Những mối tình và những người nằm lại ngày mở đường Hạnh Phúc
Ở Hà Giang những năm ấy, đã có những đứa trẻ sinh ra trong hành trình cheo leo vách núi, mở đường Hạnh Phúc bằng cuốc xẻng, xà beng, búa tạ...
Vượt qua khó khăn chốn “rừng thiêng nước độc”, hàng nghìn thanh niên xung phong góp sức làm nên tuyến đường Hạnh Phúc nơi đất trời Đông Bắc. Ít ai biết, trong những ngày gian khổ bám núi mở đường, "công trường Hạnh Phúc" chứng kiến không ít mối tình chớm nở và cả những cuộc ly biệt.
Nhích từng mét phá đá mở đường trên vách núi
Năm 1959, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Khu ủy Khu tự trị Việt Bắc quyết định mở đường từ thị xã Hà Giang qua các huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc để giữ gìn và bảo vệ an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế đối với các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang.
Đáp lại lời kêu gọi mở đường Hà Giang - Đồng Văn (sau được gọi với tên khác là con đường Hạnh Phúc) của Ủy ban Hành chính Khu và Khu Đoàn Việt Bắc, một buổi sáng đầu Xuân năm 1960, hơn 300 nam, nữ thanh niên tình nguyện xung phong của tỉnh Lạng Sơn chia làm hai đợt lên đường đến Hà Giang.
Chị Hà, chị Gái - 2 cô gái trong đoàn thanh niên Lạng Sơn kể lại, hôm đó đến nơi, trời đã xâm xẩm tối. Sau khi trao đổi với cán bộ Ty Giao thông Hà Giang, cả đoàn được biết, ở trong công trường (cách thị xã Hà Giang 18km), người dân sở tại đã dựng lán và chuẩn bị một bữa liên hoan chờ đơn vị. Bữa ăn muộn với cơm trắng và bát canh thịt mỡ nhanh chóng được dọn ra. Những cảm giác xa lạ tan biến tự lúc nào.
Những ngày sau đó, do lạ đất, lạ nước và không quen với khí hậu khắc nghiệt của Hà Giang, nhiều người trong đơn vị bị ốm. Càng hoang mang hơn khi một buổi tối, lán trại của chị em phụ nữ bị kẻ lạ mặt quấy rối.
Để ổn định tinh thần toàn đội, Tổ cán bộ chỉ huy phân công ban đêm, nam giới thay nhau đi tuần tra để đảm bảo an toàn cho lán nữ. Ban ngày, tất cả ra công trường thi đua lao động, lấy tinh thần mở đường để đẩy lùi bệnh tật.
Từng đoạn đường được chia cho từng đơn vị. Mỗi đơn vị đều có tổ lò rèn để tự chế tạo dụng cụ lao động, tổ đốt than, tổ bếp... Từng người được phân công nhiệm vụ dựa trên sức khỏe, sở trường.
Hàng ngày, sau bữa ăn sáng, mỗi người mang theo bên mình 1 cái búa tạ, 3 chiếc choòng và một bi đông nước. Thi công đến những nơi có vách đá cao, những TNXP lại tìm đường trèo lên trên, thắt dây bảo hiểm tụt dần xuống. Búa tạ và 3 chiếc choòng dài, ngắn khác nhau lần lượt được sử dụng để tìm vị trí khoan lỗ đặt mìn.
Buổi trưa mỗi người được một xuất xôi, buổi tối về nhà được ăn cơm trắng, rau rừng tự hái, cá hoặc thú rừng tự bẫy được, chỉ phải tội cực kỳ hiếm muối.
Hôm nào tắc đường, gạo chưa kịp đến thì có một chảo ngô răng ngựa bung.
Tối đến là tổ chức vui văn nghệ, họp báo cáo thành tích lao động của từng ngày. Sáng hôm sau lại choòng, lại búa lên đường. Cứ nhích từng mét, thủ công và thô sơ như vậy, những thanh niên xung phong đã mở đường qua núi đá, đèo cao, vực sâu.
Không chỉ mồ hôi, họ đánh đổi cả tính mạng của mình
Đầu năm 1960, nghĩa là đơn vị mới đến công trường được vài tháng thì xảy ra một việc thương tâm: Chị Lý Bích Vân (quê Gia Cát, Cao Lộc) trong một lần đi lấy nước cho nhà bếp bị sảy chân ngã xuống hố nước chết đuối. Anh Lộc cùng với mấy người khỏe mạnh được cử mang thi hài chị Vân về lán. Anh Hoàng Văn Hộ (quê Thụy Hùng, Cao Lộc) được cử đi báo cáo Ban Chỉ huy công trường.
