Những mệnh đề tư tưởng, triết lý nhân sinh trong 'Chạm vào hạnh phúc'

Khi yêu tuổi nào cũng dại nhưng hạnh phúc trong sự cô đơn còn hơn chấp nhận một tình yêu mới,.. là một trong những tư tưởng được khắc họa rõ nét trong bộ phim Chạm vào hạnh phúc.

Trong phim "Chạm vào hạnh phúc" Bà Nhàn đợi ông Sắn cả một đời cho dù ông ấy đã có vợ, với bà chỉ cần ở gần nhà nhau, thỉnh thoảng nhìn thấy nhau là hạnh phúc rồi.

Cảnh trong phim

Cảnh trong phim

Bà Nhàn được ông Thắng (vợ ông mất) đem lòng thương mến, nhưng tình yêu Bà Nhàn với ông Sắn là một tình yêu vĩnh cửu, không bao giờ thay đổi, đó là quan điểm sống của bà trong tình yêu, đến mức Bà Lụa (mẹ Bà Nhàn) ngán ngẩm phải thốt lên "khi yêu tuổi nào cũng dại".

Tính bản thiện trong lương tri của người thần kinh

Qua hành động của nhân vật Bầu, một người thần kinh, chúng ta nhận thấy rằng tính bản thiện tồn tại trong mỗi con người từ khi chúng ra đời. Dù bị bỏ đói, đối mặt với cái chết nhưng giữa bản năng sinh tồn và sự thức tỉnh lương tri, Bầu đã lựa chọn sự nhân ái, không làm hại đến sinh linh nhỏ bé.

Cảnh trong phim

Cảnh trong phim

Bản tính lương thiện của con người không phụ thuộc vào nghề nghiệp, vị trí xã hội hay tình trạng tâm trí, mà nó nằm trong sâu thẳm trái tim. Bộ phim đề cao "sự thức tỉnh đẹp đẽ" làm cho khán giả có niềm tin vào thế giới hạnh phúc, cảm thông và đưa thị hiếu thẩm mỹ khán giả lên tầm cao mới.

Nhân sinh quá thuận buồm xuôi gió cũng không phải là tốt, con người chỉ có trải qua nhiều khó khăn, chống chọi nghịch cảnh, mới có thể có được tính cách không màng thiệt hơn và dũng khí bền bỉ kiên định.

Bà Thắm trong phim

Bà Thắm trong phim

"Chai lì" với sự đau khổ, bà Thắm hiện lên trong tác phẩm giàu đức hi sinh; vì hoàn cảnh gia đình sẵn sàng dứt áo ra đi, vì hạnh phúc của người chồng sẵn sàng nhường nhịn, vì chồng con, vì ân nhân, sẵn sàng nói dối, đó là "sự nói dối hoàn hảo" trong con mắt của những người xung quanh. Bà Thắm là hiện thân của cái đẹp phụ nữ nông thôn, của phụ nữ Việt Nam. Truyền tải tới "nhận thức khán giả" một "cái vỗ vai nhắc nhở" về đạo hiếu và sự ghi nhận trong tâm khảm thế hệ trẻ đối với bậc sinh thành.

Không để tuổi già cô đơn

Cảnh trong phim

Cảnh trong phim

Hình ảnh ông Sắn ốm đau bệnh tật không người thân ở bên chăm sóc, màn đêm xuống, ông ngẫm về cuộc đời và làm bạn với rượu. Cô đơn, bệnh tật và sự cả nghĩ của tuổi già sẽ như ngọn đèn trước gió. Hình ảnh ông Sắn cô đơn ngồi trong bếp nơi chứng kiến biết bao kỷ niệm êm đẹp, ông đột quỵ và chết đi trong sự cô đơn, chết đi trong sự ám ảnh của khán giả để những người con quan tâm hơn và đừng để "khoảng trống cô đơn" khi cha mẹ về già.

Người muốn chết chưa chắc chết được, người muốn sống chưa chắc sống được

Cảnh trong phim

Cảnh trong phim

Câu nói này thể hiện tính sắp đặt của tạo hóa với một kiếp người. "Sinh hữu hạn, tử bất kỳ" là một chân lý. Bà Thắm đã muốn quyên sinh nhiều lần nhưng tạo hóa muốn bà phải sống và việc đó ngược lại với ông Sắn. Mộ ông nằm giữa ngã ba khu đồi chè, những ngã rẽ mà ngay cả lúc sống vẫn còn chơi vơi…

Cho đi là hạnh phúc

Cảnh trong phim

Cảnh trong phim

"Bà Nhàn và bà Thắm trong bộ phim "Chạm vào hạnh phúc" là những ví dụ như vậy vì sự cho đi, họ hi sinh tất cả, đổi cả sinh mạng để mong người khác bình an. Gia đình ông Phong là sự nhân ái hoàn hảo, ông cho đi cả vật chất lẫn tinh thần ẩn dấu trong một còn người xù xì hình thức nhưng đẹp đẽ về nhân cách.

Thùy Trang

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/nhung-menh-de-tu-tuong-triet-ly-nhan-sinh-trong-cham-vao-hanh-phuc-20230910082540588.htm