...
Hai người trẻ tuổi nộp đơn đăng ký kết hôn, nhưng hạnh phúc quá ngắn ngủi: tháng 3/1942, viên trung úy bị thương nặng và chết trong vòng tay vợ.
Những người đồng đội của Lyudmila kể lại rằng, sau cái chết của người chồng thân yêu, đôi tay của cô không còn cứng rắn như trước nữa. Cùng với ảnh hưởng của những vết thương cũ, Lyudmila buộc phải ngừng công việc “đi săn”. Tháng 9/1942, trong thành phần của đoàn thanh niên Liên Xô, cô đến Mỹ và để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ ở đó.
Phát biểu tại một cuộc mít tinh ở Chicago, nữ xạ thủ nói: “Tôi năm nay 25 tuổi. Trên mặt trận tôi tiêu diệt được 309 quân xâm lược phát xít. Hỡi các quý ông, các anh có nghĩ là mình nấp sau lưng tôi quá lâu rồi không?!”.
Lúc này, phe Đồng minh đang muốn mở Mặt trận thứ hai.
“Tôi giết người rồi!”
Có lẽ, chính kinh nghiệm trận mạc thành công của Lyudmila khiến giới lãnh đạo đất nước nảy ra ý tưởng rằng, các tay súng bắn tỉa nữ nên được đào tạo chuyên nghiệp. Năm 1943, Trường đào tạo bắn tỉa nữ Trung ương được mở tại khu vực Matxcơva. Chính nơi đây 1885 học viên nữ tốt nghiệp. Trong chiến tranh, họ tiêu diệt gần như cả 1 sư đoàn phát xít – 12 nghìn tên.
“Đây là một trường hợp vô tiền khoáng hậu trong lịch sử quân sự thế giới. Không có ở một quốc gia nào khác (kể cả Đức Quốc xã), phụ nữ được dạy kỹ năng bắn tỉa một cách chuyên nghiệp” - Tiến sĩ Lịch sử Viktoria Petrakova khẳng định.
“Quá trình đào tạo diễn ra trong hơn 6 tháng và chỉ những cô gái trẻ từ 18-25 tuổi có thị lực và sức khỏe hoàn hảo mới được tuyển chọn. Lúc đầu, người ta không biết mọi việc sẽ thế nào, nhưng sau dần họ nhận ra: không giống như đàn ông, phụ nữ có thể nhẹ nhàng bóp cò hơn, họ bình tĩnh, có sự kiên nhẫn và hiệu quả cao hơn.
Nhiều người nghĩ rằng một tay bắn tỉa là chỉ ngồi phục kích và chờ đợi kẻ thù xuất hiện để 'loại bỏ' hắn ta. Nhưng trong thực tế, nhiệm vụ số một là phải xác định được tầm quan trọng của mục tiêu. Một tay bắn tỉa chỉ có cơ hội trong một phát bắn, và anh ta phải chắc chắn rằng phát bắn đó không nhằm vào một đầu bếp hay một tên lính thông thường, mà phải là một viên sĩ quan hoặc chỉ huy” - chuyên gia cho biết.
“Khi bắn tên phát xít Đức đầu tiên, tôi không thể ngủ được suốt nhiều tuần. Làm thế nào bây giờ - tôi đã giết người! Tôi tự thuyết phục bản thân mình rằng, hắn ta là kẻ thù, rằng hắn ta tấn công mảnh đất quê hương chúng tôi, nhưng mỗi khi nhắm mắt lại, khuôn mặt đỏ bừng của hắn ta lại hiện ra trong tâm trí tôi... Và rồi tôi cũng hiểu ra. Tôi cảm thấy xấu hổ - những nữ đồng đội còn lại của tôi tiêu diệt được hàng chục tên, trong khi tôi chỉ vỏn vẹn 1 tên. Và tôi bắt đầu lấy việc bắn hạ những tên phát xít Đức làm mục tiêu” - cựu xạ thủ Lydia Anderman nhớ lại.
