Những 'Mối tình trai' của 'ông Hoàng thơ tình' Xuân Diệu

Đã có biết bao nhiêu bài chuyên luận, luận án, bài nghiên cứu, phê bình,... viết về thơ và đời Xuân Diệu, bởi ông là một trong những cây đại thụ của nền văn học Việt Nam. Hơn thế, nhiều người đọc còn tôn vinh Xuân Diệu là 'Ông Hoàng Thơ Tình'!

Nhưng hình như hầu hết mọi người đều né tránh đụng chạm đến cái đề tài tế nhị, thậm chí là “phạm húy”, mà trong bài này người viết tạm gọi nó là chuyện “Tình trai” (mượn nguyên tên một bài thơ khá nổi tiếng của Xuân Diệu công khai ca ngợi mối tình của Rimbaud với Verlaine - “Hai chàng thi sĩ choáng hơi men”). Bởi, nếu có ai đó dám khẳng định rằng nhà thơ tình tài ba, thần tượng của biết bao thế hệ người yêu thơ Việt Nam, bị mắc một chứng bệnh oái oăm là... đồng tính(!), thì chắc chắn, các fan cuồng nhiệt của ông sẽ hét lên: Tầm bậy! Làm gì có chuyện đó!

Nhưng, cái “nghi án” về một “trò đùa của tạo hóa” kia thì vẫn cứ lơ lửng đâu đó, kể từ thời Xuân Diệu còn sống và nhất là sau khi ông đã qua đời...

Nhân bài viết này, xin giới thiệu với bạn đọc 2 tấm ảnh tư liệu quý: Trung úy Đặng Vương Hưng trong Đoàn đại biểu Nhà văn Quân đội tham dự hội nghị Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 3, tại Hà Nội, tháng 12/1985.

Nhân bài viết này, xin giới thiệu với bạn đọc 2 tấm ảnh tư liệu quý: Trung úy Đặng Vương Hưng trong Đoàn đại biểu Nhà văn Quân đội tham dự hội nghị Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 3, tại Hà Nội, tháng 12/1985.

Ảnh 1 (từ trái qua): Nhà văn Phạm Hoa, Nhà thơ Nguyễn Hoa, Nhà thơ Ngọc Bái, Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nhà thơ Đặng Vương Hưng, Nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình, Nhà văn Lương Hiền, Nhà văn Lê Lựu và Nhà văn Dương Duy Ngữ.

Ảnh 2: Phút mặc niệm Nhà thơ Xuân Diệu vừa qua đời, trong Lễ Khai mạc Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 3, tại Hà Nội, tháng 12/1985. 4 người đứng giữa (từ trái qua): Nhà văn Đỗ Chu, Nhà thơ Đặng Vương Hưng, Nhà văn Nguyễn Quốc Trung và Nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình...

Ảnh 2: Phút mặc niệm Nhà thơ Xuân Diệu vừa qua đời, trong Lễ Khai mạc Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 3, tại Hà Nội, tháng 12/1985. 4 người đứng giữa (từ trái qua): Nhà văn Đỗ Chu, Nhà thơ Đặng Vương Hưng, Nhà văn Nguyễn Quốc Trung và Nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình...

Hơn 20 năm trước, người viết bài này có may mắn được nhà thơ Hoàng Cát - người vẫn được coi là “em kết nghĩa” của cố thi sĩ Xuân Diệu - tiết lộ một “bí mật” rất riêng tư của mình: Ông chính là hình mẫu, là nguồn cảm hứng cho Xuân Diệu sáng tác một số bài thơ tình nổi tiếng, trong đó có thi phẩm bất hủ: Biển...

*

Nhà thơ Xuân Diệu (1917 - 1985), tên đầy đủ là Ngô Xuân Diệu, quê gốc ở Can Lộc (Hà Tĩnh), sinh trưởng tại Bình Định. Ông là tác giả của 14 tập thơ, 15 tập văn xuôi, tiểu luận và phê bình, 4 tập sách dịch...

