Những mẫu pháo giúp Hồng quân Liên Xô đánh bại phát xít Đức

Ngày 12/2/1942, Hồng quân Liên Xô đưa vào biên chế dàn pháo ZIS-3. Đây là mẫu pháo phổ biến nhất của Liên Xô trong Thế chiến II. Bên cạnh xe tăng huyền thoại T-34 và súng tiểu liên PPSh-41, ZIS-3 trở thành một trong những biểu tượng của Chiến thắng.

Pháo chống tăng cỡ nòng 76 mm, mẫu năm 1942 (ZIS-3)

ZIS-3 trở thành vũ khí phổ biến nhất của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Pháo chống tăng này được sản xuất dưới sự chỉ đạo của nhà thiết kế pháo binh Vasily Gavrilovich Grabin, lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường vào nửa cuối năm 1942.

Dàn pháo ZIS-3.

Dàn pháo ZIS-3.

Dàn pháo ZIS-3 nhẹ và cơ động, nên được sử dụng rộng rãi trong chiến đấu chống binh lính và phương tiện quân sự của địch. Thực chất, đây là pháo chống tăng đa năng, nhưng rất dễ sản xuất và sử dụng trong điều kiện đòi hỏi thời hạn rất ngắn phải vũ trang cho quân đội số lượng vũ khí lớn nhất. Tổng cộng có hơn 100.000 dàn pháo ZIS-3 được Liên Xô sản xuất – nhiều hơn tất cả các loại pháo khác trong suốt cả cuộc chiến.

Pháo phòng không tự động cỡ nòng 37 mm, mẫu năm 1939

Mẫu pháo này được dùng để tiêu diệt những mục tiêu trên không bay ở độ cao thấp. Pháo có chế độ nạp kẹp đạn 5 viên. Tuy nhiên, thời gian đầu cuộc chiến, vũ khí này thường được dùng để chống tăng.

Pháo phòng không tự động cỡ nòng 37mm, mẫu năm 1939.

Pháo phòng không tự động cỡ nòng 37mm, mẫu năm 1939.

Năm 1941, nhờ tốc độ bắn ban đầu cao, nên mẫu pháo này đã xuyên thủng vỏ thép bất kỳ xe tăng nào của Đức. Nhược điểm của vũ khí này là, nếu một trong hai lính pháo rời khỏi vị trí thì người còn lại không thể bắn một mình. Một nhược điểm nữa là không có khiên chắn bọc thép (mãi đến năm 1944 mới được lắp thêm cho pháo). Tổng cộng có ít nhất 18.000 khẩu pháo phòng không tự động cỡ nòng 37mm được Liên Xô sản xuất.

Lựu pháo ML-20

Mẫu pháo có một không hai này là sự kết hợp giữa tầm bắn xa của súng thần công và khả năng phóng hỏa lực sát mặt đất của lựu pháo. Tất cả các trận đánh, trong đó có trận Moskva, Stalingrad, Kursk, Berlin, đều có sự tham gia của loại pháo này. Trong khi đó, bất kỳ quân đội nào trên thế giới, kể cả quân đội Đức, lúc bấy giờ cũng được trang bị những dàn pháo tương tự.

Lựu pháo ML-20.

Lựu pháo ML-20.

Đáng chú ý, ML-20 trở thành mẫu pháo đầu tiên của Liên Xô khai hỏa vào lãnh thổ Đức Quốc xã. Chiều tối ngày 2/8/1944, gần 50 quả đạn pháo được bắn ra từ ML-20, nhằm vào những vị trí của quân Đức ở Đông Phổ. Lúc đó, Moskva nhận được báo cáo về những quả đạn pháo hiện đang nổ tung trên lãnh thổ Đức. Từ giữa cuộc chiến, ML-20 còn được lắp cho cả trên pháo tự hành hạng nặng SU-152 của Liên Xô, và sau đó là trên pháo tự hànhchống tăng hạng nặngISU-152. Tổng cộng có gần 6.900 khẩu pháo ML-20 thuộc các biến thể khác nhau được xuất xưởng.

Pháo chống tăng cỡ nòng 57mm, mẫu năm 1941 (ZIS-2)

ZIS-2 là một trong hai mẫu pháo chống tăng của Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Mẫu thứ hai là pháo chống tăng cỡ nòng 45mm năm 1937. ZIS-2 xuất hiện lần đầu vào năm 1941, có thể bắn xuyên thủng bất kỳ xe tăng nào của quân phát xít.

ZIS-2.

ZIS-2.

