Những mức xử phạt đối với hành khách có hành vi gây rối tại sân bay
Hình thức xử lý đối với từng trường hợp gây rối tại sân bay là khác nhau. Việc xử lý người gây rối, mất khả năng làm chủ hành vi ở khu vực sân bay được quy định như thế nào và mức xử phạt ra sao? Mời quý độc giả theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm thông tin chi tiết.
Gây rối tại sân bay có thể bị phạt tù
Theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người gây rối tại sân bay có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
- Về xử phạt hành chính:
Căn cứ vào điểm a, điểm h, khoản 4, điều 46 Nghị định 162 năm 2018 của Chính phủ (thay thế Nghị định 147) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng:
+ Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không tuân theo sự chỉ dẫn của lực lượng kiểm soát an ninh.
+ Phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không.
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng - 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi gây rối, kích động, lôi kéo người khác gây rối làm mất an ninh, trật tự tại cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Về xử phạt hình sự:
Khoản 1, điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội gây rối trật tự công cộng như sau:
+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng - 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm đối với người gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
+ Phạt tù tới 7 năm trong trường hợp phạm tội có dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; xúi giục người khác gây rối; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng…
Những vụ hành khách gây rối ở sân bay không phải là hiếm
Gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin một nữ hành khách gây rối tại sân bay Tân Sơn Nhất. Nhiều người tỏ ra bức xúc vì thái độ "chợ búa" của người phụ nữ này đối với nhân viên hàng không.
Theo thông tin phản ánh, ngày 11-8-2019, bà Lê Thị Hiền (Hà Nội) đến làm thủ tục chuyến bay VN248 chặng Sài Gòn - Hà Nội, yêu cầu gửi thêm một kiện hành lý xác tay cùng với bốn kiện hành lý tiêu chuẩn miễn cước đã ký gửi trước đó. Không được đồng ý, nữ hành khách tỏ thái độ bức xúc, lớn tiếng, có lời lẽ thô bạo với nhân viên hàng không.
Trong quá trình di chuyển đến bộ phận an ninh soi chiếu, bà Hiền làm mất thẻ lên máy bay và tiếp tục đến quầy thông tin lớn tiếng. Hãng hàng không Vietnam Airlines đã quyết định từ chối vận chuyển nữ hành khách này để đảm bảo an ninh trật tự cho chuyến bay.
Trước đó là vụ đại gia bất động sản Vũ Anh Cường "sàm sỡ" nữ hành khách cùng chuyến bay vào ngày 26-7. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, cơ trưởng chuyến bay VN253 từ Hà Nội đi TP.HCM của hãng hàng không Vietnam Airlines đã quyết định từ chối phục vụ nam hành khách này do hành vi quấy rối nữ hành khách nữ trẻ tuổi ngồi cùng khoang hạng ghế thương gia. Không có dấu hiệu hình sự, chiều ngày 31-7, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã ký quyết định xử phạt đối với ông Vũ Anh Cường là 10.000.000 đồng.
Trên thực tế, việc hành khách vi phạm những quy định trước, trong và sau các chuyến bay không phải là hiếm. Trong năm 2018, ngành Hàng không Việt Nam ghi nhận: chỉ trong 11 tháng nhưng có đến 13 vụ hành khách hoặc người đến đưa tiễn hành hung nhân viên ngành tại các sân bay và trên máy bay, tăng 3 vụ so với năm 2017; ngoài ra còn có 6 vụ hành khách gây rối, cãi lộn và lăng mạ nhân viên hàng không. Có thể điểm đến các vụ việc như: Chửi bới nhân viên hàng không vì đến muộn không được bay; ném điện thoại vào mặt nhân viên sân bay vì bị nhắc không được hút thuốc; đánh nhân viên sân bay vì phải xếp hàng chờ, thậm chí, có trường hợp hành khách hành hung nữ nhân viên sân bay vì lý do "giời ơi đất hỡi": Không được chụp ảnh cùng!
Sau nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra, Cục Hàng không yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không và các cảng vụ hàng không chỉ đạo lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, tăng cường cảnh giác, kịp thời phát hiện và trấn áp các hành vi đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của nhân viên ngành này. Bên cạnh đó, các hãng hàng không cần có các biện pháp tích cực phòng ngừa để bảo vệ sự an toàn của nhân viên đối với các đối tượng manh động, côn đồ.