Trong suốt cuộc đời cầm bút, Xuân Diệu đã viết tổng cộng khoảng trên 5.000 trang sách có giá trị. Ông đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất (1985) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I, năm 1996). Sau ngày Xuân Diệu qua đời, tại Thủ đô Hà Nội và một số thành phố đã có những đường phố được mang tên ông...

Năm 1982, khi còn là một anh lính trẻ đóng quân ở vùng biên giới Lạng Sơn, tôi có gửi một chùm thơ về Hà Nội để tham dự Cuộc vận động sáng tác Văn - Thơ và Ca khúc cho thanh niên (1981 - 1983) do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đoàn.

Một buổi chiều, tôi bất ngờ nhận được một một lá thư lạ, ngoài phong bì đề tên người viết là Xuân Diệu. Mở thư ra đọc, tôi sung sướng đến kinh ngạc khi biết đó là thư của một nhà thơ lớn gửi cho mình. Lá thư rất ngắn, chỉ có khoảng hai trăm chữ. Xuân Diệu viết rằng ông rất thích chùm thơ dự thi của tôi. Ông đã trao đổi với Nhà thơ Vũ Quần Phương và thống nhất cho điểm cao chùm thơ ấy. Cuối thư, Xuân Diệu yêu cầu tôi gửi cho ông một tập bản thảo mới, ông sẽ đọc kỹ và góp ý.

Năm 1983, khi đang “tạm trú” ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội dự một trại viết ngắn ngày, tôi nhận được giấy mời của Trung ương Đoàn đến nhận giải A dành cho thơ (thể loại văn xuôi và ca khúc chỉ có giải B) trong cuộc vận động nói trên. Lễ trao giải diễn ra thật long trọng. Vì tôi là “Thủ khoa” nên vinh dự được Nhà thơ Xuân Diệu vẫy đến ngồi cạnh ông. Suốt buổi lễ ấy, hầu như tôi chẳng để ý đến ai nói những gì, đọc cái gì, mà chỉ... ngồi ngắm Xuân Diệu. Tôi nhớ rất rõ Xuân Diệu đã ăn và uống nhiều lắm, ông ăn hết hai suất bánh ngọt, còn xơi một quả chuối và ba miếng đu đủ nữa.

Mấy ngày sau, theo lời hẹn của Xuân Diệu, tôi tìm đến số nhà 24 phố Cột Cờ thăm ông. Tôi mua một quả đu đủ chín khá to. Xuân Diệu ngạc nhiên hỏi: “Sao em biết tôi thích thứ này? Gọt vỏ đi, ta cùng ăn luôn!”.

Rồi ông đi tìm dao, nhưng không hiểu sao trong phòng chẳng có con dao nào cả. Bí quá, tôi bèn lôi trong túi cóc chiếc ba lô lộn ngược mà mình đem theo ra một chiếc dao tem (thứ dao dùng để cạo râu) rồi gọt và bổ đu đủ bằng chiếc dao ấy. Tôi chỉ ăn một miếng nhỏ lấy lệ, còn một mình Xuân Diệu xơi hết nửa quả. Trước khi ra về, ông đưa trả tôi tập bản thảo “Thao thức với Kỳ Cùng” và nói: “Em hãy đọc kỹ lại, chỗ nào tôi khuyên tròn (o) là câu hay, còn chỗ nào đánh dấu nhân (x) là thơ dở”.

Rồi Xuân Diệu động viên tôi: “Phải viết thêm nhiều nữa, gắng sửa chữa cho kỹ, rồi chọn lọc gửi tới nhà xuất bản họ in cho. Có sách rồi, tôi sẽ giới thiệu em vào Hội Nhà văn Việt Nam...”

Dư âm của giải thưởng và lời căn dặn của nhà thơ Xuân Diệu đã khiến tôi khi trở về đơn vị ở Lạng Sơn sống những ngày lâng lâng như đang trên mây gió, tràn đầy niềm vui và hy vọng.

