Những mùa xuân văn nghệ ở chiến khu

Ông Vũ Hoài đang đọc kịch bản. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những mái tóc xanh ngày nào nay đã bạc trắng. Và cứ mỗi mùa xuân đến, ký ức về một thời lửa đạn bom rơi dưới ánh đèn sân khấu biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ và nhân dân vùng giải phóng, vùng ven lại ùa về trong tâm trí của những nghệ sĩ thời kháng chiến Nguyễn Ngọc Thừa, Vũ Hoài, Nguyễn Phụng Kỳ...

Mặc dù đang tất bật để chuẩn bị cùng gia đình chuẩn bị đón Tết Tân Sửu đã cận kề, nhưng những nghệ sĩ đã bạc mái đầu vẫn dành thời gian cùng chúng tôi ôn lại những kỷ niệm buồn, vui trong những mùa xuân ở chiến khu.

Tết đến là lên đường phục vụ

Ông Nguyễn Ngọc Thừa là người con của quê hương Đồng khởi Hòa Thịnh. Vì có năng khiếu ca hát nên mới 13 tuổi, ông được tuyển vào Đội Thiếu nhi tuyên truyền giải phóng của huyện Tuy Hòa 1. Năm 1959, ông được tuyển vào Đoàn Văn công Y17 và theo học lớp múa ở Khu 5, sau đó phụ trách tổ Múa của đoàn.

Nhắc lại chuyện xưa, ông ấn tượng mãi với đêm diễn đầu tiên tại quê nhà: “Mùa xuân 1960, Đoàn Văn công Y17 nhận nhiệm vụ lên đường biểu diễn mừng ngày Đồng khởi Hòa Thịnh. Tối hôm đó, đoàn biểu diễn vở tuồng “Tấm tường đẫm máu”, bà con cổ vũ hết mình khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Sau đêm diễn, bà con mang khoai, mang gà đến làm quà cho đoàn. Sau này, mỗi lần chúng tôi đi phục vụ là được nhận nhiều quà”.

Suốt 15 năm trong nghề, mỗi khi xuân về, Tết đến, ông cùng anh em trong đoàn lên đường đi phục vụ khắp các nơi trên chiến trường Phú Yên, nơi nào có bộ đội, người dân là nơi đó văn công có mặt. Ông Thừa nhớ lại: “Tết Đinh Mùi năm 1965 là cái Tết vui nhất. Tỉnh đoàn Phú Yên tổ chức đại hội tại Trảng Sạn, Sơn Lâm (Sơn Hòa).

Các nơi trong tỉnh hội tụ về cắm trại 3 ngày 3 đêm. Đặc biệt, mỗi huyện đều có 2-3 tiết mục văn nghệ để tham gia. Hồi ấy, thanh niên xông xáo, nhiệt tình, gần gũi, thân thiện lắm. Nhiều lúc ngồi ngẫm lại, có những tiết mục tùy hứng, tự biên tự diễn nhưng khiến cho người xem phải rơi lệ hoặc cười rớt nước mắt”.

Còn kỷ niệm “dở khóc dở cười” ông Thừa nhớ nhất là khoảng 8 ngày sau Đại hội Tỉnh đoàn kết thúc. Đoàn nhận lệnh lên đường phục vụ cán bộ và nhân dân tại cây Da Dù (Hòa Quang, Tuy Hòa 2), nhưng vừa đến nơi thì có tin báo địch phục kích, mọi người phải tìm nơi ẩn nấp. Sau đó không thấy động tĩnh gì nên đoàn mở màn biểu diễn cho bà con xem thì địch bắn pháo.

“Tôi bị mảnh đạn xẹt qua hàm, cổ và được anh em đưa về đơn vị điều trị còn cả đoàn rút về căn cứ Gộp Mồng Mồng. Đến sáng hôm sau trên mặt tôi vẫn còn hóa trang vì chưa kịp rửa”, ông Thừa nhớ lại.

Theo ông Thừa, một trong những vinh dự lớn của Đoàn Văn công Y17 là được bộ đội chủ lực của Trung đoàn Ngô Quyền hộ tống, đưa xuống các xã thuộc huyện Tuy Hòa 2 phục vụ cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. “Khi chúng tôi vừa đến khu vực miễu Bà Di (Hòa Quang) thì bị địch phục kích.

4 đồng chí hy sinh. Riêng chị Đỗ Thị Thúy Hồng (quê Đồng Xuân) - diễn viên của đoàn bị thương 2 chân, không di chuyển được. Sáng hôm sau địch đi càn, phát hiện và bắt chị băng bó vết thương để khai thác nhưng chị quyết hy sinh không rơi vào tay giặc”, ông Thừa bùi ngùi.

Luôn rạng rỡ nụ cười

Nghệ sĩ Vũ Hoài (tên thật là Nguyễn Văn Hòa, nguyên Phó Giám đốc Nhà văn hóa tỉnh), là diễn viên dân ca bài chòi của Đoàn Văn công Tỉnh đội Phú Yên những năm 1969-1975.

Ký ức khó quên trong ông là chuyến biểu diễn phục vụ tại Sông Cầu năm 1970: “Chúng tôi nhận nhiệm vụ lên đường phục vụ tại Tiểu đoàn 9. Khi qua sông Con (Đồng Xuân) thì gặp nước lũ. Trong đội có 24 người (8 nữ, 16 nam) nhưng chỉ có khoảng 6 người và tôi biết bơi. Vì vậy, chúng tôi phải thay nhau đưa anh em, đạo cụ sân khấu qua sông cho kịp thời gian.