Lúc đó trời đã xâm xẩm tối, xuôi dốc Bắc Xum được một đoạn, anh Hộ gặp các bạn thuộc đơn vị Cao Bằng, họ khuyên anh nên trở về thì hơn vì xuống dốc lúc này rất có thể sẽ làm mồi cho thú dữ. Có lần cán bộ tiếp phẩm đi lĩnh cá khô về cho đơn vị đã gặp hổ. Người đi trước, hổ theo sau, bất đắc dĩ anh cán bộ tiếp phẩm phải vứt cho con hổ một miếng cá khô to bằng bàn tay. Nó ăn hết miếng này, lại phải vứt cho miếng khác, nó ăn no rồi mới bỏ đi. Khi về tới lán thì gánh cá khô đã vơi đi tới hơn một nửa...
Không còn biết làm gì hơn, anh Hộ đành quay lại. Ngày hôm sau, thi hài chị Vân được an táng ngay tại bìa rừng nơi dốc Bắc Xum. Cái chết thương tâm của chị Vân càng làm cho mọi người đoàn kết, xích lại gần nhau hơn vì mọi người đều hiểu rằng, để đổi lấy từng mét đường xuyên mây gió, qua núi cao qua vực sâu này, họ không chỉ đổ mồ hôi, công sức mà còn có thể là cả tính mạng của mình.
Nhớ nhất thời điểm mở đường qua dốc Bắc Xum đến đèo Lùng Búng. Đúng như lời dân gian truyền miệng: “Bắc Quang, Bắc Mộc, Hà Giang nước độc”, rửa chân tay ở mó nước Làng Viềng, ai cũng cảm thấy hãi hùng vì lông chân, lông tay rụng hết. Ở đèo Lùng Búng, dịch sốt rét, sốt nóng cũng đánh gục không ít người.
Đơn vị hơn 300 TNXP có những hôm không có nổi vài chục người ra công trường. Ai cũng ốm, không ai chăm sóc cho ai. Cứ sau một trận sốt là lại lên cơn đau bụng quằn quại.
Chị em phụ nữ thì ôm bụng lăn từ trên giường xuống đất. Nhiều nam giới thì chỉ biết chạy ra ngoài trời, vớ được thứ gì là đấm đá túi bụi, từ gốc cây cho tới mô đất để giảm cơn đau.
Mùa hè nghẹt thở dưới ánh nắng chói chang, mùa đông rét buốt xương thấu thịt, thiếu thốn vật chất, thuốc men.
Từng mét đường đi qua là sự vất vả, gian lao đến cùng cực.
Nhưng rồi vượt qua khó khăn của địa hình hiểm trở, núi cao, vực sâu, hàng trăm TNXP đơn vị C3 cùng hàng nghìn TNXP khác vẫn kiên trì phá đá mở đường, nhích từng mét một bằng dụng cụ thủ công, thô sơ, vừa lao động, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đơn vị, bảo vệ công trình trước sự phá hoại của tàn quân Phỉ…
Cho tới khi khánh thành con đường với tổng chiều dài gần 200km với thời gian thi công 5 năm, đơn vị C3 Lạng Sơn đã có 6 người vĩnh viễn nằm lại dọc đường.
Những người mẹ nuôi con suốt chiều dài Hạnh phúc
Gian khổ bám núi mở đường, công trường con đường Hạnh Phúc chứng kiến không ít mối tình chớm nở và người phụ nữ vừa làm đường vừa nuôi con với những nồi bột quấy còn cả cung quăng và lá mục.
Đó là mối lương duyên của anh Vũ Đức Lộc và chị Nguyễn Thị Gái. Sống trong kỷ luật đơn vị nghiêm ngặt, ban ngày tất cả ra công trường lao động, tối về sinh hoạt chung, hết giờ giới nghiêm là tắt đèn đi ngủ nhưng đôi trai gái vẫn một lòng hướng về nhau. Chuyện tình của họ đôi khi chỉ đơn giản là hỏi thăm đôi câu trong những lần giáp mặt tranh thủ.
Đáng tiếc, cuối năm 1960, thời điểm anh Lộc và chị Gái quyết định làm đám cưới tại đơn vị, chỉ còn năm ngày nữa là hai người nên vợ, nên chồng thì Lộc bị ốm nặng phải ra điều trị tại trạm xá công trường rồi chuyển lên bệnh viện Hà Giang. Mấy hôm sau đó, chị Gái mới xin phép đơn vị ra thăm anh. Gặp anh, chị thấy anh đã yếu lắm.
Vỏn vẹn hai đồng bạc trong tay, chị Gái vội đánh điện báo tin về cho gia đình anh Lộc, mất đứt một đồng bạc. Còn một đồng, chị mua cái phích bảy hào và một cái đèn dầu hỏa ba hào.