Nhưng hồi ấy những tác giả mới viết, in được tập thơ cực kỳ khó khăn! Tôi gửi bản thảo đến Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, biên tập viên Nguyễn Quang Tính đọc rồi yêu cầu sửa chữa, cứ tưởng sách được in đến nơi. Song họ cứ nâng lên rồi lại đặt xuống, không biết bao nhiêu lần... Tháng 12 năm 1985, Nhà thơ Xuân Diệu đột ngột qua đời.

Hồi ấy, chúng tôi đang có mặt tại Hà Nội để tham dự Hội nghị Những người người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ III. Sáng sớm ngày tổ chức tang lễ cho Xuân Diệu, tôi xung phong cùng mấy người bạn viết trẻ đến Bệnh viện Việt - Xô nhận thi hài của nhà thơ từ phòng lạnh vào áo quan, rồi khênh lên ô tô chuyển đến trụ sở 51 Trần Hưng Đạo...

Tôi nhớ rất rõ, cái áo quan của nhà thơ lớn không hiểu sao lại bị nứt nẻ, góc bên trái trên đầu để lộ ra một kẽ lớn, cho gần vừa một ngón tay. (Có lẽ nó được làm bằng thứ gỗ xoàng và giá mua cũng rẻ?). Chúng tôi đã phải “xử lý” bằng cách lót thêm mấy tờ giấy đỏ. Lúc sống, Xuân Diệu vốn không cầu kỳ, chết rồi, ông giản dị thế cũng là phải.

Bên linh cữu của Xuân Diệu, chúng tôi đều đã ứa nước mắt và khóc thật sự. Với tôi, Xuân Diệu như một vị Thánh, đầy ngưỡng mộ và kính trọng.

Sau ngày đó, tôi đã âm thầm tìm đọc những tác phẩm của Xuân Diệu và tất cả những gì người ta viết về ông.

*

Cuối năm 1992, khi đọc cuốn hồi ký “Cát bụi chân ai” của Tô Hoài, đoạn viết về Xuân Diệu đã khiến tôi bàng hoàng, không tin đó là sự thật: “Hồi kháng chiến chống Pháp, nơi có cơ quan văn nghệ kháng chiến trú đóng, các chàng trai trẻ rất sợ ở tập thể cùng với Xuân Diệu. Ban ngày thì lặng lẽ bình thường, nhưng tối đến thì nháo nhác, bỏ đi ngủ nhờ nơi khác, trống cả cơ quan. Bởi cứ đêm đến Xuân Diệu hay “mò” sang giường họ, để làm... “trò vợ chồng”!

Nhà văn Tô Hoài từng bị Xuân Diệu “mò” sang ngủ cùng để làm “chuyện ấy” không chỉ một lần. Hãy nghe ông tả lại một cái đêm mưa gió ghê gớm ấy:

“Bàn tay ở đâu rờ vào. Không phải. Tay người, bàn tay đầy đặn, ấm ấm. Hai bàn tay đầy đặn xoa lên mặt, lên cổ, rồi xuống dần xuống dần khắp mình trần truồng trong mảnh chăn dạ. Bóng tối bập bùng lên như ngọn lửa đen không có ánh, cái lạnh đêm mưa rừng ấm dần lên. Chẳng còn biết đương ở đâu, mình là ai, ta là ai, hai cơ thể con người quằn quại, quấn quýt, cánh tay, cặp đùi thừng chão trói lại, thít lại, dằng ra. Niềm hoan lạc trong tôi vỡ ra dữ dội dằn ngửa cái xác thịt kia.

Rồi như chiêm bao, tôi ngã ra, thống khoái. Im lặng. Nghe mưa rơi xuống tàu lá chuối trong đêm và cái mệt dịu dàng trong mình. Giữa lúc ấy, hai bàn tay mền mại như lụa lại vuốt lên mặt. Làn môi và hơi thở nóng như than bò vào mắt, xuống vú, xuống rốn, xuống bẹn... Cơn sướng lại cồn lên cho đến lúc ngã cả ra, rúc vào nhau. Rồi bàn tay dịu dàng lại vuốt lên mặt. Lần này thì tôi lử lả, tôi nhuôi ra rên ư ử, như con điếm mê tơi không nhớ nổi người thứ mấy, thứ mấy nữa.

