Những món ăn kiêng kỵ trong ngày Tết để tránh 'rước họa vào thân'
Để Tết Nguyên đán vui vẻ, năm mới thuận lợi, bình an và nhiều may mắn người dân 3 miền Việt Nam thường kiêng ăn các món như thịt vịt, thịt chó..
Món ăn gì kiêng kỵ trong ngày Tết?
Chuối là thứ không thể thiếu trong mâm ngũ quả của người dân miền Bắc nhưng vào dịp năm mới người miền Nam lại đặc biệt kiêng ăn chuối chính bởi cái tên của nó. Khi phát âm từ "chuối" đễ bị đọc lệch sang "chúi", không có lợi cho đường công danh, thăng tiến.
Đu đủ cũng là một loại quả nữa bị kiêng ăn vào ngày Tết bởi tên gọi, tuy nhiên điều này chỉ xảy ra với người miền Trung vì quan niệm phát âm nghe giống như "thủ đủ", cả năm sẽ không được may mắn, thuận lợi. Trong khi ở hai miền Bắc - Nam, đu đủ luôn có mặt trong mâm ngũ quả, thậm chí đối với người miền Nam không ai không biết câu "Cầu-dừa-đủ-xoài-sung".
Người miền Trung không ăn thịt vịt đầu năm, vì dễ làm liên tưởng tới việc "tán đàn", không may mắn.
Thịt chó đặc biệt được kiêng kị, không chỉ vào dịp đầu năm mới mà còn vào mỗi đầu tháng, người dân cả 3 miền đều có quan niệm này vì cho rằng ăn thịt chó đầu tháng, đầu năm sẽ gặp xui xẻo.
Người miền Trung và miền Nam cũng không ăn cả tôm vào dịp năm mới bởi suy nghĩ tôm thường đi giật lùi, dễ mang xui xẻo tới cho công việc. Tuy nhiên, dịp năm mới người miền Bắc vẫn ăn tôm bình thường.
Trứng vịt lộn cũng là một món ăn kiêng kỵ của hai miền Bắc - Trung vào dịp đầu năm bởi quan niệm về sự không may mắn mà nó mang lại.
Nước ngọt có gas, bánh mứt, ô mai nguy cơ gây hại cho gan
Ngoài những thực phẩm kiêng kỵ trong dịp Tết theo quan niệm dân gian, nhiều thực phẩm cũng được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo sử dụng có chừng mực để tránh hại thân.
BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, trên bàn mời khách của các gia đình ngày Tết đều có bánh mứt, nước ngọt, kẹo… Thực tế, những sản phẩm trên nếu rõ nguồn gốc ràng, đảm bảo an toàn và ăn điều độ thì không gây hại, tuy nhiên, việc không "giữ mồm" sẽ "hại đơn, hại kép".
“Những đồ ăn chứa nhiều đường này chỉ an toàn nếu chúng ta sử dụng với lượng vừa đủ. Các đường đơn đều qua gan chuyển hóa, nếu ăn quá nhiều với hàm lượng lớn không kịp chuyển hóa hết, nó sẽ dự trữ ở gan.
Trong khi gan không chỉ chuyển hóa mỗi đường mà còn nhiều loại thực phẩm khác. Do vậy khi các chất dự trữ trong gan quá nhiều sẽ gây áp lực, ảnh hưởng đến chức năng gan. Ngay cả những loại hoa quả ngọt ăn nhiều cũng không tốt cho gan", ông Hưng cho biết.
ThS. BS. Nguyễn Quỳnh Xuân, Khoa Nội, BVĐK Medlatec đặc biệt lưu ý với những người có tiền sử bệnh tiểu đường, nên tránh xa nước ngọt có gas đóng chai.
Tết là dịp để sum họp, trong những mâm cơm đầy ắp các món ăn ngon dễ khiến nhiều bệnh nhân tiểu đường quên mất việc kiểm soát đường huyết.
Ngoài việc hạn chế tinh bột, chất béo, bệnh nhân cũng nên thay nước ngọt có gas bằng các loại nước ép từ rau, củ, giàu vitamin, ít đường tốt cho sức khỏe. Tăng cường ăn nhiều rau xanh trong bữa ăn để tăng hàm lượng chất xơ, làm chậm quá trình hấp thụ đường từ ruột vào máu. Nhờ vậy, giúp đường huyết không tăng cao sau khi ăn
Ăn vừa phải các loại thực phẩm thuộc nhóm chất đạm, chất béo như thịt, cá, trứng,... để cân bằng giữa các nhóm thực phẩm và đảm bảo năng lượng hàng ngày. Chất đạm nên hạn chế hoặc tránh các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt chó, các loại thịt chế biến như thịt xông khói, xúc xích,… gia cầm có da, cá rán kĩ,... Bên cạnh việc xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, cần chú ý tập thể dục hàng ngày để nâng cao sức khỏe, tuân thủ phác đồ điều trị tiểu đường của bác sĩ và thực hiện kiểm tra định kỳ, không tự lý bỏ thuốc điều trị.