Những mảnh vườn Xuân

BHG - Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05 ngày 1.12.2020 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; những mảnh vườn tạp được cải tạo dường như xanh thêm trong tiết trời Xuân mới 2024.

Nghị quyết số 05 thực sự là Nghị quyết mang “ý Đảng – lòng dân”. Chủ trương phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giúp nhân dân giảm nghèo bền vững, thể hiện đúng bản chất của Đảng, Nhà nước ta là “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Chính vì vậy, ngay khi Nghị quyết số 05 được ban hành và triển khai thực hiện đã đi vào cuộc sống, tạo khí thế mới trong phát triển kinh tế hộ ở nông thôn, thay đổi tư duy lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng ở cấp ủy, chính quyền cơ sở.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra mô hình trồng Dưa lưới của người dân xã Quang Minh (Bắc Quang). Ảnh: Phi Anh

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra mô hình trồng Dưa lưới của người dân xã Quang Minh (Bắc Quang). Ảnh: Phi Anh

Minh chứng cho nhận định trên, đến nay, có gần 6.500 hộ trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cải tạo vườn tạp (CTVT). Trong đó có gần 3.000 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh để thực hiện CTVT; trên 3.500 hộ không phải hộ nghèo, cận nghèo, không được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 58 chủ động thực hiện CTVT. Tổng diện tích vườn được cải tạo trên 560 ha.

Để khuyến khích và hỗ trợ thực hiện chương trình này, tỉnh đã bố trí trên 90 tỷ đồng ngân sách qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các hộ vay và quản lý thực hiện CTVT. Huy động xã hội hóa hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân cho chương trình trên 5 tỷ đồng. Các huyện như Vị Xuyên, Bắc Quang, Yên Minh, Hoàng Su Phì tổ chức triển khai rất bài bản, linh hoạt. Riêng huyện Yên Minh đã hoàn thành mục tiêu cho cả giai đoạn, vượt chỉ tiêu tỉnh giao đạt 115,4%.

Vườn Sâm khoai xanh tốt của người dân xã Tả Lủng (Đồng Văn).

Vườn Sâm khoai xanh tốt của người dân xã Tả Lủng (Đồng Văn).

Hiệu quả lớn nhất trong thực hiện chương trình CTVT là huy động được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận của nhân dân. Với sự kiên trì, bền bỉ, người nông dân đã gặt hái được những “quả ngọt” từ những mảnh vườn của chính mình, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập cho các hộ. Theo tính toán của ngành chuyên môn, các vườn tạp sau khi cải tạo đã đem lại giá trị thu nhập cao gấp 2-3 lần so với trước đây, bình quân đạt từ 18 triệu đồng/năm trở lên. Rất nhiều mô hình cải tạo vườn tạp ở các huyện đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ngoài ra, các chủ hộ CTVT đã bước đầu thực hiện sản xuất theo tín hiệu thị trường, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Từ chương trình đã giải quyết việc làm ổn định cho gần 3.000 người. Đồng thời việc triển khai Nghị quyết đã có tác động đến tiêu chí Quy hoạch; Kinh tế và tổ chức sản xuất; Môi trường nông thôn trong xây dựng NTM, nhất là tiêu chí Thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn.

Người dân xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì) trồng Dâu tây cải tạo vườn tạp.

Người dân xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì) trồng Dâu tây cải tạo vườn tạp.

Quan điểm thực hiện CTVT theo Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là làm đến đâu chắc đến đó, không thành tích, bền bỉ, lâu dài. Dù còn một số hạn chế như: Công tác kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên, liên tục dẫn đến một số hộ sử dụng vốn vay chưa đúng mục đích; số hộ thực hiện CTVT nhiều, nhưng hiệu quả kinh tế của các vườn chưa cao; phương pháp chỉ đạo, hướng dẫn, tư vấn, định hướng thực hiện CTVT của một số địa phương ở cơ sở chưa sâu sát, thường xuyên; ý thức của một số hộ CTVT chưa cao, chưa ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Tuy nhiên, kết quả triển khai trong 3 năm qua đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp của người dân; môi trường, cảnh quan vườn hộ, chuồng chăn nuôi được cải thiện. Góp phần cải thiện môi trường sinh thái, môi trường đất sản xuất, tăng độ che phủ, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp và bảo vệ sức khỏe của người dân, phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường.

Năm 2024 – năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh. Trong khí thế Xuân mới, từ thành quả đạt được của Nghị quyết 05 trong 3 năm qua, tin tưởng rằng đây sẽ là kinh nghiệm quý báu để tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình CTVT những năm cuối nhiệm kỳ, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của tỉnh mà Nghị quyết số 05 đề ra.

Bài, ảnh: DUY TUẤN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202402/nhung-manh-vuon-xuan-8ae118b/