Trời rạng sáng. Xuân Diệu trở về màn mình lúc nào không biết. Tôi he hé mắt nhớ lại những hứng thú khủng khiếp. Những cảm giác nồng nàn kích thích trong bóng tối đã trơ ra khi sáng bạch...”

Cũng theo Tô Hoài, thì hồi ấy Xuân Diệu đã từng bị cơ quan kiểm điểm kéo liền hai tối, phải họp đến khuya. Họ “kết tội” Xuân Diệu là “tư tưởng tư sản, phải chừa đi”. Còn Xuân Diệu thì chỉ biết ngồi khóc nức nở: “Tình trai của tôi... tình trai...”. Sau đó, cũng vì chuyện này, Xuân Diệu đã bị Ban Chấp hành kỷ luật đưa ra khỏi thường vụ... “Ở đâu Xuân Diệu cũng đào hoa những mối tình trai”.

Đọc những trang viết trên, đầu tiên tôi đã rất giận nhà văn Tô Hoài, vì cho rằng ông đã bêu xấu thần tượng của mình. Nhưng rồi nghĩ lại, Xuân Diệu là nhà thơ lớn, nhưng ông cũng là một con người. Mà đã là con người thì ai chẳng có khiếm khuyết, chẳng nhẽ một người khả kính như Tô Hoài lại phịa chuyện và vu khống cho Xuân Diệu?

Một lần ngồi buồn, tôi đã làm cái việc lẩn thẩn là giở hai tập “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió” (được tuyển trong cuốn “Thơ Mới 1932-1945, tác gia và tác phẩm”) ra đếm xem Xuân Diệu đã đề tặng thơ cho bao người?

Tôi ngạc nhiên khi phát hiện một điều: Trong 100 bài thơ, có cả thảy 21 bài được ông chua thêm lời tặng, nhưng tất cả đều dành cho... đàn ông; tuyệt nhiên không thấy một cái tên phụ nữ nào trong đó(!?).

Về chuyện Xuân Diệu tặng thơ, có một bài thơ khá đặc biệt, chưa hề có trong bộ “Toàn tập Xuân Diệu” (6 tập, Nhà xuất bản Văn học, 2001) đó là bài “Em đi”.

Xuân Diệu viết “Em đi” xong từ đêm ngày 11 tháng 7 năm 1965, lúc 23 giờ 30 phút. Bài thơ gồm 24 câu, được chia làm sáu khổ. Đọc những câu thơ sau đây, ai cũng tin rằng “em” trong bài thơ là một người phụ nữ xinh đẹp mà nhà thơ yêu tha thiết:

Em đi để tấm lòng son mãi

Như ánh đèn chong, như ngôi sao

Em đi, một tấm lòng lưu lại

Anh nhớ thương em, lệ muốn trào

Ôi Cát! Hôm vừa tiễn ở ga

Chưa chi ta đã phải chia xa

Nụ cười em nở, tay em vẫy,

Ôi mặt em thương như đóa hoa!

Em hỡi! Đường kia vướng những gì

Mà anh mang nặng bước em đi!

Em ơi, anh thấy như anh đứng

Ôm mãi chân em chẳng chịu lìa

Nhưng bóng em đi đã khuất rồi.

Đứt lìa khúc ruột của anh thôi!

Tình ta như mối dây muôn dặm

Buộc mãi đôi thân, dẫu cách vời

Em hẹn sau đây sẽ trở về

Sống cùng anh lại những say mê...

áo chăn em gửi cho anh giữ,

Xin gửi cùng em cả lời thề!

Một tấm lòng em sâu biết bao

Để anh thương mãi, biết làm sao!

Em đi xa cách, em ơi Cát

Em chớ buồn, nghe! Anh nhớ yêu...

