Những mô hình kinh tế hiệu quả của phụ nữ xã Hải Hưng
Thuộc thế hệ 8X, 9X nhưng vợ chồng chị Trần Thị Hạnh ở xóm 11, xã Hải Hưng (Hải Hậu) đã gây dựng được cơ ngơi bề thế với hệ thống nhà xưởng chuyên sản xuất đồ inox quy mô lớn, thu nhập 200-300 triệu đồng/năm. Từ nghề cơ khí truyền thống của gia đình, năm 2007, anh chị đã đi học hỏi thêm nghề làm inox. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Thuộc thế hệ 8X, 9X nhưng vợ chồng chị Trần Thị Hạnh ở xóm 11, xã Hải Hưng (Hải Hậu) đã gây dựng được cơ ngơi bề thế với hệ thống nhà xưởng chuyên sản xuất đồ inox quy mô lớn, thu nhập 200-300 triệu đồng/năm. Từ nghề cơ khí truyền thống của gia đình, năm 2007, anh chị đã đi học hỏi thêm nghề làm inox. Trải qua những khó khăn ban đầu về nguồn vốn, thị trường tiêu thụ, đến nay, anh chị đã đầu tư xây dựng được nhà xưởng kiên cố rộng 350m2 với hệ thống máy móc hiện đại phục vụ sản xuất như máy đột dập, máy uốn, máy gấp… Các sản phẩm inox của gia đình anh chị rất đa dạng, phong phú, từ bàn ghế sơn tĩnh điện, cổng, tường hoa, cửa xếp, cầu thang đến giá treo quần áo, võng xếp, kệ giày dép… Với giá bán từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, sản phẩm inox đã được nhiều người chọn mua bởi giá thành phù hợp, mẫu mã đẹp, độ bền cao. Cơ sở inox Hưng Thịnh của gia đình anh Nam, chị Hạnh đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. Trung bình mỗi năm, gia đình anh chị bán ra thị trường từ 15 đến 20 nghìn sản phẩm các loại. Anh chị còn thường xuyên tự nghiên cứu, sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Không chỉ góp phần phát triển kinh tế gia đình, cơ sở inox Hưng Thịnh còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động và 2-3 lao động thời vụ với mức lương 4-5 triệu đồng/người/tháng. Còn tại xóm 7, gia đình bà Phạm Thị Quế đã khởi nghiệp thành công với mô hình trang trại. Năm 2016, được sự tạo điều kiện của UBND xã, từ đất ruộng, ông bà đã đào ao, vượt đất thành vườn, dựng trại nuôi lợn, gà, trồng cây ăn quả. Năm 2018, ông bà chuyển hẳn sang nuôi gà, chủ yếu là giống gà Lương Phượng cho năng suất cao, chất lượng thịt thơm ngon. Hiện tại, 2 trại nuôi gà của ông bà có khoảng 2.600 con đến ngày xuất bán. Với sự cần cù, chịu khó, thường xuyên áp dụng chế độ cho ăn, chăm sóc khoa học, hợp lý, trung bình mỗi năm, gia đình ông Uông, bà Quế xuất bán 3-4 lứa với 15-16 tấn gà, chủ yếu cho các bếp ăn của trường học, công ty. Ngoài ra, trang trại của ông bà còn trồng 100 cây bưởi da xanh, 4 sào đinh lăng, 2 ao cá, 3 sào chuối, mang về tổng thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Cũng tại xóm 7, chị Mai Thị Hường lại được nhiều người biết đến với mô hình chuyên trồng hoa quả sạch. Năm 2017, khi quyết định bắt tay vào làm mô hình, chị phải đối mặt với không ít khó khăn. Đường ra cánh đồng toàn là đường đất, những hôm trời mưa, dắt xe đạp cho con đến trường, bùn đất quyện cả vào bánh xe. Giữa nơi “đồng không mông quạnh”, bốn bề là gió, một mình chị vừa xây nhà, làm đường bê tông thuận tiện cho việc đi lại, vừa từng bước tạo lập, gây dựng vườn trồng cây, ao nuôi cá, lán nuôi gà. Để thực hiện ý tưởng làm vườn sạch, chị cất công vào xóm thu gom phân chuồng, mua vôi, khử chua toàn bộ khu đất trồng cây ăn quả, dập bao xác rắn phủ mặt vườn để diệt cỏ, không sử dụng hóa chất. Cùng với nuôi tôm, cá, lợn, gà hoàn toàn theo phương pháp tự nhiên, tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe, chị còn trồng hơn 200 gốc chanh, bưởi, mít thái, tận dụng khu vực tường rào trồng thêm dây thìa canh để tăng thu nhập. Chỉ sau 2 năm, các loại cây ăn quả đã cho thu hoạch, chất lượng thơm ngon, được nhiều khách hàng tìm đến tận vườn mua. Ngắm khu vườn bát ngát màu xanh sai trĩu quả, khu ao nuôi cá, chuồng trại nuôi gà được quy hoạch hợp lý, càng thấy cảm phục nghị lực vượt khó vươn lên của chị… Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều điển hình tiêu biểu của gia đình hội viên phụ nữ năng động trong phát triển kinh tế của xã.
Đồng chí Mai Thị Hồng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Hưng cho biết: Những năm qua, để hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, phát triển kinh tế, Hội Phụ nữ xã đã nhận ủy thác các nguồn vốn giúp hội viên vay phát triển kinh tế. Đến nay, dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội gần 6 tỷ đồng cho 252 hộ vay; vốn vay Quỹ TYM tại 5 cụm phát triển được 162 thành viên với tổng dư nợ trên 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ xã đã vận động cán bộ, hội viên phụ nữ ủng hộ xây dựng Quỹ vì phụ nữ nghèo, hỗ trợ con giống, vật tư cho hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với HTX nông nghiệp, Hội Nông dân xã mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hàng nghìn lượt hội viên; phối hợp với các cơ sở dạy nghề, trung tâm dạy nghề mở lớp may công nghiệp, dạy nghề đính hạt cườm cho hội viên... Đến nay có trên 1.000 hội viên đã có việc làm và đang nhận hàng may quần áo cho Công ty Cổ phần May Hải Đường, Công ty May chăn ga gối đệm Phượng Khanh... thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng/người/tháng. Năm 2019, Hội Phụ nữ xã cùng với các chi hội xây dựng kế hoạch giúp đỡ 61 hộ nghèo, 144 hộ cận nghèo, trong đó có 43 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được Hội giúp đỡ, đạt 100%. Với sự hỗ trợ về kiến thức, vốn từ tổ chức Hội, nhiều hội viên đã vươn lên phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động phụ nữ. Tiêu biểu như các chị: Nguyễn Thị Hoa, chi hội 11; Ngô Thị Nguyệt chi hội 9; Nguyễn Thị Phượng chi hội 1; Kiều Hiên chi hội 14 đã mở xưởng may tại nhà, tạo việc làm cho nhiều hội viên trong và ngoài xã. Các chị Mai Thị Hường chi hội 6; Phạm Thị Quế chi hội 7 chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả... tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên thu nhập từ 3 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Các hoạt động thiết thực của Hội Phụ nữ xã Hải Hưng đã giúp hội viên phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn./.
Bài và ảnh: Lam Hồng