Những món quà xanh đặc biệt tặng Tuy Hòa
Đó là những ý kiến đóng góp về vấn đề cây xanh và hạ tầng xanh đô thị Tuy Hòa của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh. Báo Phú Yên lược ghi những ý kiến thông qua các bài tham luận có tính chuyên sâu được trình bày tại hội thảo khoa học Hoàn thiện hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố.
PGS.TS CHẾ ĐÌNH LÝ, NGUYÊN PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN MÔI TRƯỜNG VÀ TÀI NGUYÊN ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP HỒ CHÍ MINH:
Bổ sung thành phần hạ tầng xanh
Để hoàn thiện hạ tầng xanh đô thị Tuy Hòa cần 7 thành phần, gồm vỉa hè sân thấm nước, công trình giữ nước mưa, vườn mưa, rừng đô thị, công viên cây xanh, đường phố xanh, tán cây đô thị.
Nghiên cứu thực tế tại TP Tuy Hòa cho thấy, hạ tầng xanh đô thị Tuy Hòa mới có rừng đô thị và hệ thống cây xanh trên các tuyến đường, công viên.
Thành phố cũng có hồ điều hòa vừa làm mát khí hậu mùa nắng vừa trữ nước tránh ngập lụt mùa mưa bão. Tuy nhiên, nhiều đường phố vẫn ngập cục bộ khi mưa to. Cây xanh đường phố, công viên chưa được thiết kế bài bản một cách tổng thể nên còn lộn xộn và thiếu điểm nhấn...
Thành phần còn thiếu của TP Tuy Hòa là vỉa hè sân thấm nước, công trình trữ nước mưa và vườn mưa trong dân cư đô thị. Tán cây đô thị cũng chưa thực sự được quan tâm phát triển.
Để hướng tới đô thị xanh, thích ứng biến đổi khí hậu kết hợp thúc đẩy phát triển du lịch dịch vụ, TP Tuy Hòa cần bổ sung những thành phần hạ tầng này vào quy hoạch hệ thống cây xanh đô thị và quy hoạch tổng quan đô thị.
KIẾN TRÚC SƯ TRẦN NGỌC CHÍNH, NGUYÊN THỨ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI CÂY XANH VIỆT NAM, CHỦ TỊCH HỘI QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VIỆT NAM:
Cần làm mới quy hoạch hệ thống cây xanh
Lần đầu tiên TP Tuy Hòa có quy hoạch cây xanh đô thị là năm 2003 theo Quyết định 2664/QĐ-UB ngày 6/10/2003 của UBND tỉnh Phú Yên về phê duyệt Quy hoạch cây xanh đô thị - TX Tuy Hòa.
Tính đến nay đã hơn 20 năm, quy hoạch này không còn phù hợp và không đáp ứng được tốc độ đô thị hóa của TP Tuy Hòa ở hiện tại và tương lai. Vì vậy, TP Tuy Hòa cần làm mới quy hoạch hệ thống cây xanh, hạ tầng xanh đô thị đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040.
Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khuyến khích sử dụng vật liệu xanh, xây dựng và phát triển hạ tầng xanh, công trình xanh, tiêu thụ năng lượng xanh đô thị.
Đây là cơ sở để TP Tuy Hòa nói riêng, tỉnh Phú Yên nói chung xây dựng quy hoạch cũng như ban hành các quy định mới về quản lý, phát triển hệ thống cây xanh đô thị.
Các quy định mới nên cụ thể về phân quyền trong quản lý, đưa ra tiêu chí rõ ràng trong chọn loài cây trồng đô thị. Quy định cũng cần mang tính mở để khuyến khích các thành phần trong xã hội cùng tham gia.
Công tác quản lý cây xanh cần tăng cường sự tham gia của cộng đồng. Có cơ chế cho áp dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) và thu thập dữ liệu để hình thành bản đồ cây xanh giúp hỗ trợ công tác quản lý, chăm sóc cây...
TS ĐINH QUANG DIỆP, NGUYÊN GIẢNG VIÊN BỘ MÔN CẢNH QUAN VÀ KỸ THUẬT HOA VIÊN, TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP HỒ CHÍ MINH:
Xây dựng thương hiệu đô thị Tuy Hòa bằng cây, hoa đặc trưng trên đường phố
Nói tới Hà Nội là nhớ tới hoa sữa nồng nàn. TP Hải Phòng được gọi tên là thành phố hoa phượng đỏ. Đà Lạt là thành phố ngàn hoa. Tuy Hòa nói riêng, tỉnh Phú Yên nói chung được ví là vùng đất hoa vàng cỏ xanh.
Điều này cho thấy ấn tượng đô thị, điểm nhấn đô thị có thể được tạo nên bằng cây, hoa đặc trưng. Tuy nhiên, không có nghĩa là khắp đường phố Tuy Hòa đều phải trồng thảm cỏ có hoa vàng mà là chọn loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu gắn với quy hoạch cây xanh tổng thể và thiết kế cảnh quan.
Các tuyến phố cần đa dạng loại cây, có tuyến trồng hoa, tuyến cây ăn trái, tuyến cây tán rộng, hình thù lá đẹp. Chọn cây phù hợp thiết kế phân tầng trong cùng tuyến vừa tạo thêm mảng xanh vừa tăng thẩm mỹ cũng như hài hòa sinh thái để thu hút động vật như chim, bướm... tới sinh sống.