Nhưng “Cát” ở đây là Hoàng Cát. Ngắm những bức ảnh thời trai trẻ, trông anh thật đàn ông và đẹp trai đến... phát ghen!

Bài “Em đi” được Xuân Diệu viết tặng khi Hoàng Cát nhập ngũ, cùng một đơn vị bộ đội hành quân vào chiến trường miền Nam... Suốt 24 năm, nó nằm trong sổ tay của Hoàng Cát như một kỷ niệm riêng.

Cho tới trước Tết Kỷ Tỵ (1989) vợ Hoàng Cát ốm nặng, phải nằm bệnh viện, mà nhà anh nghèo quá, chẳng có tiền thuốc thang; một người bạn văn của Hoàng Cát ở báo Nhân dân đến thăm, thấy hoàn cảnh ái ngại mới gợi ý cho Hoàng Cát gửi một bài thơ mới, anh sẽ giúp đăng để có chút nhuận bút. Hoàng Cát nói đại ý: Lâu rồi mình chưa viết được bài nào tâm đắc, nhưng có một bài thơ của Xuân Diệu tặng riêng mình đã lâu, đọc cảm động lắm, có thể công bố được...

Hoàng Cát kể lại sau khi bài thơ được báo Nhân dân đăng trên số Tết, anh mừng lắm, vội đến lấy nhuận bút. Trong danh sách có ghi rõ số tiền của “Em đi” được trả là 8 đồng (một số tiền kha khá thời đó). Nhưng... đã có người đến trước ký nhận số tiền ấy rồi. Hoàng Cát buồn lắm, anh tìm đến số nhà 24 Cột Cờ, than phiền với Hà Vũ (con trai của nhà thơ Huy Cận). Vũ bảo: “Thôi chú đừng buồn làm gì. Cháu xin bù lại và biếu chú thêm chút ít để chữa bệnh cho cô”. Và Vũ rút tiền ra, đưa cho Hoàng Cát tới 20 đồng!...

Nhưng khi tôi điện thoại cho Hà Vũ để hỏi lại những chi tiết nêu trên, thì anh ngớ ra, chẳng nhớ gì cả. Và Vũ cho biết: Hiện di cảo thơ của Xuân Diệu có trong tay anh còn khoảng 500 bài chưa được công bố.

Tôi hỏi Nhà thơ Hoàng Cát:

- Ngoài “Em đi”, còn có bài nào Xuân Diệu viết cho riêng anh nữa không?

- Có một bài thơ tình đã công bố lâu rồi, rất nổi tiếng. Đó là bài “Biển”, sáng tác năm 1961. Nói ra có thể nhiều người không tin: Tôi chính là “đối tượng” và là “nguồn cảm hứng” cho Xuân Diệu viết bài thơ nổi tiếng ấy.

Để minh chứng cho điều mình nói, Hoàng Cát đã lục tìm trong tủ sách của mình và lôi ra một “vật báu”. Đó là một cuốn sổ tay đã ố vàng có những dòng bút tích “Tặng em Hoàng Cát của anh” và chữ ký của Xuân Diệu. Bài thơ “Biển” được chép kín hai trang...

Tôi không khỏi bàng hoàng, sửng sốt: Trời ơi! Chẳng lẽ “Biển” - bài thơ tình hay vào loại bậc nhất của thi sĩ Xuân Diệu - mà cũng là... “Tình trai” ư?

Và tôi chợt hiểu, khi Tô Hoài viết: “Ai yêu thơ Xuân Diệu, hiểu được thơ tình não nùng của Xuân Diệu, tình trai và tình gái không không phân biệt trai gái, phải thấu nỗi niềm và duyên nợ của nhà thơ, suốt đời nhớ thương và chờ đợi. Không bao giờ sầu não thất vọng, không bao giờ già, mãi mãi ban đầu...”.

Thì ra, Nhà văn Tô Hoài cũng đã nói hết cả rồi!

Đ.V.H

Trái tim người lính

Đặng Vương Hưng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-moi-tinh-trai-cua-ong-hoang-tho-tinh-xuan-dieu-a23597.html