Trong các cuộc “đi săn”, các nữ xạ thủ thường đi theo cặp (1 người theo dõi mục tiêu, người còn lại ngắm bắn) vào lúc 4-5 giờ sáng. Họ đào công sự và nằm dưới nắng, dưới mưa hoặc tuyết cho đến tận đêm khuya, rồi lặng lẽ trở về đơn vị. Đối với cơ thể phụ nữ, công việc như vậy không thể không để lại hệ quả - gần 60% các cô gái sẽ mắc chứng vô kinh (không có kinh nguyệt), và sau chiến tranh, những người còn sống cũng không thể có con.
Kết cục bi thương
Ngoài súng ngắm, xẻng công binh và ống nhòm, các cô gái còn phải mang theo 2 quả lựu đạn. Một sẽ dành cho kẻ thù và một dành cho chính mình, bởi họ biết rằng Đức quốc xã đối xử rất tàn nhẫn với những tay súng bắn tỉa.
Tháng 7/1944, Đức quốc xã bắt được nữ xạ thủ 24 tuổi Tanya Baramzina. Khi những người lính Liên Xô phát hiện ra thi thể của cô, họ chỉ có thể nhận ra cô gái qua những gì còn xót lại từ tấm quân phục và mái tóc. Cơ thể cô bị đâm bằng rất nhiều nhát dao găm, ngực bị xẻ phanh, đôi mắt không còn, lưỡi lê vẫn còn găm trong bụng và một lỗ thủng lớn trên đầu: chúng bắn cô bằng súng chống tăng.
Trong số 1885 nữ học viên tốt nghiệp trường bắn tỉa, 185 người không đợi được đến Ngày Chiến thắng. Họ luôn được bảo vệ kỹ càng để không bị tấn công, nhưng đôi lúc chiếc kính ngắm lại lóe lên dưới ánh mặt trời, và thế là Đức quốc xã phát hiện và săn lùng họ.
Làm thế nào để trở lại cuộc sống bình thường?
“Những cô gái bắn tỉa phải vượt qua nỗi sợ hãi trong chiến tranh, còn khi trở về nhà, đôi khi họ lại phải đối mặt với ánh nhìn khinh miệt. Thật không may, ở hậu phương lại hình thành một thái độ đặc dị như vậy đối với các nữ binh sĩ tiền tuyến. Nhiều người còn bất công đặt cho họ cái tên là ‘những người vợ dã chiến’. Họ bối rối mỗi khi nói rằng mình từng chiến đấu, che giấu đi những phần thưởng quân sự của mình. Và chỉ 20 năm sau, khi thái độ trong xã hội bắt đầu thay đổi, họ mới bắt đầu cởi mở hơn một chút” - Tiến sĩ Viktoria Petrakova cho biết.
“Tôi thường nghĩ: làm thế nào để chúng tôi, những cô gái quân ngũ, có thể trở lại cuộc sống bình thường sau chiến tranh? Họ sẽ đón chúng tôi như thế nào? Lẽ nào lại bằng ánh mắt dò xét, dù cho trên thực tế chúng tôi đã mạo hiểm mạng sống của mình?” – nữ bắn tỉa Roza Shanina viết trong nhật ký của mình.
Roza không có cơ hội trở về từ cuộc chiến. Cô gái lấy thân mình che đạn cho người chỉ huy đơn vị, bị thương và hy sinh vào ngày 28/1/1945 trong bệnh viện. Cô tiêu diệt được 75 tên phát xít Đức. Cách ngày Chiến thắng năm 1945 chỉ còn vỏn vẹn đúng 4 tháng...
Sau chiến tranh, Lyudmila Pavlichenko trở về công tác trong Bộ Tổng tham mưu Hải quân. Bà mất năm 1974 ở tuổi 58.
Trong khi đó, Lydia Anderman trở về làm kế toán, sinh con và chăm sóc chúng. Bà qua đời ngày 1/2/2015, trước đợt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng vĩ đại đúng 3 tháng...