Những món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Rằm tháng 7
Lễ Vu Lan là ngày lễ báo đền công ơn cha mẹ, rơi vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm.
Lễ Vu Lan là ngày lễ báo đền công ơn cha mẹ, rơi vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Theo quan niệm dân gian, vào ngày rằm tháng 7, mọi người nên đi lễ chùa, cầu bình an và để tâm thanh tịnh, không sát sinh và không làm điều xấu.
Lễ Vu Lan là nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt, là ngày để mọi người con hướng về mẹ cha. Ngày này mang ý nghĩa nhắc nhở con cháu, những ai còn cha mẹ hãy báo đáp bằng lòng hiếu thảo, đừng để đến khi cha mẹ không còn mới hối tiếc và ân hận. Với những người con không còn cha mẹ trên đời, việc chuẩn bị mâm cúng lễ Vu Lan chu đáo và thành tâm cũng là cách để bày tỏ thương nhớ và lòng biết ơn công lao của cha mẹ.
Mâm cúng lễ Vu Lan có thể chuẩn bị đồ mặn hoặc đồ chay tùy gia đình. Nhưng theo quan điểm của Phật giáo nên làm cỗ chay. Cũng không cần chuẩn bị mâm cúng hoành tráng, mà quan trọng hơn cả là đồ cúng lễ phù hợp với hoàn cảnh gia đình, được thực hiện trang nghiêm và thành tâm.
Mâm cúng mặn thường gồm có các món truyền thống của Việt Nam như xôi, bánh chưng, giò chả, nem rán, món xào, món canh. Mâm cúng chay cũng gồm những món như vậy, chỉ khác là dùng nguyên liệu thực vật thay thế như các loại đậu, nấm, khoai.
Ngoài ra để thể hiện lòng biết ơn, báo đáp người đã khuất, quan niệm dân gian cho rằng vào lễ Vu Lan, con cháu nên làm việc thiện, bố thí cho người nghèo, giúp đỡ người khốn khổ. Để tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ đã khuất núi, thế hệ sau nên nhắc nhở cho con cháu sống noi gương theo truyền thống hiếu đạo của người Việt.
Đấy là sự tưởng nhớ, sự báo đáp lớn nhất đối với người đã nhắm mắt, xuôi tay. Vào ngày Vu Lan, các Phật tử cũng thành tâm cúng dường, bố thí, chia sẻ cho những người khổ đau hay lên chùa tụng kinh lễ bái để cầu sự siêu thoát cho ông bà, tổ tiên; cầu phúc cho cha mẹ sống thọ, khỏe mạnh.
Trong mâm cúng rằm tháng 7, cúng lễ Vu Lan, có thể dâng hoa quả, bánh kẹo, nhang hương. Thông thường vào ngày này, các gia đình thường làm mâm cỗ chay, sau đó hóa vàng và để con cháu thụ lộc.
Cúng Phật
Trước tiên, sắp một mâm cơm chay hoặc đơn giản hơn là mâm ngũ quả để cúng Phật rồi thụ lộc tại nhà.
Khi cúng, tốt nhất là đọc một khóa kinh (Kinh Vu Lan) để hiểu rõ về ngày này, hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh.
Cúng gia tiên
Lễ cúng thần linh thường cúng gà trống để nguyên con và xôi (hoặc bánh chưng bóc hết lá nhưng không cắt thành miếng, 1 bầu rượu, chè, trái cây và bình hoa tươi.
Lễ cúng gia tiên nên có một mâm cơm, có thể là món mặn, có thể là món chay tùy vào hoàn cảnh và căn cơ của người đang sống.
Ngoài ra, trên mâm cúng gia tiên phải có tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi Âm làm bằng giấy tượng trưng từ những vật truyền thống (giống như đồ thật) như: Quần áo, giày dép, áo bào, cung điện, ngựa, các vật dụng trang sức,… để cho người cõi âm có được một cuộc sống tiện nghi giống như người trên dương thế.
Cúng chúng sinh
Cúng chúng sinh nên cúng ngoài trời, không cúng chung với bàn thờ gia tiên. Khi đốt tiền vàng quần áo đứng vãi gạo muối ra 5 phương 4 hướng. Trên mâm cúng chúng sinh thường có những lễ vật sau:
Muối gạo (1 đĩa sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong).
Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ).
Hoa quả (5 loại 5 mầu).
12 cục đường thẻ.
Quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...).
Các loại bỏng ngô, bánh, kẹo.
Tiền vàng (tiền thật các loại mệnh giá và tiền vàng mã).
Nước: 3 chun (hay 3 ly nhỏ ), 3 cây nhang, 2 ngọn nến nhỏ.
Bỏng ngô, khoai lang luộc, ngô luộc, sắn luộc.
Mía (để nguyên vỏ và chặt tùng khúc nhỏ độ 15 cm).
Lưu ý, cúng chúng sinh không nên cúng xôi, gà. Khi đặt tiền vàng ở trên mâm nên để theo 4 hướng và mỗi hướng nên đặt cây hương theo số lẻ 3, 5 hoặc 7.
Về cơ bản, trong tháng 7 âm lịch, người ta ít khi làm các việc trọng đại vì sợ gặp phải điều xui xẻo, không may. Nhiều người đồn nhau về tháng cô hồn, phải kiêng kị và cẩn thận bởi những đen đủi trong tháng cô hồn mang đến. Tâm lý này đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người.
Nhưng thực sự rằm tháng 7 người Việt chỉ có Lễ Vu Lan báo hiếu và xá tội vong nhân chứ không có tháng "cô hồn".
Ông bà tổ tiên đều quan niệm rằng, vong linh những người quá cố được nhờ ơn đức Phật theo tinh thần báo hiếu mà được siêu sinh độ hóa về cảnh giới an lành.
Đó cũng là lòng thương với những người chết không nơi nương tựa và cũng mong vong hồn được siêu thoát.
Việc cúng cô hồn không chỉ để khỏi bị quấy phá, mà vì muốn làm phúc, giúp những cô hồn ít ra cũng có một ngày được no nê, đỡ tủi phận.
Đó là ý nghĩa mang tính nhân văn rất cao trong văn hóa Việt, cũng như quan niệm về ngày xá tội: con người dù đã gây ra những tội ác gì thì trong quá trình chịu trừng phạt, quả báo, cũng có được một ngày xá tội, để đỡ khổ cực, đau đớn.
Phong tục của người Việt Nam không có khái niệm tháng cô hồn hay vì tháng cô hồn mà đen đủi bởi chúng là sự mê tín dị đoan cần phải bài trừ.
Trong những ngày tháng 7 nói riêng và các tháng khác nói chung, con người nên hướng tới những điều thiện, như xá tội vong nhân và báo hiếu với cha mẹ, ông bà.
Ngoài ra, vào dịp Lễ Vu Lan, rằm tháng 7, mỗi gia đình có thể phóng sinh chim, cá, tôm, cua... Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình, việc phóng sinh không bắt buộc phải thực hiện trong ngày rằm tháng 7 mà có thể thực hiện quanh năm, miễn là khi phóng sinh có suy nghĩ vô tư, trong sáng, thành tâm làm phúc./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhung-mon-khong-the-thieu-trong-mam-co-cung-ram-thang-7/304025.html