Những mô hình hay tạo bước ngoặt cho nông dân Phú Yên
Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, với đặc thù trên 90% hộ dân có thu nhập chính từ đất vườn, những năm qua, huyện Phú Hòa (tỉnh Phú Yên) xác định phát triển nông nghiệp bền vững là nền tảng xây dựng kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tổ hợp tác Sơn Ngọc, xã Hòa Quang Bắc đang là một trong những điển hình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện Phú Hòa, với tổng diện tích sản xuất gần 50 ha, chuyên canh tác loại cây ăn quả chất lượng cao, giàu sức cạnh tranh trên thị trường.
Nhiều mô hình hay
Ông Huỳnh Văn Tánh, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho hay, đơn vị hiện có hơn 50 thành viên, trong đó khoảng 1/4 là người dân tộc thiểu số, phát triển các giống cây ăn quả chủ lực, được thị trường ưa chuộng như như mít, mãng cầu, cam, dừa, đu đủ…, mang lại thu nhập bình quân 50 - 200 triệu đồng/hộ/năm.
Khi tham gia Tổ hợp tác, các thành viên hỗ trợ nhau vốn, giống cây trồng, kỹ thuật, kinh nghiệm làm ăn; góp tiền làm đường ống dẫn nước từ núi Lỗ Chài về tưới cho các vườn cây ăn quả. Đặc biệt, với sự đồng hành của Tổ hợp tác và địa phương, các chủ trang trại đã mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, cho thu nhập cao.
Điển hình là anh Ngô Quốc Dũng, dân tộc Tày, thành viên Tổ hợp tác Sơn Ngọc. Tuy mới lập trang trại cách đây 3 năm, nhưng hiện nay, trang trại của anh có gần 3 ha với đầy đủ loại cây mãng cầu, đu đủ, dừa, cam, mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng.
Hay như trang trại của ông Nguyễn Văn Phụng, một thành viên khác của Tổ hợp tác, cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ mô hình vườn - ao - chuồng.
Tương tự, ở xã Hòa Hội những năm qua đã hình thành nhiều mô hình sản xuất điểm, trong đó nổi bật nhất có thể kể đến mô hình trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP, mang lại giá trị cao cho người dân, đặc biệt là người dân đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Để nâng cao hiệu quả mô hình, xã Hòa Hội đã và đang định hướng nông dân canh tác theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm nông sản an toàn để tham gia vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của xã, giúp nông dân nâng cao giá trị trái dưa hấu, cũng như có nguồn thu nhập ổn định.
Đáng chú ý, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Hội đã trở thành điểm tựa tổ chức sản xuất, nỗ lực kết nối với các doanh nghiệp ở địa phương, tiến tới thực hiện mô hình liên doanh liên kết đảm bảo đầu ra ổn định cho trái dưa hấu, đảm bảo thu nhập cho thành viên, nông dân liên kết.
Thu nhập gia tăng
Ông Phạm Tấn Thơ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Hội, cho biết thời gian qua, với định hướng tham gia vào chương trình OCOP nên HTX đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân theo hướng an toàn, hữu cơ, có ghi chép nhật ký sản xuất để truy xuất nguồn gốc.
“Đến nay, đã có tổng số 30/50 hộ dân thường xuyên canh tác dưa hấu ở địa phương tham gia vào HTX, trong đó có nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc Tày, Chăm H’roi, Hoa... Cái lợi khi người nông dân tham gia vào chuỗi liên kết là được đảm bảo đầu ra, biết được mức giá ngay từ đầu vụ nên yên tâm canh tác theo đúng chuẩn”, ông Thơ chia sẻ.
Hiện nay, thương hiệu “Dưa hấu Hòa Hội” đã được Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên cấp chứng nhận an toàn thực phẩm; Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã cấp mã vạch. Đặc biệt, cho tới thời điểm hiện tại, Công ty TNHH nông sản Khải Hiền đã ký hợp đồng liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Hội, trở thành đại lý, nhận bao tiêu trái dưa hấu cho các thành viên đã tham gia vào HTX với sản lượng khoảng 600 tấn/năm.
Có thể thấy, nhờ hiệu quả của loạt mô hình điểm, trong đó có các HTX, tổ hợp tác, thu nhập và đời sống của người dân huyện Phú Hòa ngày càng được nâng lên. Thành công nhất trong quá trình xây dựng nông nghiệp nông thôn của huyện là tạo động lực, giúp người dân có ý thức vươn lên thoát nghèo bền vững.
Buôn Hố Hầm, xã Hòa Hội là địa bàn đặc thù của huyện, với 100% đồng bào dân tộc thiểu số là người Chăm. Hiện, buôn có 139 hộ với 454 nhân khẩu, địa bàn cư trú tập trung ở 2 khu vực làng mới và làng cũ. Hơn 10 năm nay, buôn có nhiều đổi mới, đời sống người dân ngày càng phát triển.
Hiệu quả của chương xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, đang trở thành "bà đỡ" cho nhiều hộ dân trên địa bàn buôn Hố Hầm vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của buôn chiếm hơn 94%, đến nay giảm còn chưa đầy 10%.
Nông thôn khởi sắc
Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Hòa, để có được những thành công hiện tại, những năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó nông nghiệp là thế mạnh tạo động lực, kết hợp tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nâng cấp đồng bộ với nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả, huyện Phú Hòa đã đạt được nhiều thành tích trong các lĩnh vực. Kinh tế liên tục phát triển, tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành nghề cao. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 46 triệu đồng/năm, tăng 16,4 lần so với năm 2002. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn chưa đầy 0,5%.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2019, huyện Phú Hòa được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, có 6/8 xã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đặc biệt, để đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, huyện Phú Hòa xác định việc thay đổi tư duy của người sản xuất, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, là vô cùng quan trọng.
Theo đó, huyện đã đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng các mô hình khuyến nông ứng dụng khoa học – công nghệ làm thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức sản xuất của người dân, như mô hình giảm lượng giống gieo sạ kết hợp ứng dụng cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa, trồng cây đậu phộng trên đất sản xuất lúa kém hiệu quả, nuôi dê thương phẩm, cải tạo đàn bò thịt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo…
Thời gian tới, để tạo thuận lợi cho các HTX, doanh nghiệp và nhà đầu tư, huyện dự kiến tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch nông thôn mới, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, khả thi, thuận lợi nhằm thu hút đầu tư; khuyến khích các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, hữu cơ. Đồng thời, phối hợp với các ngành xúc tiến đầu tư; công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, lĩnh vực khuyến khích đầu tư để các nhà đầu tư biết, nghiên cứu, tìm hiểu, đầu tư vào huyện...