Những mô hình bảo vệ an toàn vụ mùa cho nông dân Tây Nguyên

Hàng năm, cứ đến mùa thu hoạch cà phê, bà con nông dân các dân tộc thiểu số khu vực miền Trung và Tây Nguyên lại phải gồng mình đối phó với tình trạng trộm cắp cà phê. Năm nay, cây cà phê vừa được mùa lại được giá, vì vậy, nạn 'nông tặc' càng gia tăng, lộng hành. Nhằm bảo vệ tài sản cho bà con nông dân, đồng thời góp phần mang lại một vụ mùa thắng lợi, chính quyền các địa phương và các lực lượng chức năng đang triển khai nhiều giải pháp thiết thực để ngăn chặn nạn trộm cắp cà phê.

Nông dân Tây Nguyên thu hoạch cà phê. Ảnh: Quốc Phong

Nông dân Tây Nguyên thu hoạch cà phê. Ảnh: Quốc Phong

Một trăm lẻ một kiểu trộm cắp

Lợi dụng phần lớn diện tích trồng cà phê nằm cách xa khu dân cư, hoặc có dân cư sinh sống nhưng thưa thớt, việc trông coi thường gặp khó khăn, nhất là vào vụ thu hoạch vụ mùa nên các đối tượng xấu đã nảy sinh ý định trộm cắp cà phê của người dân trên địa bàn để đem đi bán lấy tiền tiêu xài. Đơn cử, do nghiện ma túy nên khi “đói thuốc”, đối tượng Ngô Văn Bảng (35 tuổi, trú tại xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) đã nảy ra “sáng kiến” dùng xe máy đi hái trộm cà phê của người dân đem bán kiếm tiền để mua ma túy.

Chiều ngày 6/11, Bảng chạy xe máy đến khu vực rẫy cà phê của người dân ở thôn 8, xã Thuận Hà. Sau khi quan sát thấy không có người trông coi, hắn dừng xe rồi lẻn vào giữa rẫy cà phê hái trộm được 4 bao quả cà phê tươi (tổng trọng lượng 211kg) rồi chở đến bán cho một đại lý trên địa bàn.

Tuy nhiên, hành vi phạm pháp của hắn đã bị người dân trong khu vực phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Nhận được tin báo của người dân trong xã, Công an xã Thuận Hà đã nhanh chóng xác minh và đưa Ngô Văn Bảng về trụ sở để làm việc. Tại cơ quan điều tra, Bảng đã cúi đầu, thừa nhận hành vi trộm cắp của mình.

Sau khi củng cố hồ sơ ban đầu, ngày 8/11, Công an xã Thuận Hà đã bàn giao đối tượng Ngô Văn Bảng cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk Song tiếp tục điều tra, xử lý về hành vi “Trộm cắp tài sản”. Được biết, Bảng có 2 tiền án về tội "Đánh bạc” và “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Hay mới đây nhất, một chủ vườn cà phê ở làng Bông Lar, xã Ia Băng, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai thuê đối tượng Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1994, trú tại xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) trông coi và thu hái 6ha cà phê. Tuy nhiên, lợi dụng việc chủ vườn không kiểm tra vào ban đêm, Đức đã nảy sinh ý định trộm cắp cà phê để mang đi bán kiếm tiền tiêu xài. Đức rủ em ruột là Nguyễn Văn Hiệp (sinh năm 1996) đến hái trộm cà phê đem giấu rồi chở đi bán. Thấy mất nhiều cà phê trái nên chủ vườn báo cơ quan Công an điều tra.

Qua theo dõi, ngày 28/11, Công an huyện Đắk Đoa đã bắt giữ 2 anh em Đức, Hiệp về hành vi hái trộm cà phê của chủ vườn. Bước đầu, Đức và Hiệp khai nhận, từ ngày 24 đến 26/11, 2 anh em đã hái trộm và đem bán tổng cộng gần nửa tấn cà phê. Ngày 2/12, Công an huyện Đắk Đoa đang tạm giữ 2 đối tượng Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Văn Hiệp để điều tra về hành vi “Trộm cắp tài sản”.

Hiệu quả từ những mô hình “bảo vệ vụ mùa”

Địa bàn xã biên giới Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, người dân trên địa bàn xã chủ yếu sản xuất cà phê, hồ tiêu. Những ngày này, cùng với các địa phương khác ở Tây Nguyên, vùng biên giới Thuận Hạnh đang rộn ràng vào mùa thu hoạch cà phê.

Cán bộ Đồn Biên phòng Đắc Song phối hợp với các thành viên Tổ bảo vệ an ninh trật tự tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho bà con. Ảnh: Quốc Phong

Cán bộ Đồn Biên phòng Đắc Song phối hợp với các thành viên Tổ bảo vệ an ninh trật tự tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho bà con. Ảnh: Quốc Phong

Ông Đỗ Văn Vịnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thuận Hạnh cho biết, vùng biên Thuận Hạnh là vựa hồ tiêu, sầu riêng và cà phê của tỉnh Đắk Nông. Còn khoảng hơn một tháng nữa mới bước vào chính vụ, nhưng hiện nay, tại một số nơi đã xảy ra tình trạng mất trộm cà phê. Mặc dù gây thiệt hại chưa lớn, nhưng đó là dấu hiệu của một mùa cà phê phức tạp về nạn trộm cắp khi giá loại nông sản này đang tăng cao, cần phải có giải pháp đồng bộ, ngăn chặn kịp thời.