Không nên bứng cây to về trồng trong đô thị vì cây to thường là cây nhiều tuổi, khả năng tái tạo bộ rễ yếu dễ ngã đổ và tạo tán chậm nên tạo bóng mát cũng yếu. Nên chọn cây xuất vườn cao từ 3-3,5m và cây trưởng thành không quá 15m.
Tuy Hòa là đô thị biển, một số loại cây có thể trồng như nho biển hay còn gọi là cây tra biển, cây choi mộc... có khả năng chịu hạn tốt, phù hợp với đất cát, gió biển dễ khô hạn mùa nắng nóng. Cây bàng vuông, dừa cũng thích hợp với khí hậu biển đảo...
Một số loại hoa cũng phù hợp với Tuy Hòa như cây móc bạc, giáng hương cầu gai, vàng anh lá nhỏ, muồng hoàng yến, lộc vừng... Những cây này có hoa chùm, hoa dây rủ tạo cảnh quan đẹp.
Trên địa bàn TP Tuy Hòa có làng nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh. Đây chính là vườn ươm cung cấp cây trồng đặc trưng mang dấu ấn Tuy Hòa nếu thành phố biết cách khai thác.
ÔNG TRẦN THIỆN HÀ, PHÓ CHỦ TỊCH KIÊM TỔNG THƯ KÝ HIỆP HỘI CÔNG VIÊN CÂY XANH VIỆT NAM:
Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị để ổn định hệ thống cây xanh
Cây xanh bám rễ và tạo tán cần thời gian dài từ 5-20 năm. Nhiều đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang buộc phải bứng những hàng cây hàng chục năm tuổi bởi hạ tầng kỹ thuật không hoàn thiện. Nên khi nâng cấp, mở rộng, tích hợp thêm tiện ích cho đô thị buộc phải bứng cây để có không gian xây dựng.
Mỗi lần lắp đặt đường ống, dây cáp ngầm... đều phải đào đất khu vực vỉa hè, lòng đường, làm ảnh hưởng tới sự phát triển của rễ cây và hệ sinh thái môi trường đất, khiến cây khó phát triển tiếp và dần dần bị khai tử.
Vì vậy, trước khi có kế hoạch hoàn thiện hệ thống cây xanh, TP Tuy Hòa nên tính tới quy hoạch mang tính kế thừa và xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ để kéo dài thời gian đầu tư.
Đồng thời cân nhắc tới khả năng tài chính bởi thực tế cho thấy quy hoạch dành cho bất động sản tạo ra tiềm năng kinh tế lớn trong khi quy hoạch cho không gian cây xanh ít tạo nguồn thu.
Nhiều địa phương đã không triển khai được quy hoạch cây xanh ban đầu mà buộc phải thay đổi quy hoạch, biến một số không gian xanh thành nhà ở, đất dịch vụ... vì vấn đề tài chính.
ÔNG LÊ VĂN THỨNG, CHỦ TỊCH HỘI BẢO VỆ THIÊN NHIÊN VÀ MÔI TRƯỜNG PHÚ YÊN:
Kinh nghiệm trồng và cải tạo cây bãi ngang ven biển
Bãi ngang ven biển Tuy Hòa có chiều dài 17km, trong đó 1,5km từ đường Nguyễn Hữu Thọ đến đường Nguyễn Huệ là phễu gió.
Nơi đây cát và gió nhiều khiến cây thoát nước nhanh và dễ chết dần từ ngọn đến thân nếu không được bù nước kịp thời. Bão và áp thấp nhiệt đới từ biển cũng là nguyên nhân khiến cây bị ngã, đổ, bật gốc.
Trước đây, để chắn gió, chắn cát, cây phi lao đã được trồng dọc bãi biển Tuy Hòa. Cùng với đẩy mạnh phát triển du lịch, nơi đây hình thành nhiều công trình kiến trúc độc đáo với công viên và hệ thống cây xanh được thiết kế đẹp mắt.
Từ kinh nghiệm trồng phi lao, thành phố đã phát triển trồng nhiều loại cây cũng có tác dụng chắn gió, cát mà lại tạo cảnh quan đẹp như dừa, nho biển, bàng, phong ba...
Điển hình hiện nay là rừng dừa tại khu du lịch Sala và các kiểu cây tầng tán dài 4km khu bờ biển. Kinh nghiệm cho thấy, để cây trồng bãi ngang ven biển Tuy Hòa phát triển tốt, cần chọn loại cây trồng có kích thước từ 2-6 tuổi tùy quy mô diện tích.
Cây nên trồng vào mùa nắng, bắt đầu tháng 2 để đến mùa mưa cây hoàn chỉnh hệ sinh thái đủ cứng cáp, chịu được mùa gió khắc nghiệt vào tháng 11, 12 và tháng 1 năm sau...
Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khuyến khích sử dụng vật liệu xanh, xây dựng và phát triển hạ tầng xanh, công trình xanh, tiêu thụ năng lượng xanh đô thị.
Đây là cơ sở để TP Tuy Hòa nói riêng, tỉnh Phú Yên nói chung xây dựng quy hoạch cũng như ban hành các quy định mới về quản lý, phát triển hệ thống cây xanh đô thị.
MINH DUYÊN (ghi)
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/317789/nhung-mon-qua-xanh-dac-biet-tang-tuy-hoa.html