Những miền nhớ mang màu nắng

Tôi thường có những chuyến đi ngắn vào cuối Chạp, đến với thành phố khác nơi tôi sinh sống. Dường như mùa xuân đến với tôi theo cách riêng...

10 năm trước, ngày 30 tết, tôi cùng các đồng nghiệp bên truyền hình vào Nha Trang, kết nối không khí đón tết ở thành phố biển xinh đẹp này với các vùng miền trên dải đất hình chữ S. Nhân vật chính tại điểm cầu Khánh Hòa năm đó rất đặc biệt: Cựu hoàng tử Vĩnh San Joseph - con trai vua Duy Tân và vợ ông - bà Marguerite Lebreton, một phụ nữ Pháp đã tràn ngập tình yêu đất Việt quê chồng.

Minh họa: HƯNG DŨNG

Minh họa: HƯNG DŨNG

Tôi nhớ, căn nhà xinh xắn mà vợ chồng cựu hoàng tử thuê êm đềm bên sông ở phường Ngọc Hiệp. Ông bà không nói được tiếng Việt, còn ê kíp chúng tôi chẳng ai biết tiếng Pháp ngoài hai tiếng “bonjour” và “merci” nên cần có người phiên dịch. Cựu hoàng tử Vĩnh San Joseph chào đời tại La Réunion - một hòn đảo trên Ấn Độ Dương, nơi nhà vua yêu nước Duy Tân và cha ngài - vua Thành Thái - bị lưu đày. Năm 18 tuổi, cựu hoàng tử đến Madagascar, làm việc ở đó trong 10 năm rồi chuyển sang Pháp. Sau khi ông nghỉ hưu, tiếng gọi của cội nguồn càng trở nên mãnh liệt, ông trở về Việt Nam cùng người bạn đời của mình. Tuy gặp khó khăn trong giao tiếp song họ thấy vui khi có những người láng giềng thân thiện. Bà Marguerite Lebreton tiết lộ rằng bà biết làm một vài món ăn Việt, dù không thể gọi tên chúng bằng tiếng Việt một cách chính xác.

Buổi ghi hình diễn ra suôn sẻ trong ngôi nhà màu trắng nhỏ xinh bên dòng sông. Vợ chồng cựu hoàng tử vui vẻ chia sẻ những cảm xúc của họ về mùa xuân thứ năm trên đất Việt. Ông Vĩnh San Joseph và vợ cười rất tươi trước ống kính.

Đêm hôm đó, tôi có một đoạn dẫn trực tiếp trên đường Trần Phú, nói về không khí đón năm mới ở Nha Trang, sau đó sẽ phỏng vấn người dân và du khách. Thường thì tôi tự make up mỗi khi ghi hình ở hiện trường, chỉ khi làm MC những chương trình nghệ thuật tôi mới đến tiệm trang điểm. Nhưng đây là cầu truyền hình trong đêm giao thừa - thời khắc thiêng liêng, và tôi có một mong muốn chính đáng là trở nên xinh đẹp trên sóng truyền hình trực tiếp, nên tìm đến một tiệm trang điểm vẫn còn mở cửa. Dù đã cẩn thận dặn rằng trang điểm nhẹ nhàng như vầy như vầy nhưng sau một tiếng đồng hồ được bôi bôi vẽ vẽ, tôi nhìn vào gương thì thấy mình trông giống… cô dâu hơn là người dẫn chương trình. Không còn thời gian để làm lại, tôi chỉ có thể chỉnh sửa đôi chỗ cho bớt “đậm đà”. Thôi thì… rút kinh nghiệm sâu sắc vậy!

Cầu truyền hình kết thúc khi năm mới gõ cửa mọi nhà. Đứng trên đường Trần Phú, tôi cảm nhận hơi thở của xuân trong không gian, tiếng của mùa xuân hòa trong tiếng biển. Chúng tôi tuy mệt nhưng lòng ngập tràn xuân. Thu dọn máy móc, cả nhóm lên đường về Tuy Hòa. Ngồi trên xe, ký ức run run ùa về. Tôi nhớ má.

Đó là cái tết thứ hai má tôi rời cõi tạm. Nếu má còn sống, chắc chắn má đã háo hức ngồi trước màn hình TV, xem cầu truyền hình từ đầu đến cuối. Sau khi chương trình kết thúc, chắc chắn má đã gọi điện, hỏi con có mệt không, có đói bụng không…

Nhớ thời sinh viên, khi mới bắt đầu làm người dẫn chương trình, tôi chưa để ý gì đến trang phục. Tôi có hai bộ áo dài, màu trắng và màu thiên thanh. Bộ màu trắng tôi đã hăng hái mặc trong những năm học cấp ba, dù ngày đó Trường Lương Văn Chánh không quy định nữ sinh mặc áo dài và ai nấy đều mặc quần xanh áo trắng đi học. Bộ áo dài màu thiên thanh còn mới, tôi rất thích sự trang nhã của nó nên mặc lên sân khấu. Sáng chủ nhật hôm đó, tôi dẫn chương trình một hội thi tại Nhà văn hóa Diên Hồng. Khi hội thi kết thúc, khán giả tục lục ra về, tôi đến bên khán giả đặc biệt đang đợi. Hình như má không vui. Đến lúc tôi dắt chiếc Chaly đèn tròn màu trắng ra khỏi khu vực để xe, má nói: “Chiều nay hai mẹ con mình đi mua vải nghen”. “Mua vải làm gì hở má?”. “May áo dài cho con. Hồi nãy con nhỏ ngồi gần má nói với bạn nó: “Bà” này có bộ áo dài mặc miết!”. Nghe má kể, tôi bật cười. Đúng là tôi đã mặc bộ áo dài màu thiên thanh trong mấy chương trình liên tiếp, diễn ra khá gần nhau. Chiều hôm đó má dẫn tôi đi chọn vải may hai bộ áo dài mới. Hồi ấy, thu nhập của ba má chỉ đủ trang trải và lo cho hai chị em tôi ăn học.

Má là khán giả vô cùng đặc biệt của tôi. Má không bỏ sót chương trình nào có tôi tham gia và luôn thấy con mình xinh cho dù tôi không xinh, luôn thấy con mình dẫn hay cho dù đôi khi tôi nói vấp, xử lý tình huống chưa tốt. Ba má yêu thương chúng tôi vô điều kiện. Nếu má còn sống, giờ này… Tim tôi thắt lại. Tôi nhớ má từng dặn “Đầu năm mà khóc là cả năm sẽ không vui” nhưng nước mắt vẫn cứ trào ra.

*

Bao năm tháng đã trôi qua, chị em tôi không còn má rồi không còn ba bên cạnh. Những ngày cuối năm, giữa bộn bề công việc, tôi nhớ má, nhớ ba, nhớ bà ngoại, bà nội, cậu tôi và anh hai. Tôi thấm thía sự mất mát của mình. “Đời người như gió qua”. Vậy thì bận lòng làm chi những lợi danh hư ảo.

Tôi thường có những chuyến đi ngắn vào cuối Chạp, đến với thành phố khác nơi tôi sinh sống. Dường như mùa xuân đến với tôi theo cách riêng. Và tôi trở về trên một chuyến xe rộn rịp không khí tết, sắc xuân rực rỡ hai bên đường, lòng như nắng…

PHƯƠNG TRÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/252131/nhung-mien-nho-mang-mau-nang.html