Bánh khúc (hay xôi khúc) là món bánh dân dã gắn liền với tuổi thơ của nhiều người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ
Đặc biệt đối với những người con xứ Bắc sinh ra từ thuở hàn vi, viên bánh khúc nóng hổi, thơm mùi gạo nếp, mùi lá khúc, quyện lẫn vị bùi béo của thịt và đỗ đã từng giúp họ ấm bụng trong những sớm tinh mơ hay đêm tối muộn còn bận mải với mối lo cơm áo gạo tiền
Cách làm bánh khúc không khó, nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn, tinh tế cao từ người làm. Nguyên liệu chính để tạo nên món bánh này bao gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ và lá rau khúc
Lá rau khúc được xem là linh hồn của món bánh khúc. Loại rau này thường mọc hoang dại trên bờ ruộng, bờ cát, bãi đất... vào độ tháng 2, tháng 3 âm lịch. Rau khúc có hai loại là khúc tẻ và khúc nếp. Làm bánh sẽ dùng lá khúc nếp, còn lá khúc tẻ thường dùng làm thuốc chữa ho nhiều đờm, cảm lạnh phát sốt, đau gân cốt...
Lá khúc làm bánh nên chọn những lá đang độ tươi non, sau đem về hấp lên rồi giã nhuyễn, trộn với bột gạo để làm vỏ bánh
Nhân bánh được làm từ đậu xanh nấu chín, giã thật mịn, trộn cùng thịt ba chỉ thái hạt lựu, rắc thêm chút hạt tiêu cho dậy mùi rồi vo viên lại bằng kích cỡ của quả trứng gà. Sau, vỏ bánh được dàn mỏng để bọc kín lớp nhân bánh vừa nặn
Bước tiếp theo lăn bánh đã nặn qua gạo nếp rồi xếp bánh vào nồi hấp như đồ xôi. Hấp tầm khoảng 30p đến 1h tùy vào số lượng và kích cỡ của bánh
Bánh khúc chuẩn vị thì phải ăn kèm muối lạc vừng. Từng viên bánh khúc màu rêu xanh lấp ló trong lớp áo xôi nếp dẻo thơm khi chấm với muối lạc vừng sẽ có hương vị độc đáo, khó món nào bì được
Bánh đa kê xuất hiện trong kỷ niệm thơ ấu của nhiều người con miền Bắc. Thức quà dân dã này tựa như tấm vé đưa bạn trở về với những ngày trẻ dại, khi ta luôn háo hức ngóng chờ đôi quang gánh của các cô, các bác bán bánh đa kê
Bánh đa kê gây thương nhớ bởi vẻ ngoài giản dị chỉ gốm hai miếng bánh đa chập lại, bên trong phết một lớp kê vàng ươm cùng đậu xanh mịn, đường kính và dừa nạo thơm phức. Chỉ cần cắn một miếng nhỏ, bạn đã có thể cảm nhận trọn vị bùi của hạt kê, vị ngọt thanh của đường kính, vị ngậy của dừa tươi và bánh đa đang tan dần nơi đầu lưỡi
Đặc biệt, bánh đa kê ăn vào thời điểm nào cũng hợp, nhưng trọn vị nhất có lẽ là vào mùa thu. Khi những cơn gió se lạnh vừa chạm ngõ, ta ngồi nhâm nhi tách trà ấm và thưởng thức từng miếng bánh đa kê giòn tan chắc chắn sẽ là trải nghiệm vô cùng thú vị
Bánh gai là thứ bánh có mặt ở mọi miền quê miền Bắc. Ngày xưa, bánh gai thường được chọn để làm quà biếu tặng
Bánh gai thu hút thực khách bởi lớp vỏ bánh màu đen sáng bóng. Công đoạn để tạo màu cho vỏ bánh không khó nhưng khá công phu. Đầu tiên, lá gai khô sau khi làm sạch sẽ đem luộc chín, vớt ra, để ráo nước rồi giã thật nhuyễn thành bột. Đem bột lá gai đã giã nhỏ trộn đều với bột gạo nếp và mật mía, tạo thành một thứ bột dẻo mịn có màu nâu đen, sáng bóng…
Nhân bánh gai gồm có đậu xanh giã nhuyễn trộn với thịt mỡ tẩm đường, nước hoa bưởi, dừa, mứt bí... Lúc gói bánh, ta lấy bột bánh bao trọn phần nhân bánh rồi tạo hình cho bánh. Bánh sau khi nặn xong sẽ được rắc chút vừng rang lên bề mặt. Đặt bánh đã nặn vào giữa lá chuối, gói và buộc lại sau đó đem hấp chín
Bánh gai thích hợp để làm đồ tráng miệng sau bữa ăn chính. Bánh có vị ngọt, bùi, dẻo mát khiến chúng ta ăn một lần phải nhớ mãi
Bánh gio (hay bánh tro, bánh ú) - thứ quà quê được làm từ những hạt gạo nếp tròn mẩy ngâm qua nước tro (loại nước pha chế từ tro than thu được sau khi đốt cháy một số loại thảo mộc, dược liệu), rồi được gói thành từng chiếc bánh với cái lưng gù đã trở thành món ăn được biết bao thế hệ yêu thích
Bánh gio sau khi làm xong có màu hổ phách trong suốt, thơm mùi gạo nếp, khi ăn cắt bánh thành từng miếng nhỏ chấm với mật mía, mật ong hoặc đường cát. Vị ngọt của mật thấm vào miếng bánh tạo nên hương vị thơm ngon khó cưỡng (Ảnh: Zing.vn)
Món bánh này thường xuất hiện trong ngày Tết Đoan Ngọ (Việt Nam gọi là "Tết giết sâu bọ"). Do trong dịp lễ này, mọi người thường ăn nhiều món ăn tích nhiệt, tích chất béo, khó tiêu như rượu nếp, mận, mít... Trong khi bánh tro có tính mát, dễ tiêu sẽ giúp cơ thể chúng ta trung hòa chất độc tích lại nhằm bảo vệ sức khỏe
Bánh đúc - món bánh bình dân, mộc mạc, mang hơi thở của hương đồng gió nội được xem là thức quà quê gói ghém nhiều ký ức tuổi thơ của mỗi người con xứ Bắc
Cách làm bánh đúc rất giản đơn: Gạo ngâm độ nửa buổi rồi đem vo thật sạch mới cho vào cối xay ra thành bột; Sau đó bắc bột lên bếp, khuấy mạnh tay, liên tục để chín đều mà không bị cháy khét. Bột bánh đúc thường được trộn với nước vôi tôi để tạo độ giòn và dai
Khi nồi bột quấy xong, để nguội rồi đổ dàn ra mẹt lót sẵn lá chuối, sau đó rắc lạc rang đã bỏ vỏ lên để làm nhân. Chỉ một lúc sau, bánh cứng lại và chuyển sang màu trắng đục, dùng dao cắt ra từng miếng vừa ăn
Khi thưởng thức, bánh đúc được chấm với mắm cái, tương bần là chuẩn vị nhất
Ngày nay, bánh đúc được biến tấu thành nhiều phiên bản như bánh đúc nóng, bánh đúc nộm, bánh đúc sốt... và được nhiều người ưa thích. Nhưng với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên từ những làng quê nghèo, bánh đúc nhân lạc chấm với mắm cái, tương bần vẫn là món ngon khó lòng thay thế được
Như Quỳnh (Tổng hợp)