Xác định tình hình an ninh trật tự trong mùa thu hoạch nông sản sẽ có những diễn biến phức tạp, có nguy cơ làm gia tăng các loại tội phạm, nên ngay từ đầu niên vụ cà phê năm 2024, Đảng ủy, UBND xã Thuận Hạnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự mùa vụ thu hoạch cà phê cho bà con nhân dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn khu vực biên giới. Chính quyền xã đã chủ động phối hợp với Đồn Biên phòng Đắc Song (BĐBP Đắk Nông) và Công an xã thành lập 11 Tổ bảo vệ an ninh trật tự ở các thôn, buôn, đồng thời, chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ tài sản cho nhân dân trên mạng xã hội, loa phát thanh cơ sở, lồng ghép tuyên truyền bằng bản tin đến tận thôn, buôn; phối hợp với Đoàn thanh niên, dân quân tự vệ xã tăng cường tuần tra, kiểm soát ở các lô, rẫy cà phê.

Bên cạnh đó, lực lượng của Đồn Biên phòng Đắc Song và Công an xã còn tổ chức rà soát các hộ thu mua cà phê trên địa bàn xã và yêu cầu họ ký cam kết không mua cà phê xanh, cà phê do các đối tượng lạ mặt nghi trộm cắp mang đến bán. Đồng thời, hướng dẫn người dân đăng ký tạm trú, tạm vắng cho nhân công đến thu hái cà phê... Nhờ vậy mà trong những năm qua, trên địa bàn xã không còn xảy ra tình trạng mất trộm cà phê. Cũng nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn mà từ đầu niên vụ thu hoạch nông sản đến nay, lực lượng Công an cơ sở và Tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đã phối hợp với người dân phát hiện, bắt, xử lý 2 vụ trộm cắp quả cà phê và 1 vụ trộm cắp quả cau tươi.

Tương tự như xã Thuận Hạnh, xã Cư Dliê M'nông của huyện Cư M'gar là vùng chuyên canh cà phê lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk. Toàn xã có hơn 4.270ha trồng cà phê. Trong đó, phần lớn diện tích cà phê nằm cách xa khu dân cư, hoặc có dân cư sinh sống nhưng thưa thớt, việc trông coi thường gặp khó khăn, nhất là vào vụ thu hoạch. Đặc biệt, sau khi thu hoạch xong, bà con thường phơi, để cà phê ở sân bóng, chòi rẫy mà không có người trông coi. Chính vì vậy, những năm trước, các đối tượng lợi dụng sơ hở để thực hiện hành vi trộm cắp. Bên cạnh đó, do địa bàn có diện tích cà phê lớn, vào mùa vụ cần khoảng 1.000 nhân công từ các địa phương khác đến thu hoạch, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Trước tình hình đó, Công an xã Cư Dliê M'nông đã phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng bảo vệ của các công ty cà phê trên địa bàn thành lập 35 Chốt bảo vệ vụ mùa, kiểm soát người và phương tiện trên các tuyến đường chủ chốt. Mỗi chốt gồm 1 công an chính quy, 1 công an viên và 1 dân quân xã. Mỗi người luân phiên túc trực 24/24 giờ tại chốt, hai người còn lại thì đi tuần tra. UBND xã cũng đã triển khai mô hình "Camera an ninh" với 50 mắt camera được lắp đặt tại các tuyến đường huyết mạch, vị trí ngã ba đường, khu vực giáp ranh và những nơi có nhiều rẫy cà phê. Công an xã cung cấp số điện thoại đường dây nóng và trang mạng xã hội của đơn vị để người dân kịp thời phản ánh thông tin về an ninh trật tự.

Cùng với đó, Công an xã Cư Dliê M'nông vận động nhân dân thành lập các Tổ an ninh trật tự, hỗ trợ nhau bảo vệ mùa màng, tài sản; phối hợp tuần tra, kiểm soát tại các khu vực nương rẫy, lô cà phê... Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp từ đầu mùa thu hoạch, năm nay, địa bàn xã chưa xảy ra vụ việc mất trộm cà phê. Công tác kiểm tra tạm trú, tạm vắng, nhân thân của các nhân công được chú trọng. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cơ bản ổn định.

Mô hình “Tổ bảo vệ an ninh trật tự” và "Chốt bảo vệ mùa vụ" không chỉ bảo vệ an toàn vụ mùa cho nông dân, mà còn chủ động đấu tranh hiệu quả với tội phạm trộm cắp tài sản và các loại tội phạm khác mỗi khi vào vụ thu hoạch nông sản nói chung, cà phê nói riêng.

Quốc Phong

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-mo-hinh-bao-ve-an-toan-vu-mua-cho-nong-dan-tay-nguyen-post484629.html