Những mô hình kinh tế hiệu quả ở Huy Thượng

Xã Huy Thượng (Phù Yên) nằm trọn trong cánh đồng Mường Tấc màu mỡ, có dòng suối Tấc dồi dào nguồn nước tưới quanh năm. Tận dụng lợi thế này, nhiều hộ nông dân trong xã đã năng động xây dựng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Mô hình nuôi ba ba của gia đình ông Lê Minh Hiến, bản Úm 1, xã Huy Thượng (Phù Yên).

Mô hình nuôi ba ba của gia đình ông Lê Minh Hiến, bản Úm 1, xã Huy Thượng (Phù Yên).

Ông Lường Văn Nghiêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã thông tin: Thời gian qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của xã có bước phát triển khá. Toàn xã hiện có 15 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, thu nhập từ 100 đến 500 triệu đồng/năm. Nhiều hộ đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, có mức sống khá.

Để giúp hội viên phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hội viên vay vốn đầu tư sản xuất. Riêng 9 tháng năm nay, có gần 173 hộ được vay vốn, với tổng dư nợ hơn 4 tỷ đồng. Cùng với đó, Hội còn phối hợp với Công ty Giống cây trồng Thái Bình cung ứng 3.371 kg lúa giống BC15 cho hội viên; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 16 buổi tập huấn kỹ thuật gieo cấy lúa, phòng trừ sâu bệnh hại lúa và kỹ thuật trồng rau an toàn cho trên 1.500 lượt người dân trong xã.

Thăm gia đình anh Hoàng Trung Thực ở bản Úm 1. Khởi nghiệp ở tuổi 24, sau khi đi học tập kinh nghiệm trồng hoa ở Hà Nội, năm 2015, anh Thực đầu tư 1.000 m² nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới phun mưa, rãnh thoát nước để trồng hoa. Ban đầu trồng lan hồ điệp, nhưng lượng tiêu thụ không nhiều, nên chuyển sang trồng hoa đồng tiền và ươm thêm hoa đồng tiền lùn đặt bàn, sim cảnh Đà Lạt, hoa đỗ quyên, mẫu đơn, hoa hồng, hoa giấy. Các loại giống cây được nhập trực tiếp từ Công ty Florist Việt Nam. Anh Thực cho biết: Gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên trồng hoa tại xã. Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc nên cây phát triển chậm, còi cọc. Tôi tìm hiểu trên sách, báo, phương tiện truyền thông, hiểu được đặc tính sinh trưởng của cây và điều chỉnh cách chăm sóc phù hợp, nên cây phát triển tốt. Hiện, sản phẩm hoa của gia đình không đủ cung ứng cho thị trường. Mỗi năm, gia đình tôi thu hơn 120 triệu đồng từ trồng hoa.

Còn mô hình nuôi ba ba thương phẩm của gia đình ông Lê Minh Hiến, cũng ở bản Úm 1, mặc dù mới phát triển, song hiệu quả kinh tế khá triển vọng. Năm 2008, ông đấu thầu hơn 1 ha đất 5% của xã, cải tạo thành các bể nuôi 200 con ba ba giống mua từ huyện Sông Mã. Ông Hiến cho biết: Ba ba nuôi 4 năm thì bắt đầu đẻ trứng (mỗi năm đẻ 1 lứa từ cuối tháng 4 đến tháng 8). Gia đình tôi đã dẫn nước đầu nguồn suối Tấc từ đập tràn về nuôi ba ba; thường xuyên vớt bèo để lọc nước và dùng thuốc phòng ngừa bệnh, cùng với cho ăn đủ liều lượng để ba ba phát triển tốt. Đến nay, gia đình có hơn 3.000 con, sản lượng ba ba thương phẩm bán ra thị trường khoảng 500 kg/năm, thu từ 200-300 triệu đồng.

Không riêng ở bản Úm 1, mà ở các bản khác của xã cũng có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Điều đáng ghi nhận là, các hộ nỗ lực vươn lên, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của gia đình để triển khai hiệu quả. Trong đó, phải kể đến một số mô hình như: Sản xuất tinh bột dong riềng, làm miến dong của hộ ông Đinh Văn Đức, bản Chằm Chài; nuôi vịt siêu trứng của hộ ông Đinh Văn Bảo, bản Chằm Chài; nuôi cá thịt của hộ ông Hoàng Văn Phòng, Sầm Văn Im, Hà Văn Hảo, bản Ban... có thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm trở lên.

Để tiếp tục hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã Huy Thượng tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hội viên và nhu cầu thị trường; phối hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh các hoạt động tư vấn dịch vụ, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, xây dựng thêm nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, giúp nông dân trong xã thoát nghèo bền vững và vươn lên có cuộc sống khá giả.

Lò Thái (CTV)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nhung-mo-hinh-kinh-te-hieu-qua-o-huy-thuong-27025