Những miền quê đáng sống
Chuyện sống 'xanh' ở Tuyên Quang lan tỏa từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống. Ví như hoạt động thu gom rác thải nhựa, nhỏ nhặt thôi nhưng ý nghĩa vô cùng lớn lao, giống như 'có một cây là có rừng, và rừng sẽ lên xanh'. Cứ thế, người dân xứ Tuyên xây dựng mỗi bản làng thành những miền quê đáng sống.
Du lịch “xanh”
Trong chuyến du lịch vùng cao, một nhóm bạn trẻ Hà Thành đã làm clip về không gian homestay ở Lâm Bình. Rất tự nhiên, trong những mâm cơm hay những bức hình trải nghiệm ta đều nhận ra những đồ dùng thân thiện với môi trường. Đó là chiếc bát, đôi đũa, cốc uống nước, thìa, dĩa được làm bằng tre nứa vô cùng tao nhã. Rộng hơn là cả bộ bàn ghế hay những căn nhà nhỏ để tắm lá thuốc cũng dựng lên bằng tre nứa. Rất độc đáo, gây ấn tượng mạnh.
Rõ là, đồ nhựa dẫu có tiện lợi nhưng không còn là sự lựa chọn của người dân vùng cao nữa. Nhất là ở khu du lịch, rác thải nhựa giảm thiểu từ thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Chia sẻ về ý tưởng này, chị Đặng Thị Vân Anh, chủ homestay A Phủ, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) bảo rằng: mỗi vùng quê đều có những đặc trưng riêng. Nét riêng ấy làm nên bản sắc của mỗi làng du lịch cộng đồng. Và đưa các sản phẩm bằng tre, nứa, giang, mây trong căn nhà homestay là một cách tạo ra sự khác biệt.
Chị Nguyễn Thị Tuyền, ở Kinh Môn (Hải Dương) cùng gia đình nghỉ tại homestay A Phủ chia sẻ: Đúng là có đến mới thấy, homestay nơi này hơn cả những gì quảng bá, giới thiệu trên mạng xã hội. Bởi, chỉ khi mắt thấy, tay sờ rồi nếm thử mới cảm nhận hết dư vị của núi rừng. Nó gợi cho chúng ta một ký ức đậm sâu về miền quê nông thôn mới gắn với tre, nứa xanh mướt một màu.
Bản hòa tấu của tre, nứa
Đồ dùng bằng tre nứa lên ngôi, ắt đồ nhựa sẽ giảm thiểu. Chị Ma Thị Thoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) khẳng định vậy. Chị bảo, giờ chị em trong xã đều dùng làn mây đi chợ. Các đồ vật trang trí trong nhà như lọ hoa, giỏ đựng đồ mỹ phẩm, cơi trầu của các bà, các mẹ... đều làm bằng mây, giang, tre, nứa.
Đến nay, đồ dùng thân thiện với môi trường không chỉ thay thế sản phẩm nhựa mà còn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Tại hội chợ Thương mại và Du lịch Tuyên Quang năm 2020, gian hàng bày bán các sản phẩm bằng tre nứa luôn đông khách tham quan. Thật bất ngờ khi những di tích, địa danh lịch sử của mảnh đất chiến khu xưa được khắc họa đậm nét trên những chiếc cốc, chiếc đĩa bằng tre nứa. Chia sẻ về ý tưởng độc đáo này, cô gái trẻ Trịnh Thị Thảo, Giám đốc HTX mây tre đan Nhật Minh, thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) nói với giọng đầy tự hào: Thông qua những sản phẩm này, em muốn giới thiệu với du khách rằng, xứ Tuyên không chỉ có những sản phẩm thân thiện với môi trường mà mảnh đất này vinh dự được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến. Ở đó, có những địa danh đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc như lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Hồng Thái, đình Tân Trào... Rồi Thảo khẳng định: Du lịch lịch sử, sinh thái đang là xu hướng được ưa chuộng. Trong khi Tuyên Quang hội tụ cả hai điều này. Người làm du lịch như em phải nắm lấy để hút khách.
Sống “xanh”
Chuyện sống “xanh” ở vùng cao không chỉ là việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế đồ nhựa mà còn là chuyện làm sao để những đồ nhựa ấy trở nên hữu ích.
Ví như phụ nữ ở xã Sơn Phú (Na Hang), xuất phát từ thực tế nghèo khó họ đã thu gom những vỏ chai nhựa bán lấy tiền mua khẩu trang. “Một công đôi việc, không những môi trường sạch đẹp mà người dân lại có khẩu trang đeo trong mùa dịch” - chị Bàn Thị Khé, Chủ tịch Hội LHPN xã nói ngắn gọn về phong trào đổi rác lấy khẩu trang của xã mình như vậy. Chị bảo, bà con hiểu, mỗi chiếc vỏ chai nhựa họ thu nhặt trên đường đi lên nương, làm rẫy hay đi chợ, đưa con, cháu đi học... chính là một cách họ tiết kiệm tiền mua khẩu trang. Những con đường làng, trường học, nhà văn hóa, chợ, nương lúa, đồi chè... nhờ vậy thêm sạch đẹp bởi rác thải được thu gom hàng ngày.
Dẫn chúng tôi tham quan đồi chè Shan tuyết rộng hơn 2 ha, anh Đặng Văn Dấu, thôn Phia Chang, xã Sơn Phú tự hào nói: Chè ở đây là chè sạch. Sạch từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái. Và tất nhiên đồi chè cũng phải sạch. Chai nước mang đi uống, túi nilon đựng thức ăn bà con cũng thu gom lại, mang về bán. Với bà con dân tộc, cứ cái gì thiết thực là họ làm.
Thiết thực. Đó là thước đo hiệu quả của phong trào thu gom rác thải nhựa ở Tuyên Quang. Năm 2021, thành phố Tuyên Quang được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại II. Chính việc nâng cao ý thức của người dân trong giữ gìn và bảo vệ môi trường đã góp phần giúp cho thành phố Tuyên Quang đạt được tiêu chí về môi trường, một trong những tiêu chí quan trọng để thành phố trở thành đô thị loại II.
Hoạt động thu gom rác thải của thành phố được minh chứng bằng con số khổng lồ: Đã có 100 hộ trên địa bàn xã, phường đầu tư xây 100 bể ủ rác hữu cơ. Trên 22 nghìn đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân thu gom trên 86 tấn rác thải, trong đó, có trên 5 tấn rác thải nhựa. Tỷ lệ chất thải nguy hại, chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn thông thường được thu gom và xử lý đạt 95,5%.
Những miền quê đáng sống đang nảy nở trong chính những việc làm bình dị của người dân xứ Tuyên - việc thu gom rác thải. Sạch nhà, sạch ngõ, sạch cả làng quê. Đó là cách làm hiệu quả mà người dân đã và đang thực hiện để xây nên bức tranh quê hương thêm tươi đẹp qua mỗi mùa xuân.