Những mô hình 'Dân vận khéo' trong phát triển kinh tế

Phong trào 'Dân vận khéo' trên địa bàn các huyện miền núi trong tỉnh đã và đang được triển khai sâu rộng, qua đó xuất hiện nhiều mô hình, điển hình 'Dân vận khéo' trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc) họp, bàn và triển khai một số nội dung phong trào “Dân vận khéo”.

Tại huyện Thường Xuân, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bằng việc đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc đẩy mạnh “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế. Điển hình như xã Thọ Thanh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân được thuê, thầu đất, đưa các loại cây trồng có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế vào sản xuất theo hướng hàng hóa. Từ đó, đã tạo ra sức lan tỏa để người nông dân trong xã thay đổi tập quán, tư duy sản xuất nông nghiệp từ manh mún, đến việc tích tụ ruộng đất, đầu tư khoa học - kỹ thuật. Đến nay, trên địa bàn xã Thọ Thanh đã xây dựng được 9 mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, có 5 mô hình trồng cây ăn quả, 1 mô hình chăn nuôi, 2 mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà màng, nhà lưới và hiện nay đang được triển khai nhân rộng...

Qua 10 năm triển khai, thực hiện phong trào “Dân vận khéo”, trên địa bàn huyện Thường Xuân có 528 mô hình “Dân vận khéo”. Trong đó, có 370 mô hình phát triển kinh tế, 74 mô hình văn hóa, 58 mô hình quốc phòng - an ninh, 26 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới (NTM). Những mô hình “Dân vận khéo” đã có sức lan tỏa, thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia, nhất là việc huy động các nguồn lực, góp phần thiết thực vào chương trình xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững của địa phương.

Nhằm góp phần thực hiện chương trình xây dựng NTM ở địa phương, Hội LHPN huyện Ngọc Lặc đã xây dựng chương trình hành động và phát động phong trào “Phụ nữ chung sức xây dựng NTM” gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Để tạo ra sức lan tỏa, các cấp hội phụ nữ trong huyện đã đẩy mạnh tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ phát huy vai trò sáng tạo trong thực hiện các tiêu chí “5 không, 3 sạch”, xây dựng NTM ở cơ sở, với nhiều mô hình “Dân vận khéo”. Trong đó, phải kể đến phong trào hiến đất làm đường giao thông, đóng góp công sức, tiền để xây dựng các công trình dân sinh. Cùng với việc xây dựng mô hình, Hội LHPN huyện Ngọc Lặc đã chỉ đạo hội phụ nữ các xã, thị trấn nâng cao chất lượng hoạt động của 22 câu lạc bộ “Phụ nữ giảm nghèo”; duy trì nhân rộng mô hình nuôi gà thả vườn cho hộ phụ nữ nghèo là chủ hộ, đầu tư cho 562 hộ với số gà được cấp cho hội viên là 14.425 con và hỗ trợ cho 5 hộ nuôi dê, tiêu biểu như xã Quang Trung, Thúy Sơn, Lộc Thịnh, Ngọc Trung,... với số tiền 348 triệu đồng. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia các lớp học nghề may để có việc làm tại các công ty may. Hiện có khoảng 2.350 phụ nữ học nghề có việc làm tại nhà máy may trên địa bàn huyện Ngọc Lặc.

Thực tiễn công tác “Dân vận khéo” ở huyện Thường Xuân, Ngọc Lặc là kinh nghiệm quý cần tổng kết nhân rộng ở các địa phương miền núi, góp phần tiếp tục đổi mới hoạt động công tác dân vận, với phương châm “gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”.

Gia Bảo

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nhung-mo-hinh-dan-van-kheo-trong-phat-trien-kinh-te/129231.htm