Những mối nguy tiềm ẩn từ tủ lạnh
Hầu hết mọi người đều nghĩ tủ lạnh là nơi dự trữ thức ăn an toàn nhất, song những nghiên cứu mới nhất cho thấy, nếu không biết cách dự trữ thực phẩm thì rất dễ gây ngộ độc thực phẩm cho gia đình.
Thực phẩm đông lạnh làm chậm tốc độ sinh sôi của vi khuẩn, nhưng cũng có một số vi khuẩn lại không ngừng sinh sôi trong tủ lạnh, nên có thể là nguồn gây ngộ độc thực phẩm. Chẳng hạn, khuẩn listeria (gây các triệu chứng giống bệnh cảm, nặng hơn là bệnh nhiễm trùng máu hoặc viêm màng não) có thể phát triển ở nhiệt độ từ -1oC đến 4oC và thường tồn tại trong các thực phẩm như phô mai mềm, thịt, cá... Để bảo đảm sức khỏe người dùng, nhiệt độ của tủ lạnh nên được duy trì ở mức từ 4 đến 5oC. Đừng mở cửa tủ lạnh quá lâu và không đặt thức ăn nóng vào tủ để tránh làm nhiệt độ bên trong tăng lên.
Nếu tủ lạnh chứa đầy thức ăn, hãy điều chỉnh nhiệt độ thấp xuống, đồng thời thường xuyên vệ sinh tủ lạnh. Nên lau tủ 1 lần/tuần với nước nóng và thuốc khử trùng, riêng ngăn đựng thịt sống thì vệ sinh cách nhật.
Để tránh ngộ độc, nên cho thực phẩm vào hộp kín rồi mới để vào tủ lạnh và nhớ để riêng thực phẩm sống với thức ăn chế biến sẵn, nấu chín để tránh lây nhiễm chéo.
Khuẩn E.Coli thường tồn tại dưới dạng lạnh, đông lạnh và thường tìm thấy trong đất trồng rau. Do đó, nên rửa sạch rau trước khi cho vào tủ lạnh.
Trứng nên được giữ ở kệ giữa tủ lạnh, nơi có nhiệt độ 0,6-2,2oC để các vi khuẩn ở vỏ trứng không có cơ hội xâm nhập vào trong gây ung và hỏng trứng. Tốt nhất nên để trứng trong các hộp các tông chuyên dụng. Không nên để trứng trong các khay trên cánh tủ lạnh, vì đây là vị trí có nhiệt độ cao hơn những nơi khác.
Dùng bình nhựa để nước lọc trong tủ lạnh rất có hại vì ở nhiệt độ thấp, nhựa sẽ tiết ra độc tố dioxin. Không chỉ vậy, thành phần nhựa còn chứa các chất, như: Bisphenol A(BPA), Phthalates... Các chất này rất gây hại cho con người, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em.