Tất tả chăm anh Lộc, song chẳng được bao lâu, anh ra đi sau khoảnh khắc hạnh phúc gối đầu lên cánh tay chị. Đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng anh làm như thế.
Trở về đơn vị sau cái chết của người chồng chưa cưới, chị Gái lại lao vào công việc như muốn thay anh góp sức mở đường.
May mắn hơn trường hợp của chị Gái là chuyện tình của chị Vi Thị Hà, người con gái Nặm Nọi, huyện Chi Lăng và anh Nông Văn Ky, người con trai quê tại xã Tri Phương, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.
Họ quý mến nhau từ những ngày làm tuyến đường Bắc Nga - Bản Mận (Lạng Sơn). Khi có lời kêu gọi của Khu Đoàn Việt Bắc, cả hai đã xung phong tình nguyện lên đường và chính thức xin phép đơn vị cho hai người được tìm hiểu nhau trên công trường Hà Giang - Đồng Văn. Cuối năm 1960, hai người làm lễ cưới tại đơn vị với lời ca tiếng hát chúc phúc của bạn bè.
Niềm vui không trọn vẹn khi thời điểm mang bầu 4 tháng, chị Hà bị một trận sốt rét, sốt nóng, chảy máu cam. Di chứng của trận sốt ấy là cánh tay trái bị liệt nhẹ.
Khó khăn ấy tưởng chừng không vượt qua nổi nhưng may thay, năm 1961, sinh con gái đầu lòng, chị vẫn mẹ tròn con vuông. Hết hai tháng nghỉ sinh, gửi con ở nhà trẻ của đơn vị, chị Hà lại tiếp tục ra công trường.
Ngày không làm được một công thì tính nửa công, miễn sao là mình vẫn góp sức với con đường, không bỏ đơn vị để động viên chồng công tác tốt, trong lòng chị Hà sắt lại một quyết tâm.
Chỉ thương đứa con còn nhỏ, những chỗ hiếm nước, chị dùng vải xô lọc tới mấy lần mà quấy bột cho con vẫn còn thấy có con cung quăng. Có những khi trong nồi cơm, vẫn còn có lá cây mục.
Thời tiết khắc nghiệt: mưa ngàn, gió núi, mây mù, nước độc...
Những người khỏe mạnh còn bị ghẻ lở, sốt rét đến vàng da, rụng tóc. Vậy mà người mẹ với một cánh tay thương tật ấy vẫn sinh con, nuôi con theo dọc những cung đường. Năm 1963 chị Hà sinh đứa con thứ hai và năm 1965 chị sinh đứa thứ ba.
Lúc này, con đường mà chị cùng những người đồng sự kiến tạo treo giữa núi cao, băng qua ngàn sâu đã thành hình, vạch một nét son vào bản đồ Hà Giang, hùng dũng uy nghi.
Con đường Hạnh Phúc là tên gọi của tuyến đường thuộc QL4C, bắt đầu từ khoảng cột mốc số 0 thành phố Hà Giang đi qua 4 huyện miền cao bao gồm: Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn và Mèo Vạc.
Con đường Hạnh Phúc được khởi công xây dựng vào tháng 9/1959, sau 8 năm mới hoàn thành. Công trình có tổng chiều dài khoảng 200km chạy qua cao nguyên đá Đồng Văn và đỉnh đèo Mã Pì Lèng đến Mèo Vạc.
Đây là thành quả của sự hy sinh, cống hiến của thanh niên 16 dân tộc với 2 triệu ngày công ròng rã. Hơn 1.300 thanh niên xung phong và hơn 1.000 nhân công đã làm việc bằng những công cụ hết sức thô sơ, chỉ là cuốc, xẻng, xà beng, búa tạ… trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn.
Vĩ thanh
Sau hơn 40 năm, tháng 5/2003, lần đầu tiên những cựu thanh niên xung phong tình nguyện C3 Lạng Sơn mới có dịp trở lại thăm con đường do chính họ góp sức mình sản sinh ra nó mà nay đã được đồng bào Hà Giang đặt tên là con đường "Hạnh Phúc". Đoàn đi chỉ vẻn vẹn gần năm mươi người vì không còn liên lạc được với nhau, nhiều người đã mất, nhiều người đi làm ăn ly tán... Đoàn đã được ngành Giao thông tỉnh Hà Giang đón tiếp nhiệt tình, chu đáo. Và họ đã gặp lại những bạn bè ngày xưa, những người đã nằm lại theo dọc những cung đường thì nay đã được quy tập về nghĩa trang tại huyện Yên Minh. Chỉ có điều, mấy chục ngôi mộ nằm ngập trong cỏ lút, và tấm bia chỉ ghi dòng chữ giản dị: "Nghĩa trang thanh niên xung phong".
Vi Thị Thu Đạm
.