Do điều kiện khó khăn khi chuyển ngành công nghiệp sang phục vụ quân sự, nên Liên Xô đã quyết định không sản xuất mẫu pháo phức tạp về công nghệ và có giá thành đắt đỏ này. Đến năm 1943, khi quân Đức cho ra đời những xe tăng hạng nặng, thì người ra đã nhắc đến pháo chống tăng ZIS-2. Do vậy, những mẫu pháo này lại được sử dụng trên chiến trường kể từ mùa hè năm 1943 trong trận vòng cung Kursk. Thực tế sau này, chúng đã chiến thắng bất kỳ xe tăng nào của quân phát xít. Từ khoảng cách vài trăm mét, ZIS-2 có thể bắn xuyên thủng những chiếc xe tăng Tiger với lớp giáp dày 80mm của Đức.

Pháo phòng không cỡ nòng 85mm, mẫu năm 1939

Pháo phòng không cỡ nòng 85mm, mẫu năm 1939.

Pháo phòng không cỡ nòng 85mm, mẫu năm 1939.

Trong những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945), mẫu pháo này được sử dụng rộng rãi trên chiến trường, cũng như để bảo vệ các cơ sở hậu phương và nút giao thông quan trọng. Trong Thế chiến II, những khẩu pháo phòng không cỡ nòng 85mm đã tiêu diệt số máy bay địch lên tới 4.000 chiếc. Trong giao tranh, vũ khí này thường được sử dụng để chống tăng. Trước khi bắt đầu sản xuất hàng loạt pháo ZIS-3, thì đây là mẫu pháo duy nhất trên thực tế có khả năng chống xe tăng Tiger của Đức từ khoảng cách xa. Nhiều người biết đến chiến công của pháo đội dưới sự chỉ huy của thượng sĩ G.A. Shadunts. Theo đó, trong hai ngày chiến đấu tại khu vực thành phố Lobnya ngày nay thuộc tỉnh Moskva, khẩu đội này đã tiêu diệt 8 xe tăng của phát xít Đức.

Pháo hạm đa năng B-34

B-34 được dùng như pháo cao xạ tầm xa trên các tàu chiến của Liên Xô (chẳng hạn như, trên tuần dương hạm lớp Kirov). Vũ khí này được trang bị khiên chắn bọc thép, tầm bắn xa đạt 22km, trần bắn 15km.

Pháo hạm đa năng B-34.

Pháo hạm đa năng B-34.

Do pháo hạng nặng không thể khóa mục tiêu của máy bay địch khi di chuyển, nên nó được bắn dưới dạng lưới hỏa lực ở tầm xa nhất định. Loại pháo này cũng rất thích hợp để tiêu diệt những mục tiêu mặt đất. Trước khi bắt đầu Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, tổng cộng có 42 khẩu pháo loại này được Liên Xô sản xuất. Do việc sản xuất tập trung ở Leningrad (nay là Saint-Petersburg), thành phố khi đó bị phong tỏa, nên những tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương đang được đóng buộc phải trang bị không phải mẫu pháo cỡ nòng 100mm, mà là cỡ nòng 85mm như pháo tầm xa.

Pháo chống tăng cỡ nòng 45mm, mẫu năm 1937

Đây là mẫu pháo chống tăng chủ lực của Hồng quân Liên Xô vào đầu cuộc chiến và có khả năng tiêu diệt bất kỳ phương tiện quân sự nào của Đức Quốc xã.

Pháo chống tăng cỡ nòng 45mm, mẫu năm 1937.

Pháo chống tăng cỡ nòng 45mm, mẫu năm 1937.

Từ năm 1942, biến thể mới là pháo chống tăng cỡ nòng 45mm năm 1942 với nòng kéo dài được đưa vào biên chế cho Hồng quân. Từ giữa cuộc chiến, khi địch bắt đầu sử dụng xe tăng có lớp giáp bảo vệ dày, thì mục tiêu chính của mẫu pháo này là các phương tiện vận tải và pháo tự hành, cũng như những hỏa điểm của đối phương. Dựa vào mẫu pháo chống tăng cỡ nòng 45mm, Liên Xô đã cho ra đời thêm pháo hạm bán tự động 45mm 21-K. Tuy nhiên, 21-K hoạt động kém hiệu quả do tốc độ bắn thấp và không có thước ngắm chuyên dụng. Chính vì vậy, mẫu pháo 21-К đã được thay thế bằng pháo tự động, chuyển sang tăng cường cho những trận địa mặt đất như là pháo dã chiến và pháo chống tăng.

Theo Quốc Khánh/Quân đội nhân dân

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/nhung-mau-phao-giup-hong-quan-lien-xo-danh-bai-phat-xit-duc/20210626091240655