Đưa được người cuối cùng, tay chân chúng tôi ai nấy đều bị co quắp, bủn rủn. Tôi nằm lịm cho đến hơn 2 tiếng đồng hồ mới tỉnh lại. Sau đó, tất cả về đến Tiểu đoàn 9 thì có tin thám báo có địch, các chị em theo bộ phận sơ tán, còn anh em chúng tôi cầm súng chốt chờ sẵn sàng chiến đấu. Nhưng may, địch chuyển đi hướng khác nên đoàn trở lại biểu diễn”.

Ông Hoài vẫn nhớ như in về 24 ngày “Mỹ lết” và 28 ngày trong vòng vây lính Triều Tiên: “Năm 1971, chúng tôi đang tập luyện chương trình tại doanh trại Khẩu Trà Bon, Bầu Bèo, Phước Tân (Sơn Hòa) thì bị bọn “Mỹ lết” (lính Mỹ sắp về nước không dám đi càn) đổ quân bao vây đến 24 ngày đêm.

Sau khi lính Mỹ rút được 5 ngày thì lính Nam Triều Tiên lại bao vây thêm 28 ngày nữa. Lúc này, không còn lương thực dự trữ, chúng tôi ban đêm phải vào rẫy để tìm khoai củ, rau rừng mang về nấu ăn thay cơm. Chờ địch rút, chúng tôi mới về lại đơn vị. Đau đớn nhất là 2 đồng chí bị mất tích…”.

Còn nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, vẫn còn nhớ nằm lòng những mùa xuân văn nghệ ở chiến khu, dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua.

“Năm 1971, tôi và một số anh em của Đoàn Văn công Tỉnh ủy được điều xuống cơ sở mang hàng về cho đơn vị, khi đến thôn Phú Cần, xã An Thọ gặp địch càn lên bắn chết 2 đồng chí lực lượng vũ trang. Còn lại tôi và 5 đồng chí nữa chạy núp dưới chân núi, chờ địch đi qua rồi rút xuống thôn An Hòa, Tuy An. Tối đó, theo yêu cầu của bà con nên anh em chúng tôi biểu diễn trích đoạn một số tiết mục lẻ của đoàn. Khi diễn xong, chúng tôi ở lại với bà con, chờ địch rút mới mang hàng lên”, ông Kỳ hồi tưởng.

Vợ chồng nghệ sĩ Phụng Kỳ chụp ảnh lưu niệm khi ở Đoàn Dân ca Phú Khánh đi thu truyền hình vở “Tiếng sấm Tây Nguyên” ở TP Hồ Chí Minh năm 1977

Theo ông Kỳ, biểu diễn ở các đơn vị bộ đội, dân chính để tạo thêm niềm lạc quan, hưng phấn, làm vơi đi nỗi nhớ gia đình và mọi người càng hăng say trên bước đường nhiệm vụ.

“Tôi còn nhớ chú Mười Lưu, chú Năm Ngang, anh Mười Kỷ, bác Chín Đạm… đang bị sốt rét rừng lên cơn, vậy mà nghe đoàn đi phục vụ thì cũng chống gậy vượt suối, băng rừng mà đi. Có thể nói, những chuyến đi biểu diễn của đoàn là những chuyến đi “không hẹn ngày về”, bởi tình hình chiến sự ngày càng khốc liệt.

Có những buổi biểu diễn, các thành viên phải ngủ trong rừng, đói khát hay lội suối ngập đến cổ nhưng luôn rạng rỡ nụ cười. Và có người mãi mãi nằm lại trên chiến trường, nơi biểu diễn vì bom đạn...”, ông Kỳ bùi ngùi nhớ lại.

Miệt mài hoạt động

Năm nay ông Thừa đã bước vào tuổi 78, nhưng vẫn miệt mài làm cố vấn, hướng dẫn, dàn dựng nhiều chương trình, tiết mục văn nghệ tham gia phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương. Dù không còn hát lâu, hát khỏe được như xưa nhưng nhắc đến âm nhạc là đôi mắt ông sáng lên như muốn cất giọng.

Còn ông Vũ Hoài đang sinh sống an nhiên, sum vầy cùng với con cháu tại phường 7 (TP Tuy Hòa). Ông vẫn tham gia sáng tác và dàn dựng kịch dân ca bài chòi cho phong trào văn hóa, văn nghệ tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Phụng Kỳ, là hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, năm nay đã bước vào tuổi thất thập nhưng vẫn miệt mài sáng tác nhiều kịch bản tuồng, dân ca. Ông cho biết đã xuất bản 4 tập kịch sân khấu với đề tài đất nước con người Phú Yên, trong đó có 3 vở được các câu lạc bộ của huyện, của tỉnh dàn dựng biểu diễn.

Đối với các nghệ sĩ từng tham gia kháng chiến này, khó có thể kể hết những vất vả, gian nan nhưng đó lại là một phần ký ức vinh quang, tự hào, thiêng liêng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.

Sau ngày giải phóng không lâu, đoàn chúng tôi về phục vụ tại xã Hòa Thịnh. Tối đó, tôi đóng vai tên ác ôn Tư Khòm trong vở kịch Ba cha con của tác giả Phan Ngạn. Đến đoạn đánh vào mặt ông Hai cơ sở thì bà con đứng dậy hô đả đảo rầm trời.

Các anh em du kích phải làm tư tưởng và giải thích cho bà con là nghệ sĩ đang đóng kịch chứ không phải sự thật nên mọi người im lặng và tiếp tục xem. Mới biết, khi đã nhập vai và diễn xuất “y như thật”, người nghệ sĩ hóa thân vào nhân vật thì rất dễ xảy ra những hiểu lầm rất đáng yêu.

Nghệ sĩ Nguyễn Phụng K

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/94/251773/nhung-mua-xuan-van-nghe-o-chien-khu.html